Mở hướng sản xuất kinh doanh ra thị trường thế giới là chủ trương chiến lược nhất quán của Ban lãnh đạo- Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền. Nhưng muốn “thắng” trong kinh doanh cần thời cơ và điều kiện “chín muồi”, cần có cái cơ may, cơ duyên nào đó. Câu chuyện đầu tư vào thị trường phân bón Campuchia của thương hiệu Đầu Trâu Bình Điền đã diễn ra đúng như vậy.
Ấy là vào năm 2002, ngài Oknha Pher Hok Chhuon- hiện là Tổng Giám đốc Yetak Cronyu- lúc đó có 2.000ha trồng cây điều. Năng suất rất thấp, chỉ khoảng 300kg hạt/ha/năm. Lỗ nặng. Ông Chhuon định chặt bỏ cây điều, quay qua trồng cây bạch đàn làm nguyên liệu sản xuất bột giấy. Ông đến Bộ Nông lâm ngư nghiệp Campuchia xin tư vấn. Các chuyên gia cây công nghiệp của bộ khuyên ông không nên chặt bỏ cây điều đã có 4- 5 tuổi, uổng lắm. Họ nói Việt Nam là nước trồng nhiều điều, ông nên qua đó học hỏi kinh nghiệm của họ. Do có quen biết, vị cán bộ của bộ viết thư giới thiệu ông đến Viện Khoa học Nông nghiệp miền Nam, nơi giáo sư Biên đang làm Viện trưởng. Trúng phóc, ông Chhuon được những cán bộ có trách nhiệm của viện hướng dẫn tận tình kỹ thuật canh tác cây điều. Về phân bón, họ giới thiệu ông tới Nhà máy Phân bón Bình Điền II nơi kỹ sư Lê Quốc Phong đang làm Giám đốc. Vốn đã có thời gian sống, chiến đấu và làm nhiệm vụ quốc tế trên chiến trường CPC, lại đang đau đáu với chiến lược mở hướng làm ăn qua biên giới; gặp, biết rõ ý định của ông Chhuon, kỹ sư Phong mừng như cá gặp được nước. Ông bảo ông Chhuon cứ chở phân bón Đầu Trâu về mà “xài”, “xài” theo đúng hướng dẫn, tiền nong chưa tính tới, bảo đảm qua một năm, năng suất vườn điều sẽ đạt 1.000kg hạt/ha.
Cùng với việc giao ba chục tấn phân NPK cho ông Chhuon, Nhà máy Bình Điền cử tiến sĩ Trường, thạc sĩ Cường, cùng với TS Bình của Viện KHNN miền Nam sang CPC trực tiếp hướng dẫn ông Chhuon cách thức chăm sóc cây điều. Quả đúng như dự tính, vụ thu hoạch năm đó vườn điều của ông Chhuon đạt trên 1.000kg hạt/ha. Ông mừng như vớ được vàng ròng - đúng hơn là ông đã “cặp” được “bồ” làm ăn tri kỷ. Ông mở đại lý quảng bá tiêu thụ phân bón Đầu Trâu tại CPC, trước hết với cây công nghiệp, sau đó là cây lúa nước. Năm 2010, ông đã sử dụng gần 800 tấn phân bón Đầu Trâu cho vườn điều và cao su hơn 2.000ha của mình, danh thu đạt gần 2 triệu USD, lãi ròng gần 1 triệu USD. Hiện nay ông là Nhà phân phối độc quyền phân bón Đầu Trâu tại CPC.
Tại Hội nghị khách hàng do Công ty CPPB Bình Điền tổ chức vào những ngày giáp Tết cổ truyền 2011, ông Chan Sa Run - bộ trưởng Bộ Nông lâm ngư nghiệp khẳng định quyết tâm đạt mục tiêu xuất khẩu 1 triệu tấn gạo vào năm 2015 của Chính phủ CPC. Mục tiêu này hoàn toàn có cơ sở hiện thực bởi kết quả từ vụ lúa mùa năm 2010 vừa thu hoạch.
Thế nhưng, cách đây gần 10 năm, nền sản xuất lúa nước của CPC “bèo bọt” lắm. Khi khảo sát tình hình tại các vựa lúa trên Vương quốc, các cán bộ kỹ thuật của Bình Điền nhận được con số thống kê năng suất chỉ đạt trên dưới 1,5 tấn thóc/ha, trong khi ở Việt Nam lúc đó là từ 5 đến 7 tấn.
Đột vào thị trường phân bón lúa tại CPC, Bình Điền chọn tỉnh Tà Keo, một tỉnh giáp biên giới Việt Nam, có nhiều thuận lợi cho đầu tư.
Bắt đầu từ việc cử cán bộ kỹ thuật sang nghiên cứu kỹ điều kiện đất đai, khí hậu, từ đó đưa ra những chủng loại phân bón phù hợp; đến việc liên hệ, vận động Sở Nông nghiệp tỉnh đứng ra làm mô hình trồng lúa thí điểm, bón phân NPK Đầu Trâu. Kết quả đạt được thật mỹ mãn, ngay vụ mùa thí điểm đó, năng suất lúa từ 1,5 tấn đã vọt lên 4,5 tấn thóc/ha. Ông tỉnh trưởng Tà Keo mừng lắm. Ông kêu cấp phó của ông và cả cán bộ cấp huyện tập trung về tỉnh tiếp ông Phong- Bình Điền. Ông nói: “Hồi xưa tới giờ nông dân tỉnh Tà Keo trồng lúa, không đủ ăn; nay nhờ ông Phong, nhờ phân bón Đầu Trâu từ Việt Nam qua, năng suất lúa tăng, dân tỉnh tôi thừa gạo ăn, còn xuất khẩu sang cả Việt Nam nữa”.
Thị phần phân bón Thái Lan vốn tung hoành trước đây, giờ thu hẹp dần, nhường chỗ cho thương hiệu Đầu Trâu, Việt Nam. Đến nay, phân bón Bình Điền đã có mặt ở hầu khắp 23 tỉnh thành CPC, với tổng lượng tiêu thụ 60 ngàn tấn/ năm.
Từ quan điểm coi nông dân CPC như nông dân Việt Nam mình; qua CPC kinh doanh không chỉ mang cái danh của một công ty mà là đại diện của nền sản xuất phân bón Việt Nam; là bộ mặt, là uy tín của doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam, nên Bình Điền không bao giờ chỉ nhìn vào cái trước mắt, “ăn xổi ở thì” theo kiểu chụp giựt; mà luôn đặt ra các “chặng”, các “bước đi” thật bài bản, kỹ càng, chắc chắn; đeo bám đến cùng hiệu quả sử dụng phân bón và lợi nhuận thu được của người nông dân nước bạn. 10 năm qua, có hàng trăm lượt cán bộ kỹ thuật của công ty, của Viện KHNN miền Nam do công ty tổ chức đã sang tới tận những vùng miền xa xôi, hẻo lánh của đất nước Chùa Tháp để mở lớp tập huấn, trực tiếp hướng dẫn bà con nông dân cách thức sử dụng phân bón phù hợp với các loại cây, các vùng đất và từng giai đoạn sinh trưởng của cây trồng.
Ai tham gia các lớp học sẽ được phát phiếu chứng nhận, có phiếu đó mới mua được phân bón Đầu Trâu tại các đại lý. Trên mỗi sản phẩm của Đầu Trâu đều có in hướng dẫn sử dụng cụ thể bằng chữ CPC. Bình Điền còn thường xuyên tổ chức tập huấn cho chủ các đại lý kinh doanh phân bón, giúp họ tăng thêm hiểu biết về phân bón nói chung, và về những sản phẩm cụ thể của Bình Điền, để họ có thể trực tiếp hướng dẫn cho nông dân sử dụng sản phẩm khi mua hàng. Ngay trong quý 1-2011 này, Bình Điền đã mở lớp tập huấn cho 150 chủ đại lý lớn trong cả nước với nhiều nội dung thiết thực, như: xây dựng thương hiệu kinh doanh; nhiệm vụ bán lẻ; cách thức bón phân cho cây điều, cây cao su, cây mía, cây khoai mì… đến những vấn đề trang bị kiến thức lớn hơn, như: tiềm năng và triển vọng của ngành trồng lúa nước ở CPC; chọn, sản xuất cây lúa cao sản; thực hành 4 đúng trong sử dụng phân bón tốt… với sự hướng dẫn của các giáo sư Mai Văn Quyền, TS Nguyễn Bảo Vệ, TS Tôn Nữ Trần Nam, Ths Phạm Văn Cường, KS Phạm Văn Tâm…
“Đã gần 10 năm đến với thị trường phân bón CPC, Bình Điền vẫn chưa có lãi – TGĐ Lê Quốc Phong nói – nhưng kiên trì đầu tư, từ 7 đến 10 năm nữa tôi chắc công ty sẽ thu lời lớn. Lúc đó tôi đã nghỉ hưu rồi, nhưng thương hiệu Đầu Trâu, phân bón Đầu Trâu - Bình Điền - Việt Nam sẽ có chỗ đứng vững chắc trong nền nông lâm nghiệp CPC. Lớp người kế tiếp của công ty sẽ được hưởng cái lời lớn này. Nó lớn hơn rất nhiều số tiền lời thu được từ mỗi bao phân bán ra”.
“Đầu tư có gốc, có rễ như vậy mà không ra được ngọn non, trái ngọt thì mới là lạ”- Tôi nghĩ và thầm cảm phục cái tâm và cách làm của TGĐ Lê Quốc Phong. Tôi chợt nhớ tới lời phát biểu của ông Vũ Thịnh Cường - Tham tán thương mại, cơ quan thương vụ thuộc Đại sứ quán VN tại CPC: “Là một doanh nghiệp sản xuất phân bón có thương hiệu mạnh và uy tín tại VN; với một chiến lược sản xuất - kinh doanh đúng đắn, Công ty Phân bón Bình Điền đã, đang và sẽ phát triển tốt hoạt động của mình. Với những sản phẩm phân bón chất lượng cao, giá bán hợp lý sẽ mang lại lợi ích thiết thực cho người dân Vương quốc CPC; vừa góp phần thúc đẩy hoạt động thương mại song phương giữa hai quốc gia, vừa đóng góp xây dựng mối quan hệ láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, bền vững lâu dài giữa hai đất nước Việt Nam – Camnpuchia”.
Có lẽ cái “lời” lớn mà TGĐ Lê Quốc Phong nói chính là ở chỗ này.