Những nỗ lực bền bỉ giúp DAP - Vinachem đứng vững trên thị trường

11:54 SA @ Thứ Năm - 06 Tháng Hai, 2020

Vào những ngày đầu năm, có mặt tại Công ty Cổ phần DAP- Vinachem (thuộc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam) chứng kiến không khí lao động khẩn trương với tâm thế tràn đầy lạc quan trong các phân xưởng sản xuất, chúng tôi tin rằng, năm 2020 công ty sẽ tiếp tục hoàn thành tốt các mục tiêu kế hoạch đề ra, phát triển vững mạnh.

Duy trì lợi nhuận, bứt phá khỏi nhóm dự án kém hiệu quả

Mặc dù năm 2016 Công ty Cổ phần DAP - Vinachem (DAP – Vinachem) vẫn thua lỗ trên 460 tỷ đồng, song Công ty cố gắng vượt qua bằng những nỗ lực đáng ghi nhận. Theo đó, năm 2019 doanh nghiệp đã thoát lỗ lũy kế ngoạn mục và duy trì hoạt động sản xuất hiệu quả cho đến thời điểm này.

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Nguyễn Văn Sinh - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần DAP - Vinachem cho biết, trong 3 năm qua doanh nghiệp tập trung toàn tâm toàn lực vào cơ cấu lại tổ chức, cải tiến quản trị, thực hành tiết kiệm, giảm định mức tiêu hao. Trong đó, năm 2017 DAP - Vinachem chính thức thoát lỗ, lợi nhuận đạt gần 15 tỷ đồng, năm 2018 lợi nhuận đạt trên 227 tỷ đồng.

Tiếp đến, năm 2019, toàn ngành phân bón trong nước và thế giới đều suy giảm khiến nhiều doanh nghiệp khó khăn, hiệu quả thấp, thậm chí có doanh nghiệp đã xuất hiện lỗ. “Tuy nhiên, DAP - Vinachem tiếp tục đứng vững, liên tục trong 3 năm liên tiếp (2017 - 2019) đều có lợi nhuận bền vững, được Chính phủ, Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và Tập đoàn Hóa chất Việt Nam đề nghị đưa ra khỏi nhóm 12 dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả của ngành Công Thương”- ông Nguyễn Văn Sinh bày tỏ.

Theo kết quả sản xuất kinh doanh sơ bộ công bố ngày 6/1/2020 của DAP - Vinachem, tháng 12/2019 doanh thu công ty đạt xấp xỉ 129 tỷ đồng, lũy kế cả năm 2019 đạt trên 1.645 tỷ đồng, lợi nhuận ước đạt trên 6,5 tỷ đồng sau khi trừ toàn bộ khoản lỗ lũy kế từ năm 2016.

Bên cạnh đó, đời sống việc làm của cán bộ công nhân viên của DAP – Vinachem tiếp tục được duy trì ổn định, người lao động tin tưởng vào sự tồn tại phát triển đi lên của doanh nghiệp. Từ đó khẳng định, Công ty Cổ phần DAP - Vinachem đã đi đúng hướng. Ngoài ra, một số chính sách quản lý, điều hành về phân bón của Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước thực sự phát huy hiệu quả trong 3 năm qua.

Tự tin bước vào năm 2020

Năm 2020, DAP - Vinachem xác định nhiệm vụ trọng tâm vẫn là công tác tiêu thụ sản phẩm, thực hiện nghiêm túc kết luận của Phó Thủ tướng, Trưởng Ban chỉ đạo của Chính phủ. Xây dựng sản lượng sản xuất phù hợp với khả năng tiêu thụ, khống chế tồn kho DAP luôn nằm trong mức hợp lý. Đẩy mạnh nghiên cứu và áp dụng các biện pháp nâng cao chất lượng sản phẩm và giảm định mức tiêu hao, đa dạng hoá sản phẩm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng.

Trên cơ sở đó, Công ty sẽ tiến hành mời chuyên gia nước ngoài tư vấn khảo sát, đề xuất phương án khắc phục những yếu kém, tồn tại của dây chuyền công nghệ, hệ thống thiết bị sau hơn 10 năm vận hành. Tiếp tục tập trung công tác quản trị doanh nghiệp theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Cụ thể, DAP – Vinachem đặt mục tiêu sản xuất, tiêu thụ 220.000 tấn DAP thành phẩm, giá bán bình quân 9 triệu đồng/tấn, doanh thu xấp xỉ 2.000 tỷ đồng, lợi nhuận khoảng 10 tỷ đồng.

Tuy nhiên, năm 2020 ngành phân bón được dự báo tiếp tục còn gặp khó khăn do hầu hết giá nguyên liệu vật tư đầu vào tăng, giá cà phê, cao su, hồ tiêu tại Đông Nam Bộ và miền Trung, Tây Nguyên tiếp tục ở mức thấp. Đặc biệt, 10/13 tỉnh khu vực đồng bằng Sông Cửu Long đã bị nhiễm mặn, đây là khu vực tiêu thụ phân bón lớn nhất cả nước, báo hiệu một mùa vụ khó khăn không những đối với nông dân mà khó khăn chung với cả các nhà sản xuất, kinh doanh phân bón trong nước.

Để tháo gỡ khó khăn, giúp doanh nghiệp phân bón DAP/MAP sản xuất trong nước đứng vững trước cơn bão giá, ông Nguyễn Văn Sinh kiến nghị: Bộ Công Thương xem xét gia hạn thuế phòng vệ thương mại mặt hàng DAP/MAP, đồng thời đưa phân bón sang mặt hàng chịu thuế giá trị gia tăng (VAT) 0% hoặc 5%.

Bên cạnh đó, về tiêu thụ, giữ vững và tiếp tục phát triển hệ thống đại lý, tiêu thụ trong nước, tăng cường phối hợp với các đối tác xuất khẩu truyền thống để đẩy mạnh tìm kiếm thêm đơn hàng, gia tăng sản lượng xuất khẩu; linh hoạt điều chỉnh chính sách hỗ trợ tiêu thụ, điều chỉnh giá bán phù hợp theo giá thị trường trên cơ sở đảm bảo đạt hiệu quả cao nhất.

Nguồn: Báo Công Thương