Với những nỗ lực trong đổi mới sáng tạo sẽ là yếu tố quan trọng để hoàn thành tốt mọi chỉ tiêu nhiệm vụ trong Nghị quyết của Đại hội đại biểu Đảng bộ Tập đoàn lần thứ III, nhiệm kỳ 2020-2025, góp phần thực hiện có hiệu quả quan điểm phát triển đất nước do Đại hội XIII của Đảng đề ra.
Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV Vinachem - Nguyễn Phú Cường
Tập đoàn tin tưởng, với mức độ sẵn sàng đổi mới sáng tạo của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) và các doanh nghiệp thành viên được chuẩn bị đầy đủ sẽ là yếu tố quan trọng để hoàn thành tốt mọi chỉ tiêu nhiệm vụ trong Nghị quyết của Đại hội đại biểu Đảng bộ Tập đoàn lần thứ III, nhiệm kỳ 2020 - 2025, góp phần thực hiện có hiệu quả quan điểm phát triển đất nước do Đại hội XIII của Đảng đề ra là: “Phát triển nhanh và bền vững, dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số”.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng sẽ tổng kết 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011- 2020, nhìn lại 35 năm công cuộc đổi mới, 10 năm thực hiện Cương lĩnh (bổ sung, phát triển 2011) và đề ra kế hoạch, tầm nhìn, định hướng phát triển đất nước trong thời gian tới, gắn các mốc kỷ niệm trọng đại của dân tộc đến năm 2030, 2045. Để đạt được các mục tiêu đề ra, Dự thảo Văn kiện Đại hội XIII đã nhấn mạnh quan điểm phát triển trong thời gian tới: “Phát triển nhanh và bền vững, dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số”. Trong đó, từ khóa “Đổi mới sáng tạo” được gắn với xu thế, đặc điểm thời đại, sự phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ (KHCN) đặt trong bối cảnh nước ta hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.
Là Tập đoàn kinh tế nhà nước hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp hóa chất, Vinachem được Chính phủ giao mục tiêu phát triển Tập đoàn với trình độ công nghệ, quản lý hiện đại, chuyên môn hóa cao và làm nòng cốt để ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam phát triển. Với đặc thù của ngành công nghiệp nền tảng cung cấp đầu vào cho các ngành kinh tế, sử dụng nhiều hệ thống máy móc thiết bị và quy trình công nghệ hiện đại nên đòi hỏi nguồn nhân lực có trình độ kỹ thuật, không ngừng đổi mới sáng tạo để các sản phẩm của Tập đoàn có thể cạnh tranh trên thị trường trong nước và xuất khẩu.
Do vậy, các thành tựu KHCN mà gần đây là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư với các công nghệ tiên tiến như kết nối vạn vật, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, công nghệ người máy… được ứng dụng trong một số lĩnh vực của nền kinh tế trong đó mở ra cơ hội trong ngành công nghiệp hóa chất, tạo bước đột phá trong nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm và ra đời các sản phẩm mới. Tuy nhiên, để đón bắt được những cơ hội mà cuộc cách mạng KHCN mang lại thì cần có sự chuẩn bị sẵn sàng đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp trên các mặt cả về nhận thức, nguồn nhân lực có chất lượng cũng như cơ sở hạ tầng và ứng dụng công nghệ thông tin.
Trước yêu cầu thực tế đặt ra, trong những năm qua Tập đoàn đã bám sát các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để xây dựng những cơ chế, chính sách khuyến khích hoạt động đổi mới sáng tạo, coi đây là động lực cho phát triển bền vững của toàn Tập đoàn. Công ty mẹ - Tập đoàn Hóa chất Việt Nam đã xây dựng và ban hành hệ thống văn bản như Quyết định thành lập Quỹ phát triển KHCN, Quy chế chi tiêu, sử dụng Quỹ phát triển KHCN, Quy chế Quản lý nhiệm vụ KHCN, Quy chế Quản lý hoạt động sáng kiến…, đồng thời chú trọng công tác hướng dẫn các đơn vị thành viên cập nhật các văn bản pháp quy, xây dựng và ban hành các quy định, quy chế nhằm quản lý và nâng cao hiệu quả hoạt động KHCN.
Lốp xe Radial của Công ty DRC đã mang nhiều lợi thế cạnh tranh và xuất khẩu nhờ đảm bảo các tiêu chuẩn công nghệ, kỹ thuật
Hàng năm, Tập đoàn phối hợp với các chuyên gia, nhà khoa học, các đơn vị, tổ chức KHCN để đưa ra những định hướng cụ thể, phát động công tác nghiên cứu KHCN, sáng kiến cải tiến kỹ thuật trong toàn Tập đoàn. Tập đoàn cũng tiến hành tuyển chọn, hỗ trợ kinh phí thực hiện các nhiệm vụ KHCN mang tính chất trọng tâm, trọng điểm của các đơn vị; tổ chức các Hội nghị KHCN, phát động phong trào thi đua nghiên cứu KHCN, sáng kiến cải tiến kỹ thuật; thường xuyên thực hiện các giải pháp thiết thực nhằm chia sẻ và nhân rộng kết quả nghiên cứu, ứng dụng, đổi mới sáng tạo.
Với những nỗ lực trong 5 năm qua, Tập đoàn và các doanh nghiệp thành viên đã triển khai trên 200 đề tài/dự án KHCN, trên 2.000 sáng kiến cải tiến kỹ thuật trong các lĩnh vực kỹ thuật công nghệ, kinh doanh và quản lý với tổng kinh phí trên 265,7 tỷ đồng, mang lại giá trị làm lợi mỗi năm ước tính khoảng 1.000 tỷ đồng. Toàn Tập đoàn đã có 5 bằng độc quyền sáng chế trong đó có 1 bằng sáng chế nước ngoài, 20 bằng độc quyền giải pháp hữu ích, đăng ký 2 bằng độc quyền sáng chế tại Mỹ, và nhiều công trình đã nhận được các giải thưởng cao quý ở trong nước và quốc tế về KHCN.
Ngoài ra, Tập đoàn cũng đã công bố được 115 bài báo, trong đó có 29 bài đã đăng trên các tạp chí nước ngoài có uy tín (ISI), tổ chức nhiều khóa đào tạo, tập huấn nghiệp vụ chuyên sâu cho cán bộ, người lao động toàn Tập đoàn với nhiều cấp độ đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Kết quả nghiên cứu, ứng dụng thành tựu KHCN đã góp phần định hướng phát triển, đổi mới sáng tạo, hoàn thiện công nghệ, tiết giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm, công nghệ, bảo vệ môi trường, cải thiện môi trường lao động của các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn.
Nghị quyết của Đại hội đại biểu Đảng bộ Tập đoàn lần thứ III, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra mục tiêu “Nâng cao vai trò, trách nhiệm và chất lượng, hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh sắp xếp đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty trong tập đoàn”. Để cụ thể hóa mục tiêu nói trên, đối với giải pháp trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo trên nền tảng khoa học, công nghệ, Tập đoàn tập trung vào nâng cao hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo về nhiệm vụ phát triển, đổi mới khoa học, công nghệ cụ thể như sau:
Thứ nhất, chú trọng xây dựng, phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng và quy hoạch đội ngũ cán bộ đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao của công tác khoa học, công nghệ, đảm bảo tính kế thừa và phát triển, chú trọng tổ chức đào tạo và thu hút đội ngũ cán bộ khoa học, công nghệ vừa có nhiệt huyết, vừa có năng lực sáng tạo và trình độ chuyên môn cao.
Thứ hai, chủ động nghiên cứu và vận dụng hiệu quả các cơ chế chính sách, đặc biệt là vận dụng các chính sách khuyến khích đối với lĩnh vực khoa học, công nghệ để tham gia các chương trình khoa học, công nghệ trọng điểm của nhà nước, sử dụng hiệu quả nguồn tài chính được ưu tiên trích lập cho công tác khoa học, công nghệ như Quỹ phát triển khoa học, công nghệ của doanh nghiệp…
Thứ ba, tập trung nguồn lực giải quyết những vấn đề của thực tiễn sản xuất tại các doanh nghiệp của Tập đoàn theo hướng đa dạng hóa sản phẩm, ứng dụng chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo phù hợp đặc điểm của từng đơn vị, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, tiết kiệm năng lượng, tiết giảm chi phí trong sản xuất, đảm bảo an toàn môi trường sinh thái, sức khỏe con người.
Thứ tư, đẩy mạnh hợp tác với các đối tác có trình độ khoa học, kỹ thuật và công nghệ cao ở trong và ngoài nước nhằm trao đổi, chia sẻ học hỏi kiến thức, kinh nghiệm trong nghiên cứu, phát triển, ứng dụng và chuyển giao khoa học, kỹ thuật và công nghệ, không ngừng nâng cao thực lực KHCN của Tập đoàn.
Với những bước đi cụ thể, tập trung, có trọng tâm trọng điểm, Tập đoàn tin tưởng rằng, tính sẵn sàng đổi mới sáng tạo của Tập đoàn và các doanh nghiệp thành viên ngày càng được chuẩn bị đầy đủ để nắm bắt cơ hội từ cuộc cách mạng KHCN, đặc biệt là chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Với những nỗ lực trong đổi mới sáng tạo sẽ là yếu tố quan trọng để hoàn thành tốt mọi chỉ tiêu nhiệm vụ trong Nghị quyết của Đại hội đại biểu Đảng bộ Tập đoàn lần thứ III, nhiệm kỳ 2020-2025, góp phần thực hiện có hiệu quả quan điểm phát triển đất nước do Đại hội XIII của Đảng đề ra: “Phát triển nhanh và bền vững, dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” mà Tập đoàn sẽ tập trung quán triệt sâu sắc và vận dụng cụ thể, sáng tạo trong lĩnh vực công nghiệp hóa chất được giao.
Nguyễn Phú Cường - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV Vinachem
Nguồn: Tạp chí Công Thương