Năm 2019 tiếp tục là năm có nhiều khó khăn, thách thức đối với các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong cả nước nói chung và đối với Công ty CP Supe phốt phát và hóa chất Lâm Thao nói riêng. Tuy nhiên, công ty đã chủ động tìm mọi giải pháp để vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động.
Ông Phạm Quang Tuyến - Tổng giám đốc Công ty - cho biết: Bước sang năm 2019, công ty có những thuận lợi là đơn vị sản xuất phân bón lớn nhất cả nước hiện nay với sản lượng gần 2 triệu tấn/năm; cung cấp ra thị trường mỗi năm 1,2 triệu tấn phân bón các loại. Đặc biệt, thương hiệu phân bón Lâm Thao với chất lượng sản phẩm tốt được đông đảo bà con nông dân cả nước tin dùng.
Tuy nhiên, đây cũng là năm công ty phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Cụ thể, từ đầu năm 2019 đến nay, giá điện từ tháng 3/2019 đã tăng lên 8,36%; giá quặng apatit từ 1/6/2019 tăng 3%; đến 1/10 tăng tiếp 8%. Như vậy trong chưa đầy 1 năm, giá quặng đã tăng hơn 10%. Bên cạnh đó, Luật 71/2014/QH13 của chính phủ đã ảnh hưởng lớn đến công ty. Tổng chi phí tính thuế giá trị gia tăng từ năm 2015 - 2019 công ty không được khấu trừ phải tính vào chi phí sản xuất ước tính là trên 800 tỷ đồng, bình quân mỗi năm gần 160 tỷ đồng. Số tiền này buộc phải tính vào giá thành sản phẩm khiến giá thành tăng lên 3-4%, làm giảm giá trị cạnh tranh của sản phẩm phân bón Lâm Thao. Thêm vào đó, lãi vay ngân hàng theo giá thị trường cũng tăng từ 10-12%. Năm 2018, lãi vay ngân hàng trung bình là 6,2%, năm 2019 tăng lên 7,3%.
Trong khi đó, Công ty CP Supe phốt phát và hóa chất Lâm Thao lại là một đơn vị được đầu tư dây chuyền từ những năm 60 của thế kỷ trước. Trải qua gần 60 năm, dây chuyền của nhà máy cũng đã hỏng hóc, xuống cấp, thường xuyên phải nâng cấp, sửa chữa để đảm bảo các yêu cầu về an toàn môi trường.
Không chỉ có thế, việc tiêu thụ phân bón còn gặp khó khăn do nhiều năm gần đây, người nông dân trên cả nước có xu hướng bỏ ruộng ngày càng nhiều. Cụ thể như tại Hà Nam, năm 2017 cả tỉnh mới chỉ có hơn 100 ha ruộng bị bỏ hoang thì năm 2019 đã lên tới 310ha. Tỉnh Vĩnh Phúc, vụ mùa năm 2019 có hơn 1.000ha ruộng bỏ hoang, vụ Đông này cũng tính gieo trồng giảm tới 6.000ha. Tại tỉnh Thanh Hóa có hơn 110ha ruộng bị bỏ hoang và trả ruộng; Tỉnh Thái Bình - vựa lúa của miền Bắc được mệnh danh là quê lúa mà có tới trên 1.200ha ruộng bị bỏ hoang.
Đối mặt với hàng loạt khó khăn này, để hoàn thành nhiệm vụ sản xuất kinh doanh trong năm 2019, công ty đang tích cực sản xuất tất cả những chủng loại sản phẩm phân bón để cung ứng cho vụ đông năm 2019, vụ xuân năm 2020. Quý IV, năm 2019, công ty phấn đấu sản xuất 48.200 tấn Axít Sunphuric, tiêu thụ 3.500 tấn; sản xuất 137.000 tấn Supe lân, tiêu thụ 110.000 tấn; sản xuất 141.000 tấn NPK-S các loại, tiêu thụ 155.000 tấn; đồng thời, phát động phong trào thi đua nước rút cuối năm trong toàn công ty và đối với các đơn vị khách hàng tiêu thụ phân bón Lâm Thao trong cả nước. Đẩy mạnh đưa hàng vào miền Trung và miền Nam để đáp ứng nhu cầu mùa vụ sắp tới của bà con nông dân. Tiếp tục làm tốt công tác thị trường như mở các hội nghị hướng dẫn sử dụng phân bón Lâm Thao, thực hiện các mô hình trình diễn, đặc biệt là thực hiện chính sách hỗ trợ phân bón chậm trả cho bà con nông dân để đưa sản phẩm phân bón Lâm Thao đến tận tay bà con nông dân, giúp bà con tăng năng suất và nâng cao thu nhập.
Bên cạnh đó, về Luật 71/2014/QH13, Tổng giám đốc Phạm Quang Tuyến cũng kiến nghị, nếu đưa phân bón vào danh mục chịu thuế VAT là 0%, nghĩa là được khấu trừ thuế đầu vào, vật tư, thiết bị phục vụ sản xuất phân bón thì công ty sẽ giảm giá thành phân bón, làm lợi rất nhiều cho bà con nông dân. Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp góp phần giảm giá thành sản phẩm tăng tính cạnh tranh.
Với truyền thống đơn vị 3 lần Anh hùng, với 57 năm xây dựng và phát triển, tập thể cán bộ, người lao động công ty sẽ đồng sức đồng lòng, đoàn kết quyết tâm vượt qua khó khăn, thách thức để hoàn thành tốt nhiệm vụ sản xuất kinh doanh năm 2019.
Nguồn: Congthuong.vn