Trước sự tàn phá và diễn biến hết sức khó lường của cơn bão số 3, sáng ngày 6/9, ông Phùng Quang Hiệp - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Hóa chất Việt Nam đã họp khẩn trực tuyến với 17 đầu cầu về công tác triển khai các biện pháp ứng phó kịp thời với bão số 3, các đề xuất, kiến nghị của các đơn vị với Tập đoàn.
Tham dự cuộc họp có ông Nguyễn Hữu Tú, Phó Tổng giám đốc phụ trách Ban điều hành; Bà Nguyễn Thị Thu Bình, Thành viên HĐTV; ông Lê Hoàng, Phó Tổng giám đốc; ông Nguyễn Tuấn Dũng, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam; Lãnh đạo các Ban chuyên môn Tập đoàn.
Để ứng phó với bão số 3 và mưa lớn do hoàn lưu bão, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam đã liên tục tổ chức các đoàn kiểm tra những đơn vị xung yếu.
Theo báo cáo của đoàn kiểm tra các đơn vị đều đã có các phương án phòng chống bão, công tác chuẩn bị khá tốt, phân công cụ thể nhân lực tại từng vị trí. Tuy nhiên, đoàn kiểm tra cũng đề nghị các đơn vị cần lưu ý một số công việc như: Thường xuyên cập nhật thông tin để chủ động ứng phó; Kiểm tra thường xuyên và chủ động rà soát lại các phương án phòng chống về hồ đập, bãi thải, các vị trí xung yếu; Bố trí người, phương tiện, hóa chất, vật tư dự phòng các vị trí xung yếu; Thực hiện tốt phương án 4 tại chỗ; Rà soát tất cả các phương tiện, máy móc ở các vùng trũng, thấp; Tăng cường đầu tư hệ thống camera giám sát ở các vị trí xung yếu và đặc biệt không được chủ quan.
Phát biểu tại cuộc họp, ông Nguyễn Hữu Tú, Phó Tổng giám đốc phụ trách Ban điều hành nêu rõ, ngay sau khi có thông tin về cơn bão, nhận định đây là cơn bão có sức tàn phá rất lớn. Ngày 4 - 5/9, Tập đoàn đã có văn bản 1530 và 1544 chỉ đạo các đơn vị thực hiện công tác phòng phống bão, đồng thời cả hệ thống Tập đoàn chuẩn bị nhanh chóng, khẩn trương nhất để ứng phó với siêu bão. Công ty mẹ Tập đoàn đã tập trung vào công tác phòng chống bão, cử hai đoàn công tác đến các đơn vị xung yếu, trao đổi với lãnh đạo các đơn vị để chuẩn bị kỹ hơn. Qua đó đã xử lý được một số phát sinh xảy ra như công tác quặng, đã chỉ đạo ngay nhằm đảm bảo có phương án tốt nhất an toàn cho hồ đập cũng nhưng các phương án phòng chống bão khác tại các đơn vị.
"Mặc dù các đơn vị đã xây dựng phương án phòng chống bão tối đa, tuy nhiên cần phải xây dựng phương án cao hơn một cấp vì đây là siêu bão, chúng ta phòng chống tốt bao nhiêu khi bão vào chúng ta chủ động bấy nhiêu" - Ông Nguyễn Hữu Tú đề nghị.
Đồng thời ông cũng yêu cầu Ban Kỹ thuật cần rà soát lại tất cả các phương án của các đơn vị kỹ lưỡng để chuẩn bị một các tốt nhất; Các đơn vị cần phối hợp chặt chẽ với khu công nghiệp, địa phương để có sự phối hợp chặt chẽ, đảm bảo an toàn cao nhất về người, máy móc, thiết bị... tài sản của Tập đoàn.
Sau khi nghe báo cáo của các đơn vị, ông Phùng Quang Hiệp, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn đánh giá cao công tác chuẩn bị ứng phó tại các đơn vị. Đồng thời ông yêu cầu các các đơn vị cần thành lập ban chỉ đạo phòng chống bão lụt; Tuyệt đối không được chủ quan; Chuẩn bị tốt các phương án ở cấp độ cao nhất; Các vị trí phải được phân công rõ ràng; Cập nhật tình hình thường xuyên; Chuẩn bị tốt phương án hoàn lưu sau bão; Rà soát toàn bộ nhà xưởng, cây cối... và đặc biệt quan trọng đảm bảo an toàn nhất là con người. Ông cũng yêu cầu lãnh đạo Tập đoàn và lãnh đạo các đơn vị trực 24/24, lãnh đạo đơn vị phải trực tại chỗ, thực hiện nghiêm 4 tại chỗ, 3 sẵn sàng.
"Chúng ta chuẩn bị rồi, chủ động rồi nhưng không được chủ quan, cần rà soát lại ngay tất cả hệ thống máy móc, thiết bị, nhà xưởng, nguyên vật liệu, thành phẩm... từ cái nhỏ nhất. Chúng ta có thể dừng sản xuất cũng được nhưng tập trung tối đa cho việc phòng chống bão lụt này. Các đồng chí hãy phát huy trách nhiệm, tâm huyết của mình với đơn vị, với Tập đoàn, với xã hội, từng đồng chí rà soát, kiểm tra lại nhiệm vụ được phân công. Tôi sẽ trực cùng các đồng chí, nếu trường hợp cần thiết Tập đoàn sẽ có mặt ngay " - Ông nhấn mạnh.