Các đơn vị thuộc Đề án 1468 ước đạt doanh thu cộng hợp 10.589 tỷ đồng, bằng 136% so với kế hoạch năm 2021, tăng 74% so với thực hiện 2020.
Theo báo cáo của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem), mặc dù còn gặp khó khăn do chi phí tài chính chiếm tỷ trọng lớn, song hoạt động sản xuất kinh doanh và doanh thu của các doanh nghiệp thuộc Đề án 1468 (Đề án xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương) đều tăng trưởng khá, giảm lỗ hơn 90% so với năm 2020.
Cụ thể, các đơn vị có giá trị sản xuất công nghiệp tăng mạnh, gồm: Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình tăng 136,7%; Công ty CP DAP- Vinachem tăng 74,9%; Công ty CP DAP số 2- Vinachem tăng 61,5%; Công ty CP Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc tăng 53,8%.
Doanh thu cộng hợp ước đạt 51.200 tỷ đồng (doanh thu đạt cao nhất từ trước đến nay), bằng 116% so với kế hoạch năm 2021, tăng 24% so với thực hiện năm 2020; trong đó, các đơn vị thuộc Đề án 1468 ước đạt 10.589 tỷ đồng, bằng 136% so với kế hoạch năm 2021, tăng 74% so với thực hiện 2020.
Một số đơn vị có doanh thu tăng mạnh, gồm: Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình tăng 110,9%; Công ty CP DAP số 2- Vinachem tăng 69,1%; Công ty CP Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc tăng 53,1%; Công ty CP DAP- Vinachem tăng 55,1%.
Lợi nhuận năm 2021 của Vinachem ước đạt 1.726 tỷ đồng, tăng 3.852 tỷ so với năm 2020; trong đó, các đơn vị thuộc Đề án 1468 ước lỗ cộng hợp 346 tỷ đồng, đã giảm lỗ 3.519 tỷ đồng so với năm 2020. Các đơn vị không thuộc Đề án 1468 lãi cộng hợp ước đạt 2.074 tỷ đồng, tăng lãi 19% tương đương 334 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2020.
Cho đến nay, dự án DAP Hải Phòng đã được đưa ra khỏi danh sách "đen”, 3 dự án còn lại của Vinachem đều đang hoạt động tốt, mức lỗ giảm mạnh. Các đơn vị thuộc Đề án 1468 giảm lỗ 91% so với năm 2020; trong đó, Công ty CP Phân đạm và HC Hà Bắc giảm 97%, Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình giảm 90%, Công ty CP DAP số 2- Vinachem giảm 80%.
Theo Vinachem, hiện ba đơn vị sản xuất phân bón thuộc Đề án 1468 của tập đoàn tiếp tục gặp khó khăn khi chi phí tài chính cho vốn vay lưu động và khoản vay đầu tư ngày càng chiếm tỷ lệ lớn trong giá thành sản phẩm do phát sinh lãi phạt tính cho các khoản chậm trả.
Trong thời gian qua, Vinachem đã thường xuyên thực hiện việc rà soát, phân tích đánh giá chuyên đề chi phí sản xuất tại các dự án thuộc Đề án 1468 để tiếp tục tìm giải pháp nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh; thực hiện nghiêm túc, quyết liệt ý kiến chỉ đạo do Ban chỉ đạo Chính phủ, Ủy ban đối với các đơn vị theo Đề án 1468.
Tập đoàn cũng đã xây dựng Đề án tái cơ cấu các đơn vị như Công ty cổ phần Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc, Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình, Công ty cổ phần DAP số 2- Vinachem.
Đại diện Vinachem cho hay, tập đoàn và các đơn vị hoàn thiện phương án xử lý, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, chủ động xây dựng các phương án, kế hoạch cụ thể để ổn định sản xuất; chủ động gắn sản xuất với thị trường để đảm bảo tồn kho nguyên vật liệu, sản phẩm ở mức hợp lý.
Cùng đó, đẩy mạnh tiêu thụ, nâng cao hiệu quả của quản lý nhằm giảm chi phí, tăng tính cạnh tranh sản phẩm góp phần tăng hiệu quả chung của doanh nghiệp.