Ngày 26/10/2021, Lãnh đạo Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp và Văn phòng Trung ương Đảng, Lãnh đạo Tập đoàn Hóa chất Việt Nam đã đến thăm và làm việc với công ty CP Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc và Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình.
Dự buổi làm việc với 02 đơn vị, về phía Ủy ban QLVNN có ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Ủy ban cùng lãnh đạo Vụ tổng hợp, vụ công nghiệp thuộc Ủy ban; về phía Văn phòng Trung ương Đảng có ông Bùi Văn Thạch, Phó Chánh Văn phòng và đại diện của Lãnh đạo Ủy ban Kiểm tra, Ban Kinh tế, Vụ tổng hợp thuộc Văn phòng Trung ương Đảng. Về phía Tập đoàn Hóa chất Việt Nam có ông Nguyễn Phú Cường, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn; ông Phùng Quang Hiệp, Tổng giám đốc Tập đoàn.
Sau khi đi thăm các phân xưởng sản xuất của Công ty và nghe ông Nguyễn Đức Ninh, Tổng giám đốc Công ty CP Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc trình bày về Dự án cải tạo - mở rộng Nhà máy Đạm Hà Bắc có tổng mức đầu tư 568,6 triệu USD, công suất 500.000 tấn urê/năm. Từ khi dự án chính thức đi vào hoạt động (2015 đến năm 2020) giá trị sản xuất công nghiệp theo giá thực tế đạt 15.531 tỷ đồng; Doanh thu đạt 16.015 tỷ đồng; Sản phẩm sản xuất (quy đổi ra urê) đạt 2.331.368 tấn; Sản phẩm tiêu thụ (quy đổi ra urê) đạt 2.292.262 tấn. Kết quả chung là lỗ lũy kế đến hết năm 2020 là 4.760.
Nhìn nhận về nguyên nhân thua lỗ, ông Ninh cho biết, trong giai đoạnh 2015 - 2020, Công ty gặp rất nhiều khó khăn trong hoạt động, sản xuất kinh doanh khi giá bán thu về chưa đủ bù đắp chi phí; giá nguyên liệu đầu vào là than đá (chiếm hơn 60% giá thành) tăng 2 - 3 lần so với năm 2010; Thuế VAT đối với phân bón không được khấu trừ đầu vào và đặc biệt là chi phí tài chính gấp 2,33 lần so với tính toán trong FS của Dự án (chiếm 1/3 giá thành sản phẩm) chủ yếu do lãi suất vay VDB bình quân 10,78%/năm và chịu thêm lãi phạt lên với 16,7%/năm, trong đó có khoản vay với lãi suất 12%/năm và lãi phạt là 18%/năm.
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Nguyễn Phú Cường, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn nêu rõ sản phẩm phân đạm của Công ty được sản xuất trên dây chuyền hiện đại, khi đưa vào vận hành thương mại đến nay sản xuất từng bước được ổn định, trình độ kỹ thuật nâng cao, sản lượng tăng dần tới công suất thiết kế (công suất 4 năm gần đây đạt trên 90%). Định mức tiêu hao thực hiện hàng năm đều thấp hơn FS (giá trị đảm bảo của dự án) và thấp hơn định mức chạy nghiệm thu 72 giờ. Vật tư đầu vào là than được quản lý chặt chẽ cũng như bảo quản và sử dụng; Định biên lao động giảm; Luôn sáng tạo ra những sản phẩm mới đáp ứng thị trường… Nguyên nhân chính lỗ của dự án là do cơ chế vay vốn không hợp lý, lãi suất ngân hàng còn bất cập; Luật thuế 71 đối với mặt hàng phân bón… Ông cũng đề nghị các cấp lãnh đạo xem xét, chấp thuận Đề án tái cơ cấu Công ty như kéo dài thời hạn vay các khoản vay đầu tư; Điều chỉnh lãi suất phù hợp với thị trường, xóa lãi trả chậm và dừng tính lãi phạt trên nợ lãi chậm trả.
Ông Phùng Quang Hiệp, Tổng Giám đốc Tập đoàn cũng mong rằng Đề án tái cơ cấu sớm được phê duyệt để hỗ trợ cho Dự án, đồng thời khẳng định Đề án tái cơ cấu Đạm Hà Bắc được xây dựng chi tiết, hoàn toàn theo thị trường, không phi thị trường. Theo đề án, nếu đưa lãi suất theo thị trường thì sẽ trả cho ngân hàng phát triển hoàn toàn nợ và kể cả lãi (không tính lãi phạt), cả vòng đời dự án ngân hàng VDB cho vay 4.125 tỷ thì VDB sẽ thu về 10.600 tỷ và nếu giải quyết được lỗ của Đạm Hà bắc thì sẽ tiếp tục giải quyết đối với các dự án DAP2 và Đạm Ninh Bình.
Ông Bùi Văn Thạch- Phó CVP Trung ương Đảng; Để giải quyết được vấn đề ngân sách của nhà nước với các dự án là rất khó, ông đồng ý về vấn đề tái cơ cấu lại lãi vay của ngân hàng phát triển, để đưa 5 dự án ra khỏi danh sách 12 đại dự án thua lỗ ngành Công thương. Ông ghi nhận những đóng góp, kết quả và nỗ lực của các đơn vị sản xuất phân bón của Tập đoàn và sẽ báo cáo các Bộ, Ngành nhằm giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Đồng thời trong thời gian tới sẽ làm việc với ngân hàng VDB để giải quyết các gói vay của doanh nghiệp trong đó có các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn.
Ông Nguyễn Hoàng Anh: đề nghị các cấp lãnh đạo hiểu và chia sẻ với các doanh nghiệp để điều chỉnh các chính sách kinh tế cho phù hợp, Giúp cho các DN có thể trụ vững và phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.
Làm việc tại Công ty TNHH 1TV Đạm Ninh Bình
Báo cáo tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Văn Đông, Chủ tịch HĐTV Công ty cho biết: kết quả sản xuất kinh doanh trong 9 tháng đều đạt được mức tăng trưởng tốt hơn từ 1,5 lần so với cùng kỳ năm 2020.
Để tạo điều kiện cho công ty vượt qua khó khăn, trong thời gian tới rất cần sự hỗ trợ, giúp đỡ của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các Bộ ngành có liên quan như Bộ Công thương, Bộ Tài chính mà trực tiếp là UBQLV Nhà nước tại doanh nghiệp, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam xem xét, giải quyết tổng thể các nhóm giải pháp mà công ty đã nhiều lần đề nghị: Xem xét giải quyết, tháo gỡ khó khăn, cho phép thực hiện các giải pháp theo đề án tái cơ cấu đã trình, cụ thể: Khoanh nợ ngân hàng VDB từ năm 2020-2024, kéo dài thời hạn vay lên 30 năm; Xóa lãi phạt trên lãi chậm và dừng không tính lãi phạt trên lãi chậm trả trong thời gian tiếp theo; giảm lãi suất các khoản vay trên 8,55% về 8,55%/năm tại VDB; Khoanh nợ Tập đoàn từ năm 2022-2024; Tập đoàn giảm lãi suất khoản vay về 4,5 % và kéo dài thời hạn vay lên 30 năm.
Nếu được giải quyết các kiến nghị nêu trên thì Công ty cơ bản có lãi từ năm 2022, bình quân giai đoạn 2022-2041 có lãi 470,6 tỷ đồng/năm; đến năm 2037 công ty hết âm chủ sở hữu. Theo đề án cơ cấu thì từ năm 2022-2041 VDB sẽ thu được 2.564 tỷ đồng lãi vay, phần nợ gốc là gần 2.630 tỷ đồng, tổng số VDB thu được trả cả gốc và lãi
Kết luận buổi làm việc tại hai đơn vị, ông Nguyễn Phú Cường thay mặt Lãnh đạo Tập đoàn mong rằng đoàn công tác có những nhận xét, đánh giá để từ đó báo cáo lên lãnh đạo cấp trên có những quyết sách phù hợp nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển bền vững. Đồng chí cũng cam kết và hứa sẽ cùng toàn thể Người lao động tiếp tục nỗ lực, duy trì ổn định, nâng cao hiệu quả sản xuất nhằm đóng góp vào bình ổn giá phân bón trong nước và an ninh lương thực quốc gia.