Supe Lâm Thao: Vì một ngành phân bón “xanh”

10:33 SA @ Thứ Ba - 20 Tháng Mười Hai, 2016

Trải qua hơn nửa thế kỷ xây dựng và phát triển, Công ty CP Supe phốt phát và Hóa chất Lâm Thao đã xây dựng được thương hiệu phân bón Lâm Thao bền vững. Quan trọng hơn, Supe Lâm Thao còn được biết đến là đơn vị luôn chú trọng công tác môi trường, sản phẩm phân bón của công ty đã được xuất khẩu sang Nhật Bản từ nhiều năm trước bởi cả hai yếu tố “xanh" và sạch.

Tích cực triển khai các giải pháp về môi trường

Trong 10 năm qua từ 2006-2016, công ty đã triển khai hàng loạt các giải pháp nhằm bảo vệ môi trường, duy trì một nền sản xuất bền vững. Cụ thể, công ty đã trồng nhiều cây xanh (nhất là những loại cây hấp thụ nhiều CO2 trong quá trình quang hợp) nhằm làm giảm lượng khí CO2 trong bầu khí quyển, từ đó làm giảm hiệu ứng nhà kính khí quyển. Sử dụng ánh sáng tự nhiên, dùng bóng đèn tiết kiệm điện, tắt hết các thiết bị điện khi ra khỏi phòng; phấn đấu liên tục tìm mọi cách giảm tiêu hao điện năng cho mỗi tấn sản phẩm; Triển khai nhiều giải pháp giảm định mức tiêu hao điện, nước tại các dây chuyền sản xuất.

Trong công tác năm 2008, công ty đã tiến hành triển khai dự án tận dụng hơi nhiệt thừa từ các dây chuyền sản xuất axít sunfuric; với sản lượng hơi tận dụng được là 17 tấn/h và đã xây dựng bộ phận phát điện với công suất 3Mw góp phần sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, giảm thải khí nhà kính.

Bên cạnh đó, công ty đã sử dụng mùn cưa, dăm bào thải ra trong quá trình sản xuất chế biến gỗ (nguồn năng lượng sinh khối) thay cho việc đốt dầu FO (có nguồn gốc từ dầu mỏ) và thay cho than (nhiên liệu hóa thạch), để lấy nhiệt sấy sản phẩm NPK, phụ gia cho quá trình sản xuất, và sấy bán sản phẩm lân nung chảy. Thay thế, sử dụng xúc tác V2O5 có hoạt tính cao và chuyển đổi công nghệ sản xuất axít H2SO4 từ tiếp xúc đơn sang tiếp xúc kép hấp thụ 2 lần để tăng chuyển dịch cân bằng về sản phẩm làm giảm lượng chất thải khí thải SO2, SO3 ra môi trường; Sử dụng lọc bụi túi tại bộ phận sấy nghiền bán thành phẩm lân nung chảy: Loại bỏ nước thải tại thiết bị xử lý bụi kiểu sủi bọt cũ; Giảm phát tán bụi ra môi trường.

Áp dụng sản xuất sạch hơn

Công tác sản xuất sạch hơn cũng được áp dụng triệt để. Cụ thể, công ty đã nghiên cứu và triển khai thành công đề tài sản xuất supe lân đơn đi từ 100% quặng tuyển ẩm thay thế quặng nguyên khai nghiền tại dây chuyền 2 - Xí nghiệp Supe Phốt phát, tiết kiệm được khoảng 5.000 tấn than/năm; thực hiện định mức điện giảm từ 22 KWh/tấn xuống còn 16 KWh/tấn, tiết kiệm được khoảng 2,4 triệu kwh/năm; giảm thiểu ô nhiễm môi trường về bụi do không phải vận hành bộ phận sấy nghiền; giảm lượng phát thải khí CO2; đề tài được đưa vào thực tế từ tháng 3/2010. Nghiên cứu chuyển đổi thành công dự án sản xuất supe lân theo phương pháp nghiền ướt tại dây chuyền 1 - Xí nghiệp Supe phốt phát, tiết kiệm được 4.000 tấn than/năm, thực hiện định mức điện giảm từ 23 KWh/tấn xuống còn 18 KWh/tấn, tiết kiệm được khoảng 2 triệu kwh/năm; giảm thiểu ô nhiễm môi trường về bụi do không phải vận hành bộ phận sấy nghiền; giảm lượng phát thải khí CO2; dự án được đưa vào sử dụng từ tháng 1/2013.

Trong thời gian tới, công ty sẽ tiếp tục triển khai nhiều biện pháp tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính. Cụ thể, sẽ triển khai nghiên cứu các giải pháp nhằm giảm định mức tiêu hao điện, nước, than cho 01 tấn sản phẩm các loại; Giảm tiêu thụ (hoặc thay thế) nhiên liệu hoá thạch (than, dầu, khí đốt); Áp dụng hệ thống quản lý năng lượng ISO 50001; quản lý môi trường ISO 14001; Tăng cường quản lý, xử lý chất thải nguy hại; Phân loại rác thải; giảm số lượng rác thải sinh hoạt; Tăng cường xử lý các chất thải (chất thải rắn; nước thải; khí thải) tại công ty; Triển khai đề tài xử lý nước thải, xử lý khí thải tại 2 dây chuyền sản xuất supe lân và dây chuyền sản xuất lân nung chảy; Triển khai Dự án đầu tư xây dựng dây chuyền sản xuất axit sunfuric 300.000 tấn/năm kết hợp phát điện 12 MW; Ngoài ra công ty sẽ triển khai và áp dụng mô hình công nghệ sản xuất sạch hơn vào trong cả vòng đời của quy trình sản xuất từ lúc lựa chọn nguyên liệu đầu vào đến khi tiêu thụ và sử dụng sản phẩm.

Nguồn: Báo Công Thương