Ngày 06/01/2022, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đã tổ chức Hội nghị tổng kết nhằm đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2021 và triển khai phương hướng thực hiện trong năm 2022. Tới dự và chỉ đạo Hội nghị có các đồng chí : Nguyễn Đình Khang - UVTWĐ - Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; Hồ Sỹ Hùng - Phó Chủ tịch UBQLVNN tại doanh nghiệp; cùng đại diện Bộ Công thương, Ủy Ban kiểm tra Trung ương, Văn phòng Chính phủ, …
Năm 2021, các đơn vị thuộc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong triển khai thực hiện nhiệm vụ. Đó là khó khăn từ đại dịch Covid-19 gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt công tác. Các yếu tố như giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, thiếu hụt nguồn cung nguyên liệu, Luật số 71/2014/QH13 vẫn ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của toàn Tập đoàn. Bên cạnh đó, việc cân đối nguyên liệu đầu vào, vốn và điều kiện sản xuất, cũng như thị trường tiêu thụ sản phẩm cũng là khó khăn lớn đối với Vinachem. Song với sự chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, kịp thời và có hiệu quả của Tập đoàn ở mọi mặt công tác, Vinachem đã đạt kết quả khả quan trong năm 2021, cụ thể: Giá trị sản xuất công nghiệp tính theo giá thực ước đạt 48.980 tỷ đồng, bằng 116,2% kế hoạch năm, tăng 30,3 so với năm 2020. Trong đó : các đơn vị không thuộc Đề án 1468 ước đạt 38.282 tỷ đồng, bằng 111 so với kế hoạch, tăng 21% so với thực hiện 2020; các đơn vị thuộc Đề án 1468 ước đạt 10.698 tỷ đồng, bằng 139% so với kế hoạch, tăng 79% so với thực hiện 2020. Một số đơn vị có giá trị sản xuất công nghiệp tăng mạnh, gồm: Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình tăng 136,7%; Công ty CP Phân bón và Hóa chất Cần Thơ tăng 87,7%; Công ty CP DAP- Vinachem tăng 74,9%; Công ty CP DAP số 2- Vinachem tăng 61,5%; Công ty CP Phân đạm và HC Hà Bắc tăng 53,8%; Công ty TNHH MTV Apatit Việt Nam tăng 24,2% so với năm 2020.
Doanh thu toàn Tập đoàn ước đạt 51.200 tỷ đồng, bằng 116% kế hoạch năm, tăng 24% so với năm 2020. Trong đó: các đơn vị không thuộc Đề án 1468 ước đạt 40.610 tỷ đồng, bằng 111,8% so với kế hoạch, tăng 15,7%; các đơn vị thuộc Đề án 1468 ước đạt 10.589 tỷ đồng, bằng 136% so với kế hoạch, tăng 74% so với thực hiện 2020. Một số đơn vị có doanh thu tăng mạnh, gồm: Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình tăng 110,9%; Công ty CP Phân bón và Hóa chất Cần Thơ tăng 52,3%; Công ty CP DAP số 2- Vinachem tăng 69,1%; Công ty CP Phân đạm và HC Hà Bắc tăng 53,1%; Công ty CP DAP- Vinachem tăng 55,1%; Công ty CP Phân bón Bình Điền tăng 44% so với năm 2020.
Năm 2021, Vinachem đã thực hiện nộp ngân sách nhà nước đạt 1.668 tỷ đồng. Thu nhập bình quân của người lao động đạt 12,02 triệu đồng/ người/ tháng, tăng 32% so với cùng kỳ năm 2020. Lợi nhuận cộng hợp toàn Tập đoàn đạt 1.726 tỷ đồng. Một số đơn vị có lợi nhuận tăng cao, gồm: Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao tăng gấp 2 lần; Công ty CP Phân bón Miền Nam tăng 12 lần; Công ty CP DAP-Vinachem tăng 6,7 lần; Công ty CP Hóa chất Việt Trì tăng 2 lần so với thực hiện năm 2020.
Trong năm, Tập đoàn đã sản xuất và cung ứng cho thị trường 3,534 triệu tấn phân bón các loại; 3,6 triệu chiếc lốp ô tô; 2,16 triệu kWh ắc quy; gần 253 nghìn tấn chất giặt rửa và nhiều sản phẩm hoá chất phục vụ cho nhu cầu sản xuất và đời sống xã hội. Bên cạnh đó, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 716,8 triệu USD, đạt 147% so với kế hoạch năm. Trong đó tổng giá trị xuất khẩu đạt 404,2 triệu USD, tăng 34% so với năm 2020; nhập khẩu đạt 312,6 triệu USD, tăng 71% so với năm 2020.
Đối với công tác đầu tư xây dựng, giá trị thực hiện trong năm 2021 đạt 388 tỷ đồng, bằng 67,2% kế hoạch đầu tư xây dựng của năm. Trong năm, Tập đoàn đã thực hiện ý kiến chỉ đạo của các cấp thẩm quyền về việc quyết toán các hợp đồng thuộc dự án Khai thác và Chế biến Muối mỏ tại Lào. Hiện Tập đoàn đang phối hợp chặt chẽ với Công ty TNHH Hóa chất và Muối Mỏ Việt Lào làm việc với các Nhà thầu để thực hiện việc quyết toán, thanh lý các hợp đồng, … Bên cạnh đó, Tập đoàn đang tích cực triển khai phương án xử lý dự án theo ý kiến chỉ đạo của cấp có thẩm quyền đối với dự án này. Đối với Dự án xây dựng Nhà máy Lân Văn Điển tại Thanh Hóa (của Công ty CP Phân lân nung chảy Văn Điển): Dự án được cấp có thẩm quyền cho phép giãn tiến độ để thực hiện đánh giá lại hiệu quả làm cơ sở để báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền việc triển khai các bước tiếp theo của dự án. Đối với Dự án đầu tư sản phẩm mới gốc Clo (của Công ty CP Hóa chất Việt Trì): Công ty CP Hóa chất Việt Trì đã hoàn thành công tác phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi, kế hoạch lựa chọn nhà thầu dự án; … Hiện tại, Tập đoàn tiếp tục triển khai thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư một số dự án: Nhà máy Tuyển Bắc Nhạc Sơn (của Công ty TNHH MTV Apatit Việt Nam), Nhà máy Hóa chất Nhơn Trạch (của Công ty CP Hóa chất Cơ bản Miền Nam); Nhà máy Ắc quy An Phước (của Công ty CP Pin Ắc quy Miền Nam); Đầu tư mở rộng Nhà máy sản xuất lốp xe tải Radial nâng công suất lên 1 nghìn lốp/ năm (của Công ty CP Cao su Đà Nẵng).
Mặc dù chịu tác động của dịch Covid-19, song các công ty liên doanh, liên kết của Tập đoàn đạt kết quả sản xuất kinh doanh tăng so với thực hiện năm 2020, cụ thể: Doanh thu của 2 Công ty liên doanh mà Tập đoàn trực tiếp tham gia góp vốn là: 11.852 tỷ đồng, bằng 197% so với cùng kỳ năm 2020. Chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế năm 2021 của 2 công ty lần là: Công ty TNHH Cao su Inoue Việt Nam ước lãi sau thuế đạt 177,2 tỷ đồng, bằng 67% so với cùng kỳ năm 2020; Công ty TNHH TPC Vina ước đạt 476 tỷ đồng, bằng 174% so với cùng kỳ năm 2020. Một số công ty liên kết, có kết quả doanh thu và lợi nhuận như sau: Công ty CP Cao su Sao vàng doanh thu đạt 963 tỷ đồng, giảm 30,4% và lợi nhuận đạt 56,2 tỷ đồng, giảm 41,7% so với thực hiện năm 2020; Công ty CP Bột giặt NET có doanh thu đạt 1.480 tỷ đồng, bằng 100% và lợi nhuận đạt 130 tỷ đồng, giảm 15% so với thực hiện năm 2020; Công ty CP XNK Hóa chất Miền Nam có doanh thu đạt 502 tỷ đồng, giảm 2% và lợi nhuận đạt 1,7 tỷ đồng, tăng 9% so với thực hiện năm 2020.
Trong năm qua, Tập đoàn tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai thực hiện công tác tái cơ cấu Tập đoàn. Theo đó, Tập đoàn đã có văn bản đánh giá tổng thể khả năng thực hiện Đề án Tái cơ cấu Tập đoàn giai đoạn 2017- 2020, định hướng tái cơ cấu Tập đoàn giai đoạn 2021 - 2025. Trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Ủy ban Quản lý Vốn Nhà nước (UBQLVNN), Tập đoàn đã xây dựng, hoàn thiện Đề án Tái cơ cấu Tập đoàn giai đoạn 2021-2025 và báo cáo UBQLVNN. Căn cứ tình hình thực tế và ý kiến chỉ đạo của UBQLVNN, Tập đoàn đang tiếp tục điều chỉnh, hoàn thiện Đề án tái cơ cấu Tập đoàn giai đoạn 2021-2025, báo cáo UBQLVNN xem xét, trình cấp có thẩm quyền; Tập đoàn cũng tiếp tục triển khai các nội dung tại Quyết định số 16/QĐ-TTg ngày 05 tháng 01 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án tái cơ cấu Tập đoàn Hóa chất Việt Nam giai đoạn 2017-2020 đến khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tái cơ cấu Tập đoàn Hóa chất Việt Nam giai đoạn 2021-2025. Trong thực hiện công tác cổ phần hóa, tính đến hết ngày 31/12/2021, các cơ sở nhà, đất của các đơn vị thuộc Tập đoàn đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất là 22 cơ sở; các cơ sở nhà đất tiếp tục thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo Nghị định số 67/2021/NĐ-CP là 127 cơ sở nhà, đất trên địa bàn của 20 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương. Tập đoàn cũng đã khẩn trương triển khai các công việc thoái vốn đầu tư của Tập đoàn tại Công ty CP: Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao; Hóa chất Việt Trì; Vật tư và Xuất nhập khẩu Hóa chất, Tập đoàn Hóa chất Đức Giang theo quy định. Tuy nhiên, kết quả thoái vốn ở một số đơn vị chưa thực hiện được và dự kiến tiếp tục thực hiện trong năm 2022.
Bên cạnh đó, Tập đoàn cũng thực hiện tốt công tác tái cấu trúc quản trị doanh nghiệp. Tập đoàn đã sửa đổi, bổ sung, ban hành mới 14 quy chế, trong đó có một số quy chế quan trọng như: Quy chế kiểm toán nội bộ của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam; Quy chế quản lý công tác sửa chữa tài sản cố định của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam; Quy chế thực hiện dân chủ trong Tập đoàn Hóa chất Việt Nam; Quy chế quản lý đoàn đi nước ngoài và đoàn vào làm việc của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam; Quy chế giải quyết khiếu nại, tố cáo; Quy chế làm việc của Ban chỉ đạo Phòng, chống tiêu cực, tham nhũng; Quy chế quản lý nợ của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam; Quy chế hoạt động của Hội đồng thành viên Tập đoàn Hóa chất Việt Nam.
Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, phòng chống dịch Covid-19 cũng được Tập đoàn quan tâm chú trọng. Trên tinh thần hoàn thành mục tiêu kép, trong thời gian qua Lãnh đạo Tập đoàn đã có nhiều văn bản chỉ đạo các đơn vị triển khai và thực hiện nghiêm túc các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19 của các Bộ, ban, ngành, địa phương,… Những biện pháp như tổ chức sản xuất “ba tại chỗ”, “một cung đường hai điểm đến”... được triển khai tại hầu hết các đơn vị trong vùng dịch. Tính đến nay, Tập đoàn có 13 doanh nghiệp bố trí làm việc “ba tại chỗ”, ước tổng chi phí để thực hiện là hơn 1,5 tỷ đồng/ngày tuy đã làm tăng chi phí nhưng đã giúp doanh nghiệp vừa đảm bảo sức khỏe, an toàn cho người lao động; vừa bảo đảm duy trì sản xuất liên tục, an toàn, duy trì chuỗi cung ứng hàng hóa. Ước chi phí các đơn vị chi để thực hiện “ba tại chỗ” là khoảng 120 tỷ đồng. Tập đoàn đã có hơn 15.000 người lao động của các đơn vị thuộc Tập đoàn được tiêm vaccine mũi 2 phòng chống dịch bệnh Covid-19, điều này giúp ổn định tâm lý cán bộ công nhân viên, yên tâm tổ chức sản xuất cũng như tăng cường hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Tập đoàn cùng các đơn vị đã nỗ lực thực hiện nhiều biện pháp linh hoạt nhằm vừa thực hiện nghiêm túc quy định phòng chống dịch, vừa giảm thiểu ảnh hưởng đến công tác vận chuyển, lưu thông hàng hóa sản phẩm của Tập đoàn trong điều kiện nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội. Tập đoàn đã chỉ đạo các đơn vị chuyên ngành Hóa chất cơ bản, Chất tẩy rửa, Thuốc sát trùng tiếp tục tổ chức và đảm bảo sản xuất các sản phẩm oxy y tế, chất tẩy rửa, sát khuẩn phục vụ cho công tác phòng, chống dịch bệnh. Do sự chỉ đạo quyết liệt của Tập đoàn trong công tác phòng chống dịch Covid-19 nên đến nay, toàn Tập đoàn duy trì việc làm cũng như thu nhập ổn định cho toàn thể cán bộ công nhân viên Tập đoàn.
Công tác kỹ thuật, khoa học công nghệ, an toàn vệ sinh lao động và bảo vệ môi trường luôn được Tập đoàn quan tâm. Trong công tác khoa học công nghệ: Tập đoàn đã tổ chức thành công Hội nghị kết nối nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ giữa Viện Hóa học Công nghiệp Việt Nam và các doanh nghiệp để triển khai các đề tài có tính chất trọng điểm với tính thực tiễn và ứng dụng cao. Về công tác an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ, bảo vệ môi trường: các đơn vị trong Tập đoàn đã chú trọng thực hiện, chấp hành các quy định của pháp luật, của Tập đoàn và của đơn vị, do đó trong năm 2021, các đơn vị đã không để xảy ra vụ cháy nổ nào. Đối với công tác sửa chữa lớn: Tập đoàn thường xuyên bám sát tình hình hoạt động sửa chữa của các đơn vị, đặc biệt là các đơn vị có nhiều khó khăn. Về công tác quản lý định mức tiêu hao: các đơn vị đã chủ động tận dụng cơ hội, duy trì chạy máy cao tải, ổn định đáp ứng nguồn cung và nhu cầu của thị trường.
Việc thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và thực hiện Quy chế mua bán sản phẩm, dịch vụ giữa các đơn vị thành viên thuộc Tập đoàn vẫn được duy trì, trong đó: giá trị mua bán nội bộ đạt 3.248 tỷ đồng, tăng 95% so với năm 2020. Trong đó, tỉ lệ sản lượng mua nội bộ Tập đoàn trên tổng lượng mua đối với khí nitơ, săm lốp các loại, dầu phủ và hóa chất vẫn đạt mức cao là 100%. Một số sản phẩm có tỷ trọng mua nội bộ cao tang mạnh so với năm 2020 là ure tăng 113%, amoniac tăng 95%, DAP tăng 100%.
Song song với các công tác trên, công tác lãnh đạo của Đảng ủy, hoạt động của các tổ chức đoàn thể và công tác thi đua khen thưởng liên tục được phát huy rộng khắp ở tất cả các đơn vị thành viên. Các hoạt động xã hội, từ thiện cũng được Tập đoàn tích cực triển khai với nhiều nội dung có ý nghĩa. Ngoài ra, năm 2021 Tập đoàn cũng tập trung chuẩn bị các nguồn lực tài chính để cân đối đủ vốn cho dự án và cho hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn; cũng như chú trọng bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu phát triển Tập đoàn trong thời kỳ mới.
Tại Hội nghị, đồng chí Hồ Sỹ Hùng – Phó Chủ tịch UBQLVNN đã ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực cố gắng và những kết quả quan trọng của toàn Tập đoàn đã đạt được trong năm vừa qua; đồng chí đã chỉ ra những khó khăn, thách thức và những giải pháp cấp bách trong thời điểm hiện nay; đồng thời đồng chí cũng đưa ra những định hướng phát triển cần thực hiện trong thời gian tới.
Ban lãnh đạo Tập đoàn đã tiếp thu ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo cấp trên. Theo đó, trong năm 2022, Tập đoàn sẽ quyết liệt chỉ đạo và thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra để phấn đấu hoàn thành vượt mức kế hoạch năm 2022.
Nhân dịp này, Ủy ban Quản lý Vốn Nhà nước đã tặng cờ “Đơn vị xuất sắc, dẫn đầu phong trào thi đua năm 2021” cho Tập đoàn Hóa chất Việt Nam và cờ khen thưởng cho 07 đơn vị đạt kết quả tốt trong hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2021. Hội đồng thi đua khen thưởng Tập đoàn Hóa chất Việt Nam đã trao tặng Cờ thi đua của Tập đoàn cho 16 đơn vị đạt thành tích tốt trong hoạt động sản xuất kinh doanh và khen thưởng 05 đơn vị có doanh thu cao, 05 đơn vị có lợi nhuận cao năm 2021.
Tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Huy Thông, Chủ tịch Công đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam đã phát động phong trào thi đua năm 2022 nhằm kêu gọi tập thể cán bộ công nhân viên trong Tập đoàn tích cực sáng tạo, thi đua hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.
Kết luận tại Hội nghị, đồng chí Phùng Quang Hiệp, Tổng giám đốc Tập đoàn nêu rõ các nhiệm vụ cần triển khai trong năm 2022. Theo đó, Công ty mẹ Tập đoàn và các đơn vị thành viên trong Tập đoàn cần triển khai các giải pháp để quyết tâm hoàn thành kế hoạch năm 2022, cụ thể: các ban chuyên môn của Tập đoàn cần: chỉ đạo các đơn vị chủ động, linh hoạt triển khai các giải pháp phòng chống dịch bệnh Covid - 19 cho người lao động, xây dựng các phương án để đảm bảo duy trì quy trình sản xuất và chuỗi cung ứng bền vững trong bối cảnh xã hội đang dần chuyển sang trạng thái bình thường mới, dự trữ nguyên vật liệu và sản phẩm tồn kho hợp lý để luôn giữ vững vai trò đầu ngành trong lĩnh vực hóa chất; tiếp tục thực hiện đề án tái cơ cấu Tập đoàn giai đoạn 2021-2025 làm căn cứ để xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch 5 năm chiến lược phát triển Tập đoàn trong giai đoạn mới; tiếp tục thực hiện đề án tái cơ cấu các đơn vị: Đạm Hà Bắc, Đạm Ninh Bình, DAP số 2 để từng bước tháo gỡ khó khan, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của các đơn vị này; chủ động tích cực trong việc xin ý kiến của các cơ quan quản lý cấp trên để từng bước hoàn thiện và triển khai phương án tái đầu tư của Dự án Muối mỏ tại Lào; triển khai rà soát lại cơ cấu tổ chức tại các đơn vị theo hướng tinh gọn, tận dụng tối đa nguồn nhân lực hiện có, bố trí nhân lực một cách hiệu quả; tổ chức cơ cấu lại Trung tâm Thương mại Dịch vụ Hóa chất để nâng cao vai trò và tầm quan trọng của Trung tâm; tăng cường kiểm tra giám sát công tác an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ, bảo vệ môi trường tại các đơn vị thành viên trong Tập đoàn; đẩy nhanh các tiến độ xử lý kiến nghị của các đơn vị thành viên trong Tập đoàn một cách có trách nhiệm; tiếp tục sửa đổi bổ sung quy trình, quy chế của Tập đoàn cho phù hợp với tình hình thực tế và các quy định của pháp luật hiện hành; tăng cường ứng dụng thông tin trong hoạt động quản lý điều hành của Tập đoàn; từng bước xây dựng và phát triển hệ thống nhận diện thương hiệu của Tập đoàn. Đối với các đơn vị thành viên của Tập đoàn cần khắc phục khó khăn, tận dụng thời cơ để phấn đấu sản xuất hoàn thành mục tiêu kế hoạch năm 2022 đã đề ra; các đơn vị chủ động tích cực thực hiện các giải pháp quản trị theo xu hướng chuyển đổi số, tăng cường liên kết nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển sản phẩm và sử dụng sản phẩm dịch vụ của nhau nhằm khai thác tốt nhất các thế mạnh của các đơn vị để tăng hiệu quả chung của toàn Tập đoàn; …