Với nhiều cách làm hiệu quả, từ giữa năm 2021, lượng thạch cao tiêu thụ của Công ty Cổ phần DAP-Vinachem đã không ngừng tăng lên.
Công ty Cổ phần DAP-Vinachem chuyên sản xuất phân bón DAP với sản lượng 330 nghìn tấn/năm; hàng năm cũng phát sinh hàng trăm nghìn tấn bã thải thạch cao.
Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần DAP - Vinachem Nguyễn Ngọc Sơn cho hay, trong nhiều năm qua, để bảo vệ môi trường, kiểm soát bụi phán tán từ bãi thải thạch cao PG, công ty đã không ngừng đầu tư thực hiện các biện pháp gia cố các tuyến bờ bao bãi thải, đê bao các hồ chứa; tổ chức trồng cây theo kiểu bậc thang phủ xanh các bãi chứa; đầu tư bọc phủ màng HDPE bảo đảm an toàn các bãi chứa; trải màng HDPE các hồ chứa nước mưa; thu gom nước thải từ bãi chứa về nhà máy để sử dụng lại theo quy trình thiết kế…
Năm 2010, Công ty Cổ phần Thạch cao Đình Vũ được thành lập với phần vốn góp chủ yếu của Công ty CP Sông Đà- Cao Cường; Công ty DAP-Vinachem và một số cổ đông bên ngoài khác. Sau gần 7 năm, doanh nghiệp đã hoàn thành dây chuyền tái chế bã thạch cao với công suất khoảng 750 nghìn tấn/năm và đi vào vận hành. Sản phẩm thạch cao PG dùng để sản xuất xi-măng do công ty sản xuất đã đáp ứng tiêu chuẩn TCVN 11833: 2017. Tuy nhiên, trước sự cạnh tranh của sản phẩm thạch cao tự nhiên nhập khẩu từ nước ngoài nên lượng tiêu thụ còn hạn chế, khoảng 200-250 nghìn tấn/năm đạt 30% công suất thiết kế. Và tính đến hết năm 2021, lượng thạch cao PG tại bãi thải vẫn còn tồn trữ khoảng 3,5 triệu tấn.
Ngày 26/3/2021, Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị số 08/CT-TTg về đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, hóa chất, phân bón làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và trong công trình xây dựng. Với chính sách này, sản phẩm thạch cao PG của công ty đã và đang được các nhà máy sản xuất xi-măng trong nước tiêu thụ với sản lượng tăng dần.
Từ tháng 7/2021, lượng thạch cao PG sản xuất ra của công ty đã tăng nhanh với công suất 50 nghìn tấn/tháng (khoảng 600 nghìn tấn/năm), tương đương và nhiều hơn chút đỉnh so với lượng bã thải ra hiện tại của công ty. Sản phẩm của đơn vị không chỉ bảo đảm chất lượng thay thế được thạch cao tự nhiên vẫn phải nhập từ nước ngoài, mà còn với giá cả cạnh tranh và tính kịp thời do sản xuất và cung ứng trong nước. “Trong thời gian tới, Công ty Cổ phần Thạch cao Đình Vũ dự kiến nâng công suất lên khoảng 1 triệu tấn/năm và có thể lắp đặt thêm dây chuyền sản xuất để tăng sản lượng lên gấp đôi” - ông Nguyễn Ngọc Sơn cho hay.
Việc sản xuất thạch cao nhân tạo từ bã thải của Nhà máy DAP Đình Vũ do Công ty Cổ phần DAP-Vinachem quản lý và vận hành đã bước đầu có hiệu quả, góp phần hiện thực hóa chủ trương của Chính phủ về giải pháp xử lý tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, nhà máy phân bón hóa chất trong nước. Đồng thời góp phần hạn chế việc bỏ ra lượng ngoại tệ đáng kể để nhập khẩu sản phẩm thạch cao phục vụ cho sản xuất xi-măng và vật liệu xây dựng.
Hiện lượng thạch cao chế biến và tiêu thụ cơ bản cân bằng với lượng bã thải thạch cao PG phát sinh trong quá trình sản xuất của Công ty Cổ phần DAP Vinachem.