Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội làm việc với Tập đoàn Hóa chất Việt Nam

10:11 SA @ Thứ Ba - 06 Tháng Tám, 2024

Ngày 05/8/2024, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đã làm việc với Tập đoàn Hóa chất Việt Nam về tình hình thực hiện quy định pháp luật trong hoạt động hóa chất và đóng góp ý kiến phục vụ thẩm tra dự án luật hóa chất (sửa đổi).

Tại buổi làm việc về phía Quốc hội có đồng chí Lê Quang Huy Ủy viên TW Đảng, chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và môi trường Quốc hội và các đồng chí trong ban lãnh đạo và các đại diện của Ủy ban. Về phía Tập đoàn có đồng chí Phùng Quang Hiệp Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn; Đồng chí Nguyễn Thị Thu Bình, Thành viên HĐTV; Đồng chí Lê Hoàng Phó Tổng giám đốc Tập đoàn; Đồng chí Đào Trọng Cường Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn, Đại diện lãnh đạo của một số đơn vị, Đại diện Ban kỹ thuật và một số ban của Tập đoàn. 

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam là doanh nghiệp nhà nước sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; hóa chất cơ bản, hóa chất tiêu dùng; công nghiệp hóa chất, hóa dược, hóa dầu, điện hóa; công nghiệp chế biến cao su; công nghiệp khai thác mỏ (trong đó có nhiều hóa chất độc hại nguy hiểm như: Axit H2SO4, axit H3PO4, axit HCl, khí Cl2, khí công nghiệp… ) Trong quá trình sản xuất kinh doanh của Tập đoàn tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ và sự cố rò rỉ hóa chất. Vì vậy, Tập đoàn luôn quan tâm và chỉ đạo các đơn vị thành viên tuyệt đối chấp hành các quy định pháp luật về an toàn môi trường, an toàn hóa chất nhằm giảm thiểu tối đa rủ ro gây ra các nguy cơ mất an toàn hóa chất.

Bên cạnh đó, Tập đoàn có nhà máy sản xuất của các đơn vị trải nhiều trên các địa phương trong cả nước; có những nhà máy đặt tại khu công nghiệp tập trung ( nhà máy DAP – Vinachem… ) nhưng cũng có những nhà máy đang tồn tại ngay bên cạnh các khu dân cư tập trung (Nhà máy Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao, Nhà máy hóa chất Việt Trì… ). Chính vì những yếu tố trên, công tác hướng dẫn, phổ biến, tuyên truyền về An toàn lao động, bảo vệ môi trường, an toàn PCCC cho các nhà máy sản xuất hóa chất, phòng ngừa sự cố rò rỉ hóa chất được Lãnh đạo Tập đoàn và các đơn vị đặc biệt quan tâm.

Tại buổi làm việc, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam đã trình bày quá trình thực thi Luật Hóa chất của Tập đoàn. Ngay sau khi Luật Hóa chất, Nghị định, các văn bản như Thông tư, được ban hành, Tập đoàn luôn luôn quan tâm chú trọng và nghiêm túc thực hiện các quy định trong hoạt động hóa chất; thực hiện tuyên truyền, phổ biến, chỉ đạo, nhằm nâng cao nhận thức về pháp luật trong lĩnh vực hóa chất cho các đơn vị thành viên thuộc Tập đoàn.

Hình thức tuyên truyền đa dạng gồm giải đáp pháp luật, tổ chức cán bộ tham dự các hội thảo, diễn đàn, khóa đào tạo không chỉ dừng lại ở lý thuyết mà còn đề cập đến thực tế hoạt động hóa chất, từ đó tạo cơ hội phân tích, tranh luận sâu rộng về bất cập trong thực hiện quy định của pháp luật Hóa chất và trong hoạt động thực thi của cơ quan quản lý;

- Tập đoàn đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các đơn vị thành viên tăng cường công tác phòng ngừa, ứng phó với sự cố hóa chất độc hại;

- Bên cạnh đó, để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về hóa chất, các đơn vị thành viên đã tổ chức huấn luyện an toàn hóa chất và định kỳ huấn luyện lại. Nội dung huấn luyện bao gồm các quy định pháp luật về quản lý hóa chất, an toàn hóa chất, thực hành các phương án ứng phó sự cố hóa chất với thời lượng phù hợp cho các đối tượng khác nhau từ lãnh đạo, cán bộ quản lý, làm việc gián tiếp và người lao động trực tiếp.

- Hàng năm, Tập đoàn đã triển khai công tác kiểm tra, giám sát chuyên đề các đơn vị hoạt động hóa chất; kiểm tra đột xuất, kiểm tra đột xuất, kiểm tra định kỳ; giám sát tại hiện trường việc chấp hành quy định về an toàn vận hành, sửa chữa máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt: Xử lý nghiêm khắc đối với các cá nhân, đơn vị vi phạm các quy trình, quy định.

- Chỉ đạo các đơn vị thành viên rà soát đánh giá các biện pháp làm việc an toàn, nhận diện mối nguy, đánh giá rủi ro về an toàn, vệ sinh lao đông; an toàn hóa chất, môi trường tại các vị trí làm việc, đặc biệt tại các công việc liên quan đến nồi hơi, thiết bị chịu áp lực, thiết bị phản ứng, điện phân…

- Chỉ đạo các đơn vị trang bị đầy đủ các loại trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động như: mặt nạ phòng độc, khẩu trang, quần áo, găng tay, ủng… chống hóa chất, để người lao động sử dụng an toàn trong khi làm việc.

- Tại các khu vực sản xuất, nơi sử dụng, kho bảo quản hóa chất nguy hiểm, độc hại đều được áp dụng giải pháp thông gió tự nhiên lắp đặt quạt thông gió đảm bảo chỉ tiêu nói riêng, nồng độ hơi, khí, bụi độc, môi trường làm việc nói chung đạt tiêu chuẩn VSLĐ cho phép.

- Hệ thống chiếu sáng tại khu vực sản xuất, sử dụng, bảo quản hóa chất nguy hiểm cháy nổ đều được lắp đặt đèn loại phòng nổ;

- Các đơn vị thành viên đã tổ chức các lớp đào tạo, cấp chứng chỉ, huấn luyện về kỹ thuật an toàn hóa chất đối với lãnh đạo, người quản lý các bộ phận liên quan trực tiếp đến hoạt động hóa chất; Đối với người trực tiếp sản xuất, kinh doanh, vận chuyển, cất giữ, bảo quản, sử dụng hóa chất được huấn luyện đào tạo theo đúng quy định của pháp luật.

- Việc thực hiện quy định về phân loại, ghi nhãn, bao gói và vận chuyển hóa chất: Phiếu an toàn hóa chất, phiếu kiểm soát mua, bán hóa chất độc, khai báo hóa chất nhập khẩu, khai báo hóa chất sản xuất, khai báo hóa chất sử dụng, quản lý tiền chất công nghiệp, nhãn hóa chất: thực hiện theo đúng quy định, các hóa chất mua bán đều có đầy đủ phiếu an toàn hóa chất, có khai báo với Cục Hóa chất.

- Thực hiện các quy định của pháp luật về vận chuyển chất thải: các đơn vị thuê đơn vị ngoài có đầy đủ giấy phép theo quy định để vận chuyển chất thải đảm bảo an toàn, đúng quy định về nơi xử lý.

- Tập đoàn Hóa chất Việt Nam để quản lý, giám sát, điều hành trong công tác bảo vệ môi trường tại các nhà máy sản xuất ,bảo vệ môi trường trong hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ hóa chất. Các đơn vị thành viên đã xây dựng kế hoạch ngăn ngừa và ứng phó với sự cố hóa chất trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định;

Các đơn vị đang tiếp tục triển khai thực hiện xây dựng kế hoạch phòng ngừa, ứng phó và khắc phục sự cố môi trường để tích hợp kế hoạch ngăn ngừa và ứng phó với sự cố hóa chất theo nghị định Chính phủ Quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường.

Khó khăn, vướng mắc, tồn tại

- Các yêu cầu đối với nhà xưởng, kho chứa, quản lý hóa chất nguy hiểm còn chung chung, không theo kịp xu thế phát triển thực tế ngành công nghiệp hóa chất, đồng thời chưa đưa ra được tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về các vấn đề kỹ thuật cụ thể như hệ thống thiết bị, chiếu sáng, thông gió… Điều này gây khó khăn trong công tác hướng dẫn, thẩm định của cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động hóa chất, cũng như gây khó khăn cho việc thực hiện của doanh nghiệp (thiết bị phục vụ cho công tác an toàn lưu chứa hóa chất có chi phí cao, hao mòn lớn).

- Chưa quy định cụ thể, quy chuẩn kỹ thuật hoặc Thông tư hướng dẫn về thiết lập khoảng cách an toàn giữa cơ sở sản xuất, kinh doanh, cất giữ, sử dụng hóa chất nguy hiểm tới các điểm dân cư, công trình công cộng, di tích lịch sử, văn hóa. Điều này gây khó khăn cho việc thực hiện của doanh nghiệp.

- Hệ thống dữ liệu hóa chất quốc gia còn chưa cập nhật kịp thời dẫn tới các chức năng về đánh giá rủi ro hóa chất, hỗ trợ các lực lượng trực tiếp ứng phó sự cố hóa chất chưa được phát triển để đáp ứng nhu cầu; khó khăn trong việc áp mã thuế khi thực hiện xuất – nhập khẩu hóa chất, gây phát sinh thêm nhiều chi phí cho doanh nghiệp hoặc có thể dẫn tới việc bị truy thu thuế gây khó khăn cho doanh nghiệp (Cơ chế hậu kiểm).

- Thủ tục hành chính còn nhiều khó khăn vướng mắc, bởi hiện nay hóa chất được nhiều bộ ban ngành cùng quản lý như: Bộ Công thương, Bộ Y tế… khiến cho doanh nghiệp khó tiếp cận thông tin; phát sinh nhiều giấy phép con khó khăn cho hàng nhập khẩu, đặc biệt hàng lỏng, hàng lạnh…

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam có rất nhiều đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật về hóa chất (Luật và các văn bản dưới luật). Các đề xuất, kiến nghị đã được soạn thảo và trình Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội. Có một số đề xuất, kiến nghị đã được đưa ra trong buổi làm việc. Ủy ban tiếp thu và giải đáp một số đề xuất, kiến nghị sửa đổi bổ sung của Tập đoàn.