Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đồng ý chủ trương bổ sung ngành nghề điện hóa theo đề xuất của Vinachem; ủng hộ Vinachem tăng vốn điều lệ nhưng phải bảo đảm đủ điều kiện và nguồn lực theo quy định để tăng vốn.
Ngày 25/5, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã chủ trì cuộc họp về tình hình hoạt động, công tác cơ cấu lại Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) giai đoạn 2016-2020, Đề án cơ cấu lại Vinachem giai đoạn 2021-2025, các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động trong thời gian tới và Kế hoạch sắp xếp lại Công ty mẹ - Vinachem.
Báo cáo của Vinachem cho biết, năm 2022, giá trị sản xuất đạt 61.504 tỷ đồng, bằng 125% so với kế hoạch năm 2022, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2021. Doanh thu cộng hợp đạt 62.337 tỷ đồng, bằng 119% kế hoạch, tăng 17% so với năm 2021. Lãi 6263 tỷ đồng, tăng hiệu quả 4135 tỷ đồng so với năm 2021. Nộp ngân sách 2349 tỷ đồng, bằng 137% so với kế hoạch năm 2022.
Với những kết quả đạt được, Tập đoàn Vinachem bảo đảm việc làm cho gần 19.000 lao động, với mức tiền lương bình quân 13,6 triệu đồng/ người/ tháng, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2021.
Năm 2023, Vinachem đặt mục tiêu sản xuất công nghiệp theo giá trị thực tế đạt 54.549 tỷ đồng; doanh thu cộng hợp đạt 57.152 tỷ đồng; lợi nhuận cộng hợp đạt 3471 tỷ đồng,…
Về công tác tái cơ cấu giai đoạn 2016-2020, Vinachem đã phối hợp với các đơn vị tư vấn triển khai công tác xác định giá trị doanh nghiệp tại 23 doanh nghiệp; tổ chức bán đấu giá công khai tại Sở Giao dịch chứng khoán đối với 14 doanh nghiệp; thoái vốn thành công và thành công một phần tại 9 doanh nghiệp. Giá trị thu được là 3206 tỷ đồng, lợi nhuận thuần là 2948 tỷ đồng.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về tập trung ưu tiên trả nợ cho khoản vay của Dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình, đến nay Vinachem đã trả nợ gốc vay là 237,5 triệu USD, tương đương 95% giá trị khoản vay 250 triệu USD. Lũy kế đến hết ngày 31/3/2023, tập đoàn đã trả lãi vay cho Ngân hàng VDB tổng cộng 6174 tỷ đồng và 4,56 triệu USD cho Dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình.
Tập đoàn và các đơn vị thành viên tập trung phát triển ngành công nghiệp nền tảng như phân bón, hóa chất, công nghiệp cao su, điện hóa (sản xuất pin, ắc quy) đáp ứng nhu cầu cho sản xuất trong nước…
Về xây dựng phương án sắp xếp lại Công ty mẹ - Tập đoàn, hiện nay Công ty mẹ - Tập đoàn có 2 ngành, lĩnh vực nằm trong tiêu chí phân loại theo Quyết định số 22/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ mà tỷ lệ sở hữu của Nhà nước ở 2 mức khác nhau. Để bảo đảm vai trò của doanh nghiệp nhà nước tập đoàn đề xuất tỷ lệ nắm giữ của nhà nước ở mức cao nhất khi thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp là từ 65% vốn điều lệ trở lên.
Về việc xây dựng và tiếp thu giải trình ý kiến của các Bộ, cơ quan đối với đề án tái cơ cấu lại tập đoàn giai đoạn 2021-2025, đề án cơ cấu lại đã được triển khai xây dựng từ 2020 theo đúng quy định. Nội dung chính của đề án gồm: Định hướng chiến lược phát triển, định hướng kinh doanh, sản phẩm, thị trưởng và ngành nghề kinh doanh; về công tác sắp xếp các đơn vị thành viên.
Để nâng cao hiệu quả hoạt động trong thời gian tới, Tập đoàn Vinachem đề xuất các giải pháp: Cơ cấu lại tập đoàn đảm bảo cơ cấu hợp lý, phát huy vai trò chủ đạo trong ngành công nghiệp hóa chất, khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh, tập trung vào các nhóm ngành có hiệu quả cao; nghiên cứu từng bước đầu tư, phát triển có hiệu quả một số sản phẩm hóa chất có công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, phù hợp với nhu cầu phát triển của xã hội.
Củng cố Công ty mẹ - Tập đoàn đảm bảo đủ các nguồn lực để phát triển các dự án công nghiệp hóa chất có quy mô lớn, quan trọng, điều hành và định hướng phát triển các công ty con theo chiến lược phát triển của Tập đoàn hoạt động sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, góp phần bảo đảm một số cân đối trong nền kinh tế quốc dân, góp phần bảo đảm chiến lược an toàn, an ninh lương thực trong tình hình mới.
Xử lý dứt điểm các công ty con, công ty liên kết, các dự án đầu tư chậm tiến độ, hoạt động thua lỗ, kém hiệu quả theo cơ chế thị trường và quy định của pháp luật để giảm thiểu tối đa tổn thất cho nhà nước, tập đoàn và xã hội.
Về mục tiêu, Tập đoàn Vinachem phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng 9,5% năm; tổng doanh thu toàn tập đoàn bình quân đạt 7,4%; tổng lợi nhuận toàn tập đoàn ước đạt khoảng 19.000 tỷ đồng.
Tập đoàn cũng kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét, sớm phê duyệt kế hoạch sắp xếp lại Công ty mẹ - Tập đoàn hóa chất Việt Nam giai đoạn 2022-2025 theo hướng "duy trì Công ty mẹ - Tập đoàn Hòa chất Việt Nam là Công ty TNHH MTV, Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ giai đoạn 2022-2025"; phê duyệt Đề án cơ cấu lại Tập đoàn Hóa chất Việt Nam; xem xét sớm phê duyệt các nội dung có liên quan đến phương án xử lý đối với 3 dự án phân bón thuộc Vinachem;…
Tại cuộc họp, đại diện Văn phòng Chính phủ, Bộ Nội vụ, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ LĐTBXH, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ban Chỉ đạo đổi mới doanh nghiệp, Bộ Tư pháp… đánh giá cao nỗ lực và kết quả sản xuất kinh doanh của Vinachem đạt được trong năm 2022, các chỉ tiêu đề ra đều tăng, làm ăn có lãi.
Việc xây dựng đề án tái cơ cấu đã được tập đoàn và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp thực hiện theo đúng quy định, đã tổ chức lấy ý kiến các bộ, cơ quan để thống nhất nội dung trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Cơ bản nhất trí với dự thảo đề án, các ý kiến cho rằng, trong thời gian tới nếu đề án tái cơ cấu lại được phê duyệt sẽ tạo đường hướng mới để tập đoàn hoạt động, phát triển.
Đại diện các bộ ngành, cũng cho ý kiến thêm đối với phương án sắp xếp lại công ty mẹ Vinachem; đề xuất bổ sung ngành nghề kinh doanh chính (bổ sung ngành nghề điện hóa, tập trung vào sản xuất pin và ắc quy, lưu điện); bảo đảm các điều kiện và nguồn lực để tăng vốn điều lệ công ty mẹ; giải pháp xử lý dứt điểm 3 dự án thua lỗ, yếu kém; kế hoạch sắp xếp, cơ cấu lại doanh nghiệp, công tác triển khai thoái vốn; thực hiện nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng, chính sách chế độ đối với người lao động đối với các đơn vị sẽ thoái vốn; trách nhiệm của các bộ ngành trong tổ chức thực hiện…
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đánh giá cao Vinachem, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, các bộ ngành trong việc tham mưu, xây dựng đề án. Phó Thủ tướng đánh giá công tác tổ chức sản xuất kinh doanh của Vinachem đạt nhiều kết quả quan trọng, 2 năm liền được xếp hạng loại B, đặc biệt trong năm 2022, Vinachem đã rất nỗ lực, hoạt động rất hiệu quả trên tất cả các tiêu chí.
Theo Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, trong bối cảnh khó khăn, năm 2022 lợi nhuận gộp của Vinachem đạt trên 6000 tỷ, các nhà máy thuộc diện yếu kém kéo dài cũng lãi trên 2000 tỷ, đây là kết quả rất tích cực. Phó Thủ tướng mong muốn tập đoàn tiếp tục nỗ lực để cơ cấu thành công trong thời gian tới, hoạt động ổn định và phát triển.
Khẳng định vai trò quan trọng của Vinachem đối với nền kinh tế và đời sống người dân, Phó Thủ tướng đề nghị Ủy ban Quản lý vốn nhà nước và Tập đoàn Vinachem tiếp thu các ý kiến của các bộ ngành, hoàn thiện dự thảo đề án, trong đó phải đánh giá kỹ những kết quả đạt được, làm rõ tồn tại, hạn chế, nguyên nhân, qua đó đề xuất các giải pháp tái cơ cấu thực sự khả thi, hiệu quả, đảm bảo đi vào cuộc sống.
Theo Phó Thủ tướng, sở dĩ việc triển khai tái cơ cấu Vinachem giai đoạn trước chưa đạt được yêu cầu là do trong quá trình xây dựng đề án chưa lường hết những biến động như: tác động của dịch bệnh COVID-19; tác động của thị trường,…
Do đó, Phó Thủ tướng yêu cầu việc xây dựng Đề án tái cơ cấu Vinachem giai đoạn tới phải bảo đảm tổng thể, rõ ràng về căn cứ pháp lý, căn cứ chính trị, đánh giá kỹ các nguyên nhân tồn tại từ giai đoạn trước để rút kinh nghiệm, đồng thời, phải lường trước tình hình, dự đoán các biến động, đánh giá kỹ lưỡng các tình huống để sẵn sàng các giải pháp hiệu quả với từng tình huống, thời điểm, đảm bảo tổ chức thực thi hiệu quả.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh: Là Tập đoàn hóa chất của nhà nước Vinachem vừa phải đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế, người dân nhất là những mặt hàng thiết yếu, vừa phải hoạt động hiệu quả, bảo tồn được vốn của nhà nước.
Đối với các kiến nghị, Phó Thủ tướng đồng ý chủ trương bổ sung ngành nghề điện hóa theo đề xuất của Vinachem; cho rằng, đây không phải là ngành mới, nằm trong chiến lược phát triển công nghiệp và phù hợp với nhu cầu của thị trường…
Về bổ sung vốn điều lệ, "tinh thần là ủng hộ" nhưng phải bảo đảm đủ điều kiện và nguồn lực theo quy định để tăng vốn. Theo đó, Vinachem phải tự cân đối nguồn lực để tăng vốn điều lệ để hoàn thành nhiệm vụ, mục tiêu đề ra.
Đối với công tác sắp xếp lại doanh nghiệp, thoái vốn, Phó Thủ tướng yêu cầu tính toán kỹ lộ trình, thời điểm để quyết định nắm giữ tỷ lệ hợp lý theo đúng quy định và thẩm quyền. Thoái vốn phải bảo đảm hiệu quả, không máy móc, nhất là với "những con gà đẻ trứng vàng"….
Đối với đề xuất giữ 100% vốn điều lệ Công ty mẹ trong giai đoạn 2022-2025, Phó Thủ tướng yêu cầu Vinacem phối hợp với các cơ quan liên quan, thực hiện theo đúng trình tự, quy định để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét. Tuy nhiên, trong thời gian chưa tiến hành cổ phần hóa thì Vinachem phải chủ động, chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để triển khai thực hiện hiệu quả sau khi có quyết định.
Liên quan đến xử lý tài chính đối với 3 dự án thua lỗ, kéo dài của Vinachem, Bộ Chính trị đã cho chủ trương, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính nhanh chóng hoàn thiện phương án với tinh thần "làm sớm ngày nào, hay ngày ấy".
Về kiến nghị liên quan đến thuế áp dụng với phân bón sản xuất trong nước và phân bón nhập khẩu, Phó Thủ tướng đề nghị nghiên cứu, đề xuất phương án, trình cấp có thẩm quyền xem xét vào thời điểm thích hợp, bảo đảm công khai, minh bạch, bình đẳng, tôn trọng các cam kết quốc tế và bảo vệ sản xuất trong nước./.