Sáng ngày 27-1-2010, Công ty Phân bón Bình Điền đã tổ chức kỷ niệm 35 năm ngày thành lập công ty. Phát biểu tại buổi lễ, ông Lê Quốc Phong - Tổng Giám đốc công ty cho biết: 35 năm, một thời gian không dài cho một doanh nghiệp, càng không dài cho một thương hiệu, nhưng với Bình Điền – Đầu Trâu là một quãng thời gian khó khăn và thử thách…
Từ một cơ sở nhỏ đến nay Bình Điền đã thành một trong những công ty đóng vai trò chủ đạo trong cung ứng phân bón cho thị trường cả nước. Còn nhớ từ cơ sở nhỏ có tên là Thành Tài (thành lập năm 1974) và năm 1976 hiến cho Nhà nước được mang tên mới là Xí nghiệp Phân bón Bình Điền 2 với sản lượng sản xuất hàng năm chỉ vài ngàn tấn, và chỉ có 3 loại sản phẩm NPK cấp thấp hạ phèn, tiêu thụ cho một vài tỉnh như Tây Ninh, Long An, Tiền Giang…
Có những giai đoạn dài sản phẩm làm ra chỉ chất kho mà không bán được, xí nghiệp gần như phá sản và có ý định trả lại cho chủ cũ theo chủ trương của thành phố. Thế nhưng bằng sự năng động và sáng tạo của lãnh đạo, Ban Giám đốc qua các thời kỳ, sự nỗ lực không mệt mỏi của CB-CNV đã từng bước đưa xí nghiệp thoát khỏi những bế tắc để tạo đà cho sự phát triển của công ty.
Bên cạnh đó, từ chỗ chỉ vài sản phẩm, nay công ty đã có hàng trăm chủng loại sản phẩm phục vụ cho các loại cây trồng và từng vùng đất khác nhau. Từ một vài tỉnh, nay thị trường của công ty đã mở rộng ra không những cả nước, mà còn được đưa đến một số nước lân cận, với kim ngạch xuất khẩu từ 20 – 30 triệu USD. Từ sản lượng vài ngàn tấn/năm nay đã lên tới 400 – 500 ngàn tấn, với doanh thu xấp xỉ 4.000 tỷ đồng, được xếp hạng 147 trong 500 doanh nghiệp lớn nhất của Việt Nam. Đặc biệt là đến nay, phân bón Đầu Trâu không còn xa lạ với bà con nông dân, mà đã trở thành một mặt hàng không thể thiếu của bà con ở một số khu vực, bởi chất lượng và hiệu quả của nó mang lại.
Thực tế cho thấy, Bình Điền là doanh nghiệp đầu tiên và duy nhất trong làng phân bón hiện nay có Hội đồng khoa học do PGS.TS Mai Văn Quyền làm Chủ tịch và Hội đồng đấy có nhiều ủy viên đều là những nhà khoa học nông nghiệp hàng đầu. Có thể kể ra những tên tuổi: TS Nguyễn Đăng Nghĩa – Viện KHNN miền Nam; TS Nguyễn Sỹ Tân – Viện Lúa ĐBSCL; TS Nguyễn Tuấn Nam – Viện KHKT Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên; ThS Phạm Ngọc Liễu – Viện NC cây ăn quả miền Nam; PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng – Trường Đại học Nông Lâm; TS Đỗ Thị Thanh Ren – Trường Đại học Cần Thơ; PGS.TS Mai Thành Phụng – TT Khuyến nông – Khuyến ngư quốc gia; TS Nguyễn Xuân Trường – nguyên Trưởng phòng tiếp thị của Bình Điền..
Có thể nói sản phẩm đầu tiên có sự tham gia của cố vấn khoa học nông nghiệp là NPK 20.20.15 ra đời vào năm 1994. Bình Điền 2 là đơn vị đầu tiên của cả nước sản xuất nên loại phân có hàm lượng dinh dưỡng lên đến 55% (hầu như không có chất độn) này. Tuy sản phẩm có bước nhảy vọt về công nghệ nhưng sự trở ngại của sản phẩm ngoài thị trường lại chính là… các nhà khoa học.
Tại một cuộc hội thảo tại Viện Lúa ĐBSCL, ý kiến của các nhà khoa học không thống nhất, cho rằng sản phẩm quá lãng phí kali vì đất phù sa ở ĐBSCL có hàm lượng kali rất cao. Tuy nhiên trên thực tế sản phẩm lại được đón chào nhiệt liệt vì năng suất và chất lượng hạt lúa tăng rõ rệt. Chính vì vậy mà 4 năm sau, thị trường lên cơn sốt về NPK 20.20.15 và các đơn vị khác thấy có cơ hội cùng nhảy vào sản xuất và NPK 20.20.15 bắt đầu phổ biến rộng rãi từ ngày ấy. NPK 20.20.15 trở thành một sản phẩm chuyên biệt của các công ty SX phân bón ViệtNam.
Trong khảo nghiệm, hiệu quả của phân chuyên dùng cho lúa rất tuyệt vời vì đáp ứng đúng, đủ ngay tại thời điểm “khủng hoảng” của cây trồng. Tuy nhiên việc đáp ứng của thị trường lại rất chậm chạp mà nguyên nhân chính là do thời gian bón của 3 sản phẩm này quá ngắn, trong lúc hệ thống cung ứng lại chưa rộng khắp và người dân lại cứ đang quen dùng với urea và NPK 20.20.15. Một ngày, nhân đọc bài báo viết về sự thành công của Thức ăn gia súc Thành Công đăng trên Báo Nông Nghiệp VN, GĐ Lê Quốc Phong nảy ra ý tưởng cung ứng phân chuyên dùng cho lúa theo hệ thống Hội Nông dân VN và một hợp đồng giữa Bình Điền 2 với Hội Nông dân Vĩnh Long được ký kết. Vụ đầu tiên chỉ cung ứng được 3.000 tấn nhưng vụ tiếp theo đã nhảy vọt lên hơn 6.000 tấn. Tiếng từ Vĩnh Long lan ra, phân chuyên dùng cho lúa được Bộ Nông nghiệp công nhận là TBKT và cơn sốt về phân chuyên dùng cho lúa bắt đầu. Tiếp theo phân chuyên dùng cho lúa là phân chuyên dùng cho cà phê, cho mía, cho bắp, cho cây ăn trái… nối nhau xuất hiện trên thị trường.
Cho đến nay, Bình Điền là nhà sản xuất phân bón VN đầu tiên tham gia thị trường Campuchia. Việc thâm nhập thị trường này là một cơ hội tình cờ, ông Pee Hook Chuon, chủ một công ty lớn của bạn có trang trại 2.000ha điều nhưng năng suất chỉ đạt 300 – 400kg/ha. Trước lúc quyết định chặt bỏ, ông sang Viện KHNN miềnNam xin giúp đỡ và Bình Điền được giới thiệu. Khi TS Nguyễn Xuân Trường cùng một kỹ sư khác đi Campuchia khảo sát vườn điều về, GĐ Lê Quốc Phong quyết định chuyển một cơ số phân cho ông với điều kiện nếu năng suất không đạt 1 tấn/ha thì không phải trả tiền. Vụ ngay sau đó, năng suất vườn điều vọt trên 1 tấn/ha, sau đó tăng lên 1,5 tấn/ha. Trang trại điều được giữ lại cho đến ngày nay và với tài kinh doanh đó, ông trở thành đại lý phân phối chính thức của Đầu Trâu tại Campuchia với doanh số mỗi năm trên dưới 25 triệu USD. Từ đấy Bình Điền tiếp tục chinh phục thị trường Lào và mở thêm thị trường Indonesia trong một tương lai không xa nữa….