Viện Hóa học CN Việt Nam: Gắn nghiên cứu với thực tiễn sản xuất của các doanh nghiệp thuộc Vinachem

10:59 SA @ Thứ Tư - 09 Tháng Mười Hai, 2020

Kết quả hoạt động thời gian qua đã chứng minh năng lực của Viện Hóa học công nghiệp Việt Nam trong hoạt động đổi mới theo hướng tự chủ, tự chịu trách nhiệm; hoàn thành tốt sứ mệnh của Viện đối với Tập đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam.

Nâng cao chất lượng sản phẩm của đơn vị sử dụng

Thời gian qua, Viện Hóa học công nghiệp Việt Nam đã xây dựng, thực hiện các nhiệm vụ khoa học công nghệ đáp ứng nhu cầu của Tập đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam và các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn trong đổi mới công nghệ, thiết bị, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và chất lượng sản phẩm.

Có thể kể đến là cụm công trình nghiên cứu liên quan đến thuốc tuyển quặng apatit loại III Lào Cai có giá trị ứng dụng triển khai trên 20 năm qua. Hàng năm cung cấp cho Công ty TNHH MTV Apatit Việt Nam 400-700 tấn thuốc tuyển để kết hợp với thuốc tuyển của Thụy Điển thành bộ nguyên liệu không thể thiếu trong quá trình tuyển quặng.


Dây chuyền thuốc tuyển

Cụm công trình nghiên cứu liên quan đến các chất phụ gia cho phân bón (chế phẩm chống kết khối cho ure và DAP, chất tạo màu cho DAP, chất bổ sung vi lượng cho đạm ure) và hóa chất xử lý nước tuần hoàn có giá trị ứng dụng triển khai liên tục từ năm 2000 đến nay. Hàng năm cung cấp sản phẩm cho các nhà máy: Đạm Hà Bắc, Đạm Ninh Bình, DAP Hải Phòng, DAP Lào Cai, Đạm Phú Mỹ, đạm Cà Mau với chất lượng và giá cả cạnh tranh.

Các sản phẩm của Viện không chỉ góp phần ổn định và nâng cao chất lượng sản phẩm của các đơn vị sử dụng mà còn góp phần hạn chế việc ép giá, tăng giá tùy tiện của các nhà cung cấp khác, giảm nguyên liệu nhập khẩu.

Hiện nay, Viện đang tập trung nguồn lực để nghiên cứu nâng cao chất lượng và hiệu quả sử dụng của các sản phẩm truyền thống và phát triển các sản phẩm chủ lực mới bao gồm 6 bộ sản phẩm và 1 cụm dịch vụ. Trong đó có bộ sản phẩm liên quan đến thuốc tuyển và hóa chất tuyển quặng apatit; và bộ sản phẩm các phụ gia cho sản xuất phân bón thay thế hóa chất nhập khẩu.

Hoàn thành tốt sứ mệnh

Để tham gia tích cực vào “Đề án phát triển công nghệ sinh học ngành Công Thương giai đoạn 2020-2025” và Đề án “Đổi mới và hiện đại hóa công nghệ trong ngành công nghiệp khai khoáng và chế biến khoáng sản đến năm 2025”, Viện đang tập trung nguồn lực để nghiên cứu thăm dò trước khi xây dựng các nhiệm vụ nghiên cứu triển khai đến sản phẩm ứng dụng cuối cùng theo 5 hướng ứng dụng:

Một là, công nghệ sinh học phục vụ công nghiệp, trong đó có thuốc tuyển quặng và các chất hóa chất, phụ gia cho quá trình tuyển nổi, chế biến trực tiếp quặng apatit theo phương pháp sinh học.

Hai là, công nghệ sinh học phục vụ nông nghiệp hữu cơ và chế biến sau thu hoạch, trong đó có các chế phẩm phân bón hữu cơ sinh học, chế phẩm cải tạo, phục hồi và khai thác tiềm năng đất trồng, chế phẩm phục vụ chăn nuôi thủy, hải sản xuất khẩu.

Ba là, công nghệ sinh học phục vụ đời sống, y dược và sức khỏe cộng đồng, trong đó có chế phẩm chất tẩy rửa hữu cơ nano-sinh học, các thực phẩm bảo vệ sức khỏe được chế biến theo công nghệ nano sinh học với quá trình lên men truyền thống.

Bốn là, công nghệ sinh học phục vụ xử lý và bảo vệ môi trường;

Năm là, công nghệ sinh học phục vụ năng lượng sạch và năng lượng tái tạo.

Thực hiện chiến lược phát triển khoa học công nghệ nói trên, Viện đã đề ra các giải pháp tiếp cận và thực hiện, cụ thể:

Tiếp cận, tìm hiểu nhu cầu đổi mới khoa học công nghệ của các doanh nghiệp trực thuộc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam thuộc các lĩnh vực: tuyển khoáng, hóa chất cơ bản, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, cao su chế biến, pin và ắc quy, công nghệ môi trường,…; xây dựng, thực hiện các nhiệm vụ hợp tác nghiên cứu triển khai hoặc nghiên cứu chuyển giao công nghệ, cung cấp sản phẩm, vật liệu thay thế.

Tiếp cận, tìm hiểu và xây dựng, thực hiện các nhiệm vụ với các địa phương liên quan đến các lĩnh vực: phân tích, giám định các loại mẫu nguyên liệu, vật tư, hóa chất, tài nguyên thiên nhiên, thực phẩm, thức ăn chăn nuôi, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật,... ; quan trắc, xử lý môi trường các cơ sở sản xuất, khu công nghiệp, làng nghề, sản xuất và chế biến sâu nông sản hữu cơ,…

Xây dựng và thực hiện các nhiệm vụ phục vụ quản lý Nhà nước về chiến lược phát triển, chất lượng sản phẩm, an toàn hóa chất, bảo vệ môi trường của các Bộ, ngành, địa phương.

Có được kết quả hoạt động và định hướng chiến lược nơi trên, có thể nói Viện Hóa học công nghiệp Việt Nam đã và đang bám sát mục tiêu “Đẩy mạnh và phát huy hơn nữa hoạt động khoa học công nghệ, lấy khoa học công nghệ làm mục tiêu then chốt, lấy ứng dụng, triển khai chuyển giao khoa học công nghệ làm động lực và nền tảng phát triển”.

Kết quả hoạt động thời gian qua đã chứng minh năng lực của Viện trong hoạt động đổi mới theo hướng tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Doanh số khoa học công nghệ bình quân xấp xỉ 20 tỷ đồng/năm; doanh thu sản xuất kinh doanh và dịch vụ tăng trưởng 10-20%/năm; thu nhập bình quân của người lao động năm sau cao hơn năm trước và cao hơn mức bình quân toàn Tập đoàn; nâng cao chất lượng sản phẩm của các đơn vị sử dụng; hoàn thành tốt sứ mệnh của Viện đối với Tập đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam.

Nguồn: Tạp chí Công Thương