VINACHEM làm việc với Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng - Bộ Quốc phòng

10:52 SA @ Thứ Tư - 12 Tháng Sáu, 2024

Chiều ngày 11/6/2024, tại trụ sở Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng - Bộ Quốc phòng, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam và Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng đã tổ chức buổi làm việc về khả năng hợp tác giữa các đơn vị, doanh nghiệp hai bên.

Tham dự buổi làm việc, về phía Tập đoàn Hóa chất Việt Nam có đồng chí Phùng Quang Hiệp, Tổng giám đốc; các đồng chí Thành viên HĐTV, Phó Tổng giám đốc, Kiểm soát viên, Trưởng các ban chuyên môn và Tổng giám đốc một số đơn vị thành viên.

Về phía Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng có Trung tướng Hồ Quang Tuấn, Chủ nhiệm Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng; các đồng chí lãnh đạo Tổng cục và lãnh đạo doanh nghiệp quốc phòng.

Tại buổi làm việc, hai bên đã cùng nhau trao đổi về khả năng hợp tác giữa Tập đoàn Hóa chất Việt Nam và Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng. Theo đó, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam là Tập đoàn kinh tế nhà nước, hoạt động trong các ngành nghề kinh doanh chính là sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; hóa chất cơ bản; hóa chất tiêu dùng; công nghiệp hóa chất, hóa dược, hóa dầu; công nghiệp chế biến cao su; công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản và ngành nghề kinh doanh liên quan đến kinh doanh máy móc thiết bị, nguyên liệu phục vụ cho ngành công nghiệp hóa chất; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành công nghiệp hóa chất và các ngành nghề khác theo quy định của pháp luật, với mục tiêu làm nòng cốt ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam phát triển nhanh, bền vững, cạnh tranh và hội nhập kinh tế quốc tế có hiệu quả. Trải qua 55 năm xây dựng và phát triển, Tập đoàn đã góp phần tham gia công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc, đóng góp tích cực vào sự phát triển công nghiệp của đất nước. Tập đoàn đã thực hiện tốt công tác cung ứng các sản phẩm phân bón, gia tăng chuỗi giá trị trong phát triển kinh tế và góp phần bảo vệ an ninh lương thực quốc gia. Bên cạnh đó, nhiều sản phẩm của Tập đòn tham gia xuất khẩu và ngày càng có chỗ đứng vững chắc trên thị trường quốc tế, góp phần vào công cuộc hội nhập kinh tế đất nước.

Hiện tại Tập đoàn có 21 đơn vị thành viên, 11 công ty liên kết, 02 đơn vị sự nghiệp, 02 đơn vị hạch toán phụ thuộc với tổng số cán bộ, người lao động gần 20 nghìn người.

Với năng lực như hiện nay, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam có thế mạnh sản xuất các sản phẩm theo các nhóm như sau:

- Nhóm khai thác và chế biến khoáng sản làm nguyên liệu sản xuất phân bón và hóa chất: Về khai thác, chế biến quặng apatit, Công ty TNHH Apatit Việt Nam được giao khai thác quặng apatit tại các khai trường và cụm khai trường với tổng trữ lượng quặng còn lại khoảng 28 triệu tấn, như vậy có thể thấy để khai thác được số quặng trên, Công ty phải sử dụng khá nhiều vật liệu nổ công nghiệp để phá vỡ đất đá. Về khai thác, chế biến muối mỏ Kali tại Lào, Tập đoàn được Chính phủ Lào cấp phép để khai thác và chế biến muỗi mỏ trên diện tích 10km2 tại huyện Nongnok, tỉnh Khammouane, nước CHDCND Lào. Sau thời gian triển khai, do nhiều yếu tố khách quan, chủ quan, Tập đoàn đã thực hiện dừng, kết thúc các hợp đồng của Dự án. Hiện tại, theo chỉ đạo của Thường trực Chính phủ, Ủy ban Quản lý Vốn nhà nước tại Doanh nghiệp đã lấy ý kiến các Bộ, cơ quan liên quan để báo cáo Chính phủ thông qua nội dung trình Bộ Chính trị: Chấp thuận chủ trương cho phép: Tiếp tục triển khai thực hiện Dự án khai thác và chế biến muối mỏ Kali tại Lào.

- Nhóm sản phẩm phân bón và thuốc bảo vệ thực vật: Về sản phẩm phân bón, Tập đoàn có 10 công ty thành viên tham gia sản xuất phân bón các loại. Hàng năm cung ứng cho thị trường hơn 3 triệu tấn, đáp ứng toàn bộ nhu cầu thị trường góp phần bảo đảm an ninh lương thực quốc gia. Về sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật, hiện tại có 01 doanh nghệp là Công ty cổ phần Thuốc Sát trùng Việt Nam (Vipesco) sản xuất, sản phẩm của vipesco có thương hiệu trên thị trường trong nước, có khả năng cạnh tranh về chất lượng, hiệu quả phòng trừ dịch hại và tạo được uy tín, quen thuốc với nông dân.

- Nhóm chế biến cao su: Trên thị trường xuất khẩu, 02 công ty thành viên của Tập đoàn trong những năm gần đây đã có kết quả xuất khẩu khởi sắc, sản phẩm đã xuất khẩu sang nhiều nước thuộc các châu lục Á, Âu, Phi, Mỹ. Có thể thấy, các mặt hàng của các đơn vị thuộc nhóm ngành cao su đã có vị trí nhất định trên thị trường trong nước nói riêng và nước ngoài nói chung.

- Nhóm sản phẩm hóa chất cơ bản, đây là thế mạnh của Tập đoàn, trong thời gian qua, các đơn vị đã tập trung nghiên cứu giải pháp sản xuất axit sunfuric tinh khiết từ dây chuyền sản xuất axit sunfuric kỹ thuật hiện hữu, ứng dụng sản xuất axit tinh khiết không qua chưng cất, đạt chuẩn chất lượng cho ngành điện tử và ngành ắc quy; nghiên cứu công nghệ điện phân với màng bán thấm để sản xuất xút, ứng dụng xút trong sản xuất chất tẩy rửa.

- Nhóm sản phấm hóa chất phục vụ tiêu dùng: Về sản phẩm bột giặt và chất tẩy rửa lỏng, năng lực sản xuất toàn ngành đạt khoảng 1 triệu tấn/năm, ngoài ra,  một số công ty thành viên tham gia gia công cho các đối tác nuớc ngoài để gia tăng hiệu quả. Về sản phấm pin ẳc quy, các loại pin điện sản xuất trong nước chủ yếu do Tập đoàn sản xuất). Đối với sản phẩm ắc quy, đặc biệt sản phẩm ắc quy cho ô tô tải của các đơn vị thuộc Tập đoàn đang chiếm 40-45% thị phần cả nước và đây cũng chính là mảng đóng góp tỷ trọng doanh thu lớn nhất. Ắc quy ô tô chính là mặt hàng có thế mạnh của Tập đoàn kể cả thị trường nội địa và xuất khẩu. 

- Nhóm sản phấm hóa dược, Viện Hóa học Công nghiệp Việt Nam được giao nhiệm vụ trong việc phát triển ngành Hóa dược (sản xuất nguyên liệu, điều chế và tổng hợp các hợp chất làm nguyên liệu cho dược phẩm). Hiện nay, Viện đã thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển ngành Hóa dược, với nhiều công trình nghiên cứu và đã triển khai sản xuất các hoạt chất dùng làm nguyên liệu trong lĩnh vực hóa dược như: các hoạt chất kháng sinh, tinh chất nghệ Curcumin, chiết xuất từ lá chè xanh catechin và epigallocatechin gallate (EGCG), chiết xuất củ bình vôi rotundin...

Với những lợi thế trên, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam có thể hợp tác với Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng về các lĩnh vực: Tập đoàn sử dụng các loại thuốc nổ, phụ kiện nổ thuộc Tổng cục sản xuất; Cùng phối hợp nghiên cứu hợp tác đầu tư Dự án khai thác và chế biến muối Kali tại Lào; Phối hợp cùng nhau trong việc thiết kế, chế tạo các thiết bị, cụm thiết bị cho các dây chuyền sản xuất; Tập đoàn sẵn sàng cung cấp các sản phẩm hóa chất cơ bản (axit sunphuric, amoniac...) và sử dụng sản phẩm, dịch vụ của các đơn vị thuộc Tổng cục cũng như phối hợp nghiên cứu chế tạo các sản phẩm, chuyển giao công nghệ, đầu tư năng lực sản xuất các loại hóa chất; Tập đoàn có thể cung cấp cấp sản phẩm lốp ô tô, pin ắc quy, chất tẩy rửa, khử trùng cho các đơn vị trong Tổng cục bảo đảm yêu cầu, chất lượng.

Về Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng, Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng có 2 chức năng chính là: Quản lý Nhà nước về CNQP và nghiên cứu, sản xuất, sửa chữa vũ khí trang bị kỹ thuật (VKTBKT) phục vụ quốc phòng, an ninh và sản xuất kinh tế.  Hiện tại Tổng cục có 22 nhà máy, 04 viện nghiên cứu, 01 trường cao đẳng và có đủ năng lực để nghiên cứu, thiết kế, sản xuất, sửa chữa các loại VKTBKT đáp ứng nhu cầu huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của quân đội.

Ngoài sản xuất quốc phòng, các đơn vị trong Tổng cục còn tham gia sản xuất kinh tế với 6 lĩnh vực mũi nhọn gồm: Cơ khí, cơ khí chính xác, luyện kim; Đóng tàu; VLNCN, TCTN, pháo hoa, hoá chất; Điện, điện tử, quang học; Cao su kỹ thuật, nhựa, dệt may; Thương mại và dịch vụ khác. Trong đó, nhiều sản phẩm đã có vị trí vững chắc trên thị trường, tham gia hiệu quả vào chương trình nội địa hoá ngành ô tô, xe máy, máy công nghiệp và các dự án trọng điểm quốc gia. Đặc biệt, một số sản phấm xuất khẩu của Tổng cục đã được thị trường đánh giá cao như: Thuốc nổ, phụ kiện nổ; các gam tàu kinh tế xuất khẩu; cơ khí; cao su kỹ thuật, may mặc...

Tống cục có 9 đơn vị tham gia hoạt động sản xuất, kinh doanh VLNCN, TCTN, pháo hoa, hoá chất gồm: Nhà máy Z113, Z114, Z115, Z121, Z131, Z175, Z195; Tổng Công ty Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp Quốc phòng (GAET) và Viện Thuốc phóng Thuốc nổ (TPTN).

Trong thời gian tới, nhằm hiện thực hóa chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về xây dựng và phát triển Công nghiệp Quốc phòng hiện đại, lưỡng dụng, gắn kết chặt chẽ và trở thành mũi nhọn của Công nghiệp Quốc gia; Tổng cục đã xây dựng Chiến lược phát triển hoạt động VLNCN, TCTN của Tổng cục đến năm 2030 và những năm tiếp theo; trong đó xác định: Phát triển hoạt động VLNCN, TCTN, pháo hoa, hoá chất bền vững, hướng đến tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn; phấn đấu đến năm 2030, trở thành nhà sản xuất, xuất khẩu có thương hiệu mạnh, uy tín trong khu vực và thế giới; Đấy mạnh công tác Khoa học - Công nghệ, đổi mới sáng tạo; đầu tư các dây chuyền sản xuất mới có công nghệ tiên tiến, hiện đại. Chú trọng phát triển các sản phấm lưỡng dụng, thân thiện với môi trường, cỏ lợi thế cạnh tranh, giá trị gia tăng cao, nhiều tiềm năng xuất khấu. Nâng cao năng lực tự chủ nguyên liệu đầu vào, TCTN phục vụ sản xuất; Mở rộng mạng lưới sản xuất, kinh doanh trên cả 3 miền (Bắc, Trung, Nam); đồng bộ với hệ thống kho, logistic, trang thiết bị và phương tiện vận tải; Đầu tư nâng cao năng lực, hướng tới tự chủ sản xuất một số sản phẩm TCTN và hoá chất để phục vụ nhiệm vụ sản xuất quốc phòng và kinh tế.

Như vậy, trong thời gian tới, nhu cầu vật tư phục vụ sản xuất trong Tổng cục Quốc phòng dự kiến sẽ tăng đối với một số sản phẩm như axit sunfuric, amoniac... nên rất cần sự hỗ trợ của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam nhằm giảm phụ thuộc vào nguồn cung nhập khẩu; Tổng cục cung ứng một số sản phẩm, dịch vụ hoạt động sản xuất của Tập đoàn như: Thuốc nổ công nghiệp, dịch vụ nổ mìn, amoni nitrat, Nitroxenlulo, cao su kỹ thuật, các sản phẩm gia công cơ khí, cơ khí chính xác... Phối hợp cùng Tập đoàn nghiên cứu chế tạo các sản phẩm, chuyển giao công nghệ, đầu tư năng lực sản xuất các loại tiền chất nổ, hóa chất; Phối hợp cùng Tập đoàn nghiên cứu khả năng hợp tác đầu tư, triển khai dự án khai thác chế biến muối kali tại Lào.

Kết luận tại buổi làm việc, Tổng giám đốc Phùng Quang Hiệp và Trung tướng Hồ Quang Tuấn đều khẳng định hai bên có tiềm năng, cơ hội để hợp tác toàn diện trên các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh để từ đó giảm phụ thuộc vào nhập khẩu, góp phần phát triển công nghiệp quốc phòng, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc và tham gia phát triển kinh tế xã hội, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đồng thời, hai bên thống nhất giao cho các bộ phận chuyên môn phối hợp, tìm hiểu nhu cầu, khả năng hợp tác sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ mà hai bên có thế mạnh để từ đó hai bên sẽ sớm ký kết biên bản hợp tác đầu tư.

Nhân dịp này, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam và Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng đã trao quà lưu niệm cho nhau: