Ngày 04/7, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An đã đến kiểm tra tình hình hoạt động tại Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình. Cùng đi với Thứ trưởng có đông chí Nguyễn Văn Thanh, Cục trưởng Cục Hóa chất, đại diện lãnh đạo Vụ Bộ Công Thương. Về phía Tập đoàn Hóa chất Việt Nam có đồng chí: Nguyễn Phú Cường - Chủ tịch HĐTV; Ban Tông giám đốc, lãnh đạo các Ban chuyên môn Tập đoàn; lãnh đạo Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Binh.
Tại Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình đoàn công tác đã được nghe đồng chí Vũ Văn Nhẫn, Tổng giám đốc Công ty báo cáo về dự án Nhà máy và tình hình sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm 2018. Theo đó, Dự án Đạm than Ninh Bình là dự án sản xuất phân đạm lớn được khởi công vào ngày 10/5/2008, chính thức cho ra đời tấn sản phẩm urê đầu tiên vào ngày 30/3/2012; công suất thiết kế của Nhà máy là 560.000 tấn urê/năm (tương đương với khoảng 1.760 tấn urê/ngày). Công nghệ sản xuất của Nhà máy là công nghệ tiên tiến đang được sử dụng rộng rãi trên thế giới đối. Thiết bị, dây chuyền của Nhà máy được nhập khẩu từ châu Âu, Mỹ, cụ thể: Công đoạn phân ly không khí: sử dụng công nghệ của hãng Air Liquid (Pháp) để sản xuất ôxy và ni tơ tinh khiết; Công nghệ khí hoá than: Là công nghệ khí hoá than cám Shell (Hà Lan); Công đoạn tách khí CO2 và khí axit: sử dụng công nghệ rửa Methanol nhiệt độ thấp ( Rectisol) của Đức; Công nghệ tổng hợp Amôniắc: Sử dụng công nghệ tổng hợp Amôniắc của Haldor Topsoe (Đan Mạch); Công nghệ sản xuất Urê: Sử dụng công nghệ Stripping NH3 của Snamprogetti (Ý).
Về tình hình hoạt động 6 tháng dầu năm 2018, trong 6 tháng tình hình thực hiện sản xuất kinh doanh của Công ty trong các tháng đầu năm 2018 tương đối tốt. Sản lượng NH3 sản xuất đạt 72,4 nghìn tấn, sản lượng urê đạt 124,1 nghìn tấn đạt 103,4% kế hoạch đợt 1 và bằng 39,5% so với kế hoạch năm 2018. Công tác tiêu thụ sản phẩm 6 tháng đầu năm 2018 diễn ra thuận lợi, sản phẩm sản xuất ra đều được khách hàng đăng ký nhận ngay, không có hàng tồn kho; sản lượng 6 tháng đạt 124.000 tấn urê bằng 108% so với cùng kỳ năm 2017, giá bán bình quân đạt gần 6,3 triệu đồng/tấn. Doanh số đạt 800 tỷ đồng bằng 110% so với cùng kỳ năm 2017. Lương bình quân cho người lao động 6,79 triệu đồng/người/tháng.
Tuy nhiên, tình hình tài chính của Công ty vô cùng khó khăn nên hiện tại, Công ty không có khả năng thanh toán công nợ cũ với các nhà cung cấp. Để có nguyên vật liệu, vật tư đầu vào cho sản xuất Công ty phải thực hiện tạm ứng trước 50% hoặc thanh toán trước 100% tiền hàng như đối với mặt hàng than và phải trả dần công nợ cũ.
Mặt khác, Công ty không thể thực hiện giải ngân qua ngân hàng để thanh toán cho các nhà cung cấp do các ngân hàng không bổ sung thêm hạn mức cho vay mà chỉ thực hiện theo phương thức vay thu hồi nợ theo tỷ lệ trả nợ 10 cho vay 9. Việc không thể thực hiện trả nợ cho ngân hàng làm tăng nợ quá hạn lên đồng nghĩa với việc tăng gánh nặng chi phí tài chính do phải tĩnh lãi suất quá hạn lên đối với Công ty.
Để giải quyết những khó khăn trước mắt cũng như lâu dài, Công ty sẽ tập trung tối đa vào công tác sửa chữa khắc phục sự cố tại xưởng khí hóa ngày 10/5/2018 và bảo dưỡng đại tu năm 2018, đảm bảo đủ điều kiện chạy lại máy. Ngoài ra, Công ty sẽ tiếp tục làm việc với các ngân hàng thương mại, khách hàng, đối tác hợp tác chiến lược tìm các giải pháp huy động vốn vay ngắn hạn để đảm bảo có tiền mua nguyên vật liệu chạy máy, củng cố máy thiết bị đảm bảo.
Về kiến nghị tại buổi làm việc với Thứ trưởng Đặng Hoàng An, ông Vũ Văn Nhẫn mong muốn trong thời gian tới Công ty rất cần sự giúp đỡ, hỗ trợ và có những giải pháp cũng như cơ chế đặc biệt của Chính phủ, các Bộ ngành có liên quan như Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, nhất là Tập đoàn Hóa chất để Đạm Ninh Bình dần tháo gỡ khó khăn, ổn dịnh sản xuất.
Kết luận tại buổi làm việc, thứ trưởng Đặng Hoàng An nhấn mạnh, đây là dự án trọng tâm của trọng tâm, cho nên Tập đoàn Hóa chất cũng như Đạm Ninh Bình phải có những giải pháp quyết liệt tập trung mọi nguồn lực từ nhân sự và vốn để tránh lâm vào tình trạng nghiêm trọng. Về tài chính, cần khẩn trương đàm phán với các ngân hàng cho vay với lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp ưu đãi nhất và tìm thêm những nguồn vốn khác. Về nhân sự, cần phải tìm người có trình độ, quản lý kỹ thuật, điều hành sản xuất, quan trọng nhất phải đánh giá trên dây chuyền phát hiện chỗ nào hay hỏng để thay thế tránh sự cố, rút ngắn thời gian sửa chữa, không sửa chữa không có kế hoạch. Công ty cần chủ động làm chủ dây chuyền, chuyển giao công nghệ, tính toán để giảm lệ thuộc vào bên cung cấp để giảm chi phí. Ngoài ra, sản phẩm của Công ty vẫn có thị trường, nên cần những giải pháp kinh doanh linh hoạt, tìm các đối tác liên kết, phương án tối ưu từ cung cấp nguyên liệu đến phân phối sản phẩm.