Ngày 14/9/2002, tại Hải Phòng, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam phối hợp với Cục kỹ thuật an toàn và môi trường công nghiệp tổ chức Hội nghị Tập huấn nâng cao năng lực bảo vệ môi trường cho các doanh nghiệp ngành hóa chất.
Tham dự Hội nghị có đồng chí Nguyễn Phú Cường, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV; đồng chí Hoàng Mạnh Thắng, Thành viên HĐTV; đồng chí Lê Hoàng, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn; đồng chí Nguyễn Huy Thông, Chủ tịch Công đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam cùng các học viên là các đồng chí giám đốc, phó giám đốc, các đồng chí phụ trách về môi trường tại các đơn vị thành viên thuộc Tập đoàn.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, đồng chí Nguyễn Phú Cường, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn chia sẻ, đây là lần đầu tiên Tập đoàn Hóa chất Việt Nam có yêu cầu cao, triệu tập toàn bộ lãnh đạo các đơn vị đến dự một Hội nghị chuyên ngành về môi trường. Nguyên nhân bởi các văn bản mới về BVMT có rất nhiều điểm mới và nếu không bảo đảm thực hiện đúng các quy định, các doanh nghiệp sẽ bị xử phạt. Bên cạnh đó, thời gian vừa qua, doanh nghiệp ngành hóa chất đã được Chính phủ quan tâm khi Thủ tướng Chính phủ đi thăm 2 đơn vị của Tập đoàn trong 1 ngày. Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cũng đến Đạm Hà Bắc để làm việc. Trong chuyến công tác của Thủ tướng, một trong những điểm Thủ tướng quan tâm là thực hiện các trách nhiệm của doanh nghiệp về BVMT. Sự quan tâm này cho thấy các doanh nghiệp phải đề cao hơn nữa trách nhiệm trong gìn giữ môi trường.
Ông Nguyễn Phú Cường cũng chỉ rõ, trong thực tế của Tập đoàn, đâu đó vẫn còn xảy ra tình trạng mất an toàn, dẫn đến việc doanh nghiệp vi phạm các quy định của Luật BVMT, gây tác động xấu đến môi trường và chính doanh nghiệp phải chi trả rất nhiều tiền cho những sai lầm đó. Do đó, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam yêu cầu lãnh đạo các đơn vị phải thực hiện nghiêm các chỉ đạo trong triển khai các giải pháp BVMT. Đặc biệt, DN sản xuất công nghiệp phải có trách nhiệm giảm thiểu các việc ảnh hưởng đến môi trường.
“Thời gian vừa qua, có những doanh nghiệp trong ngành phải chi trả hàng tỷ đồng cho các vi phạm về BVMT, vừa thiệt hại kinh tế, vừa ảnh hưởng đến hình ảnh doanh nghiệp. Do đó, doanh nghiệp phải quán triệt nguyên tắc là các giải pháp BVMT sẽ vừa giúp tiết kiệm cho doanh nghiệp, bảo vệ doanh nghiệp chứ không đơn thuần chỉ là BVMT” – ông Cường nhấn mạnh. Đồng thời chia sẻ thêm, Luật BVMT sau nhiều lần sửa đổi đã có những yêu cầu ngày càng cao hơn. Vì vậy, doanh nghiệp cũng cần phải quan ngày càng nhiều hơn đến trách nhiệm trong bảo đảm an toàn trong sản xuất.
Tại Hội nghị, các học viên đã được đã được nghe giảng viên Vũ Huyền Phương, Phó Trưởng phòng bảo vệ môi trường Công Thương – Cục ATMT phổ biến các quy định mới về bảo vệ môi trường theo Luật Bảo vệ môi trường và các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành Luật và giảng viên Đinh Văn Tôn, phòng Bảo vệ môi trường Công Thương – Cục ATMT cập nhật các quy định mới về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Hội nghị cũng được nghe đồng chí Phùng Ngọc Bộ, Phó Trưởng ban phụ trách Ban Kỹ thuật Tập đoàn báo cáo tình hình thực hiện công tác bảo vệ môi trường của các đơn vị thành viên trong Tập đoàn. Theo đó, trong thời gian qua, công tác quản lý, bảo vệ môi trường của các đơn vị thành viên thuộc Tập đoàn đã được quan tâm với nhiều biện pháp, giải pháp đồng bộ, thống nhất. Tập đoàn ban hành Quy chế BVMT tạo cơ sở pháp lý vững chắc để các đơn vị thành viên quản lý thống nhất hoạt động BVMT và phát triển bền vững. Công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức BVMT cho người lao động, cán bộ viên chức của các đơn vị trong Tập đoàn được thực hiện thường xuyên, BVMT đã trở thành nhiệm vụ trong yếu, cấp bách của các doanh nghiệp thành viên.
Từ năm 2020 đến nay các đơn vị thực hiện nghiêm túc về công tác BVMT như: Hồ sơ pháp lý về công tác BVMT, chương trình quan trắc… được các đơn vị thực hiện đúng, đủ theo đúng quy định của pháp luật về công tác BVMT. Công tác quản lý chất thải được chú trọng; Các đơn vị đều chủ động xây dựng biện pháp, kế hoạch phòng ngừa ứng phó sự cố hóa chất, sự cố môi trường và được cơ quan nhà nước phê duyệt; Công tác cải tạo, phục hồi môi trường trong khai hác khoáng sản cũng được chú trọng. Bên cạnh đó, công tác tự kiểm tra, giám sát được chú trọng và ngày càng được tăng cường, Tập đoàn đã tổ chức nhiều cuộc kiểm tra theo kế hoạch, đột xuất về việc chấp hành luật trong lĩnh vực BVMT, các cuộc kiểm tra đã góp phần đưa công tác BVMT đi vào nề nếp, góp phần tuân thủ pháp luật về công tác BVMT, các vi phạm đã giảm dần, các điểm nóng về ô nhiễm môi trường cơ bản đã được kiểm soát, xử lý. Phần lớn các đơn vị có nguy cơ gây ô nhiễm đã triển khai các biện pháp xử lý ô nhiễm, giảm thiểu các tác động xấu đến môi trường.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý BVMT của một số đơn vị vẫn còn gặp một số tồn tại, khó khăn như hiện tượng ô nhiễm môi trường cục bộ, sự cố mang tính tức thời vẫn còn diễn ra tại một số nhà máy, cơ sở sản xuất do công trình xử lý môi trường gặp sự cố; Một số cơ sở sản xuất vận hành công trình xử lý môi trường chưa đạt yêu cầu; Công tác thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại một số doanh nghiệp vẫn còn hạn chế; Ý thức BVMT của người lao động tạo một số đơn vị còn thấp.
Trước tình trạng trên, vấn đề cấp bách là phải tăng cường hơn nữa công tác quản lý BVMT, tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ và giải pháp: Nâng cao chất lượng và hiệu quả quản lý doanh nghiệp; Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số vào công tác BVMT; Triển khai thi hành tốt pháp luật BVMT, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát vè BVMT đồng thời phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương tăng cường kiểm tra, hướng dẫn, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc; Tăng cường tuyên truyền giáo dục pháp luật về BVMT, tổ chức các phong trào cho người lao động nâng cao ý thức trách nhiệm đồng thời phát hiện, ngăn chặn, kịp thời xử lý những hành vi vi phạm pháp luật về MT; Cải tiến nâng cao kỹ thuật của các trang thiết bị xử lý chất thải để nâng hiệu quả; Tăng cường đào tạo chuyên sâu về quản lý môi trường, tiếp cận và cập nhật những kiến thức về pháp luật để từ đó xây dựng các kế hoạch quản lý môi trường phù hợp, đảm bảo đáp ứng yêu cầu công tác, góp phần quan trọng nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về BVMT cho các doanh nghiệp.
Thảo luận tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, tham gia ý kiến về những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện nhiệm vụ tại cơ sở và đưa ra các câu hỏi các quy định về thủ tục hành chính trong lĩnh vực BVMT, đặc biệt liên quan tới thủ tục về giấy phép và đã được các cán bộ Cục ATMT, Bộ Công Thương trả lời.
Kết luận Hội nghị, đồng chí Lê Hoàng, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam đề nghị lãnh đạo các đơn vị tổng hợp các ý kiến góp ý gửi về Tập đoàn để tổng hợp gửi Cục Kỹ thuật An toàn Môi trường Công nghiệp và các cơ quan có thẩm quyền. Đồng thời nhấn mạnh BVMT là yêu cầu cấp thiết, các doanh nghiệp ngành hóa chất cần thực hiện nghiêm túc.