Ngày 25/11/2022, tại Hà Nội, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam tổ chức Hội nghị Sản xuất Thông minh năm 2022 (theo hình thức trực tiếp và trực tuyến). Đến dự Hội nghị có Đại diện Vụ Công nghiệp - Ủy ban QLV NN tại DN; Bộ Khoa học Công nghệ; Cục Hóa chất (Bộ Công Thương); Các chuyên gia trong lĩnh vực sản xuất thông minh của Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại hội Quốc gia Hà Nội. Về phía Tập đoàn Hóa chất có ông Lê Hoàng - Phó Tổng giám đốc; ông Nguyễn Hữu Tú - Thành viên HĐTV, Kiểm soát viên, Đảng ủy, Công đoàn cùng lãnh đạo, cán bộ kỹ thuật và công nghệ thông tin tại các đơn vị thành viên.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe Ban Kỹ thuật, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam trình bày tham luận "Phát triển sản xuất thông minh là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác KH&CN của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam". Theo đó, hiện nay, các quốc gia trên thế giới đang triển khai mạnh mẽ việc áp dụng sản xuất thông minh. Theo dự báo của IDC (Worldwide Digital Transformation 2020 Predictions), đến năm 2025, chi tiêu cho chuyển đổi số (Digital Transformation) trên toàn cầu sẽ đạt 4,7 nghìn tỉ USD.
Mỹ, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc,Trung Quốc… là những quốc gia đi đầu trong việc ứng dụng các sáng kiến sản xuất thông minh hiện nay. Chính phủ Hàn Quốc đã xây dựng biện pháp nhằm thúc đẩy việc hình thành 30.000 nhà máy thông minh vào năm 2022. Chính phủ kỳ vọng rằng các công ty trong ngành sản xuất sẽ tạo ra 66.000 việc làm thông qua tự động hóa 50% cơ sở sản xuất và tăng 18 nghìn tỷ won (16 tỷ USD) doanh thu.
Tại Tập đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam, một số doanh nghiệp đã chủ động nắm bắt xu hướng, tận dụng thời cơ từng bước chuyển đổi hoạt động sản xuất theo hướng sản xuất thông minh.
Đơn cử, Công ty CP Bột giặt LIX đã xây dựng và đưa vào sử dụng phần mềm Hệ thống quản lý kênh phân phối (DMS) cho phép giám sát chuỗi các hoạt động từ khâu bán hàng, quản lý hàng tồn kho đến khâu đặt hàng từ các nhà phân phối đã góp phần tăng đáng kể hiệu quả sản xuất kinh doanh nhờ tăng sản lượng bán hàng…
Công ty CP Cao su Đà Nẵng đã đầu tư một số dây chuyền hiện đại theo hướng vận dụng mô hình “nhà máy sản xuất thông minh”, nâng cao hiệu quả quản lý và hiệu lực kiểm soát quy trình sản xuất. Công ty CP Pin Ắc quy Miền Nam nghiên cứu đầu tư các dây chuyền sản xuất hiện đại khép kín, hệ thống kiểm tra chất lượng sản phẩm tự động nhằm vừa nâng cao và ổn định chất lượng sản phẩm vừa bảo đảm yếu tố môi trường…
Dự thảo Đề án cơ cấu lại Tập đoàn Hóa chất Việt Nam giai đoạn 2021-2025 cũng xác định rõ lộ trình cải tiến, đổi mới công nghệ giai đoạn 2021-2025. Trong đó, việc triển khai định hướng quốc gia về cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số được Tập đoàn xác định là một trong những nội dung trọng tâm, là yêu cầu khách quan, để giải quyết một số khó khăn cấp thiết của quá trình sản xuất.
Các đại biểu cũng được nghe các chuyên gia đến từ Bộ Công Thương, Đại học Bách Khoa Hà Nội trình bày: Giới thiệu Đề án sản xuất thông minh của Bộ Công Thương; Nhà máy sản xuất thông minh - định hướng và phát triển; Phân tích, đánh giá và xây dựng bộ cơ sở dữ liệu cho điều khiển thông minh các dây chuyền sản xuất hóa chất...
Tham luận tại Hội nghị, đại biểu đến từ các đơn vị thành viên Tập đoàn đã chia sẻ kinh nghiệm ứng dụng khoa học công nghệ vào quá trình sản xuất kinh doanh tại đơn vị mình như: Ứng dụng chuyển đổi số cho hệ thống quán lý lốp PCR ADVENZA (Casumina); Nâng cấp công suất chiết chai, đầu tư hệ thống Robot xếp thùng lên pallet, triển khai các phần mềm quản lý bán hàng và quản lý sản xuất (Công ty CP Bột giặt LIX); Áp dụng công nghệ 4.0 trong công tác quản lý vòng đời sản phẩm phân bón Lâm Thao (Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao)...
Kết luận hội nghị, ông Lê Hoàng nhấn mạnh, hiện nay, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam đang xây dựng những định hướng hoạt động và giải pháp về kỹ thuật công nghệ, trong đó xác định nhiệm vụ triển khai chuyển đổi số trong sản xuất là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và yêu cầu khách quan, đòi hỏi triển khai kịp thời.
Thực tế cho thấy, các công nghệ hiện nay phát triển rất nhanh. Từ thế kỷ 18 diễn ra cuộc cách mạng công nghiệp lần 1, sau đó 100 năm đến cách mạng công nghiệp lần 2, sau 50 năm là cách mạng công nghiệp lần thứ 3; năm 2011 đánh dấu cách mạng công nghiệp 4.0 và năm 2023 dự báo là 5.0.
Để triển khai lộ trình đổi mới khoa học công nghệ theo định hướng quốc gia về cách mạng công nghiệp 4.0 là sản xuất có tính hệ thống, năm 2023, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam sẽ phối hợp với các đơn vị thành viên đánh giá hiện thực dây chuyền sản xuất, đánh giá khả năng tự động hóa, số hóa từng khâu, từng phần, từng công đoạn của dây chuyền sản xuất trên cơ sở đánh giá khả năng tự động hóa. Đồng thời, xây dựng kế hoạch thực hiện đổi mới tự động hóa dây chuyền thiết bị sản xuất dựa trên khả năng đáp ứng về vốn và công nghệ của các doanh nghiệp trong toàn tập đoàn.
“Hiện tại, một trong những hạn chế của doanh nghiệp là nguồn vốn tương đối nhỏ nên để đầu tư đổi mới công nghệ cũng có những khó khăn nhất định. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn cần phải lựa chọn những giải pháp thích ứng phù hợp với từng đơn vị để làm. Đề nghị các doanh nghiệp trước hết phải có phân tích, đánh giá thực tế rồi quyết định tập trung làm việc gì, làm như thế nào” – ông Lê Hoàng nhấn mạnh.