Thị trường săm lốp nội địa: Sự lên ngôi của DRC và Radial hóa

08:49 SA @ Thứ Năm - 16 Tháng Năm, 2019

Nắm bắt xu hướng Radial hóa toàn cầu, các doanh nghiệp Việt Nam như Công ty CP Cao su Đà Nẵng (DRC) đang khẳng định vị thế vững chắc tại thị trường săm lốp nội địa giữa cơn bão cạnh tranh gay gắt từ các doanh nghiệp FDI.

Theo Quy hoạch phát triển công nghiệp ô tô đến năm 2020, tầm nhìn năm 2030, công nghiệp ô tô được định hướng phát triển thành ngành công nghiệp quan trọng của Việt Nam. Cụ thể, đến năm 2020, phấn đấu đáp ứng 30 - 40% về giá trị nhu cầu linh kiện, phụ tùng của sản xuất, lắp ráp xe ô tô trong nước và giai đoạn 2026-2030 đảm bảo cung ứng trên 50%.

Điều nay mở ra cơ hội to lớn cho các doanh nghiệp sản xuất săm lốp trong nước với tư cách là nhà cung cấp thiết bị, linh kiện phụ trợ.

Tận dụng lợi thế trên thị trường sân nhà

Trong bối cảnh này, tốc độ tăng trưởng về giá trị của thị trường săm lốp Việt Nam được dự báo sẽ đạt khoảng 8%/năm giai đoạn 2018 – 2020, cao gấp 2 lần so với mức bình quân của thế giới, đồng thời cũng cao hơn mức bình quân 6% của nhóm thị trường đang phát triển.

Các doanh nghiệp săm lốp nội địa có danh mục sản phẩm đa dạng và giữ được thế mạnh về doanh thu ở thị trường trong nước, đặc biệt có thế mạnh ở các sản phẩm lốp cho xe thương mại như xe tải, xe khách.

Năm 2018 vừa qua, Công ty Cổ phần Cao su Đà Nẵng(DRC) đã tiêu thụ được gần 1,04 triệu chiếc lốp xe ô tô, máy kéo các loại, hơn 2,38 triệu chiếc lốp xe máy và hơn 5,15 triệu chiếc săm xe máy.

Mặc dù các số liệu này có giảm so với cùng kỳ năm 2017, đây vẫn được đánh giá là kết quả khả quan khi giá nguyên vật liệu đầu vào liên tục tăng và doanh nghiệp nội địa phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt của khối FDI có tiềm lực tài chính và kỹ thuật lớn.

Doanh thu thuần cả năm 2018 của Cao su Đà Nẵng đạt 3.551 tỷ đồng, giảm chỉ 3,21% so với năm 2017. Lợi nhuận trước thuế đạt 177,45 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt gần 141 tỷ đồng.

Theo các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước, lý do lốp nội địa của DRC được tín nhiệm và chọn lựa không chỉ bởi khả năng chịu tải nặng, chịu mài mòn tốt, tuổi thọ cao và được bảo hành chu đáo, mà đây còn là những sản phẩm đã vượt qua nhiều nghiên cứu và thử nghiệm để đảm bảo phù hợp với các loại mặt đường cũng như đặc thù thời tiết tại Việt Nam.

Dòng lốp tải nhẹ của DRC có nhiều quy cách, phù hợp với các loại xe tải nhẹ và xe ben dưới 5 tấn. Dòng lốp tải nặng có nhiều quy cách, phù hợp với các loại xe vận tải hàng hóa, xe ben từ 5 tấn trở lên, xe buýt, xe khách. Dòng lốp đặc chủng có nhiều qui cách phục vụ máy cày, máy kéo nông nghiệp.Đặc biệt, DRC là doanh nghiệp đầu tiên tại Việt Nam sản xuất lốp ô tô siêu tải nặng dành cho các loại xe, máy đặc chủng khai thác hầm mỏ, xe cẩu container tại bến Cảng, xe san, ủi đất đá... với nhiều quy cách có cỡ vành từ 24 inch đến 51 inch.
Ngoài ra, DRC còn sản xuất nhiều chủng loại sản phẩm cao su kỹ thuật, đáp ứng nhu cầu đa dạng tại các công trình giao thông, bến cảng, các chi tiết cao su kỹ thuật của xe ô tô...

Tiên phong Radial hóa ngành săm lốp Việt Nam

Nằm chung trong xu hướng Radial hóa toàn cầu, tỷ lệ sử dụng lốp Radial cho ô tô tại Việt Nam hiện ước đạt 50 – 60% và được dự báo sẽ là thị trường còn nhiều dư địa tăng trưởng khi mà chất lượng hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông đang ngày càng cải thiện rõ rệt.
Nắm bắt được điều này, DRC đã triển khai nhà máy sản xuất lốp xe tải Radial toàn thép giai đoạn 1 và đưa vào hoạt động từ năm 2013 với công suất giai đoạn 1 đạt 300.000 lốp/năm.

Nhà máy gồm 3 khu: kho thành phẩm, nhà hỗn luyện và nhà sản xuất lốp, được đầu tư thiết bị hiện đại hàng đầu thế giới như hệ thống máy luyện kín của Nhật Bản, máy nhả cọc sợi của Mỹ, máy cán tráng của Italia, máy thanh hình lốp của Hà Lan,…

“Lốp ô tô toàn thép của DRC đạt các thông số kỹ thuật nghiêm ngặt theo tiêu chuẩn quốc tế. Công ty đã đăng ký tiêu chuẩn chất lượng quốc tế như: tiêu chuẩn an toàn D.O.T của Mỹ, tiêu chuẩn chất lượng công nghiệp Nhật Bản JIS, tiêu chuẩn chất lượng EMARK của châu Âu”, đại diện DRC khẳng định.

Dự án có tổng mức đầu tư 2.992 tỷ đồng này đã chứng minh tầm nhìn đúng đắn và định hướng chiến lược phù hợp của DRC khi hoạt động tới 111% công suất thiết kế vào năm 2017. Sau 4 năm đi vào sản xuất, mảng lốp Radial đã đóng góp 35% tổng doanh thu với tốc độ tăng trưởng 45% năm 2017.

Bên cạnh đó, từ năm 2016, DRC đã bắt tay với Black Donuts Engineering Inc (Phần Lan) - công ty hàng đầu thế giới chuyên về tư vấn chuyển giao công nghệ, sản xuất lốp xe nhằm tiếp nhận chuyển giao những công nghệ mới, đột phá của thế giới trong sản xuất lốp Radial. Sau 1,5 năm hợp tác, đến năm 2018, DRC đã hoàn tất thử nghiệm các sản phẩm mới.

Những cải tiến về công nghệ sản xuất từ đối tác Phần Lan giúp chất lượng lốp xe Radial DRC có bước đột phá mới, tạo ra những dòng sản phẩm lốp Radial có chất lượng tốt, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong và ngoài nước

Điều quan trọng hơn, cải thiện này đã giúp DRC củng cố khả năng định giá bán, đồng thời cải thiện tỷ suất lợi nhuận ở mức đáng kể và cho phép DRC cạnh tranh trong phân khúc giá bán cao hơn, nâng thương hiệu hàng Việt Nam lên một tầm cao mới trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh lốp xe trên thế giới.

Năm 2019, động lực của DRC đến từ việc đưa nhà máy Radial giai đoạn 2 vào hoạt động giúp tăng gấp đôi công suất hiện tại lên 600,000 lốp/năm, giảm 40% chi phí khấu hao/sản phẩm hàng năm khi chạy hết công suất vào năm 2020, đáp ứng nhu cầu lớn và thị trường cũng như góp phần tăng trưởng mạnh mẽ cho ngành công nghiệp nội địa và xây dựng chỗ đứng vững chắc cho săm lốp Việt Nam trên chính sân nhà.

Về sản lượng, dự kiến tiêu thụ 4 triệu chiếc lốp xe đạp và 4,5 triệu chiếc săm xe đạp. Ước tính lượng săm xe máy tiêu thụ 6 triệu chiếc trong khi lốp xe máy khoảng 3 triệu chiếc. Đáng chú ý, tổng sản lượng tiêu thụ săm lốp ô tô ước đạt 1,13 triệu chiếc, trong đó có khoảng 680.000 chiếc lốp Bias và 450.000 chiếc lốp radial…

Năm 2019 Cao su Đà Nẵng đặt mục tiêu doanh thu thuần 3.875 tỷ đồng, tăng 9,1% so với năm 2018. Lợi nhuận trước thuế ước đạt 157 tỷ đồng, giảm 11% so với cùng kỳ.

Nguồn: Tạp chí Công Thương