Vinachem lội ngược dòng

08:00 SA @ Thứ Tư - 27 Tháng Bảy, 2016

Biên lợi nhuận gộp của các công ty hóa chất ở Vinachem luôn duy trì ổn định ở mức khoảng 20%.

Vinashin gây thiệt hại hàng chục ngàn tỉ đồng, buộc doanh nghiệp này phải chuyển đổi từ mô hình tập đoàn nhà nước xuống thành tổng công ty. Vinalines kinh doanh bết bát đến mức phải xin bán nhiều tàu để cứu nguy. Vinafood 2 để xảy ra hàng loạt sai phạm gây thất thoát hàng ngàn tỉ đồng. Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) từng lỗ lớn vì đầu tư ngoài ngành... Trái ngược với các doanh nghiệp này, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) lại là tập đoàn kinh tế nhà nước có hoạt động kinh doanh khá hiệu quả và đồng đều ở các công ty con.

Giống như các tập đoàn nhà nước khác, Vinachem hoạt động trong nhiều lĩnh vực và sở hữu nhiều công ty con, công ty liên kết. Tuy nhiên, điểm nổi bật là hầu hết các công ty con của Vinachem hiện đã cổ phần hóa. Tập đoàn này chỉ cổ phần hóa các công ty làm ăn có lãi. Vì thế, như trường hợp ở Đạm Ninh Bình, Vinachem chưa vội tiến hành dù đã có lịch trình cổ phần hóa cho công ty này.

Sau khi đã cổ phần hóa, Vinachem tìm cách đưa các công ty con lên sàn chứng khoán. 18 công ty con của Vinachem đều có mặt ở sàn TP.HCM, sàn Hà Nội hoặc sàn UpCOM. Chỉ 1 công ty là chưa niêm yết.

Khi muốn thoái vốn, Vinachem đều cân nhắc yếu tố thời điểm và giá cả, sao cho phần vốn đầu tư của Tập đoàn ở các công ty này đạt hiệu quả mong đợi. Điển hình là Vinachem đã thoái vốn thành công khỏi Bicico với giá mua cao hơn 36% giá chào bán. Đối với Công ty Xà phòng Hà Nội, Vinachem kiên nhẫn chờ bán được giá mới chấp nhận dù việc này đã khiến Công ty phải thay đổi kế hoạch 2 lần.

Sắp tới, cùng với Xà phòng Hà Nội, Vinachem lên kế hoạch thoái vốn, bán bớt cổ phần tại 7 công ty khác. Đáng kể nhất là Công ty Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc. Đây là 1 trong 4 công ty con đã thua lỗ năm 2015. Tuy nhiên, theo ông Bùi Thế Chuyên, Phó Tổng Giám đốc Vinachem, cũng như DAP 2-Vinachem, thua lỗ ở Hà Bắc là do có dự án mới đi vào hoạt động từ quý II/2015.

Vinachem lên kế hoạch theo dõi hằng tháng đối với các công ty thua lỗ. Với Đạm Ninh Bình là giám sát tài chính đặc biệt. Còn Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc, DAP 2- Vinachem và Xà phòng Hà Nội là giám sát mức tiêu hao và thúc đẩy sản xuất kinh doanh hiệu quả hơn.

Thực tế, thua lỗ ở các công ty con là điều khó tránh khỏi tại những tập đoàn nhà nước có quy mô đồ sộ. Nhưng so với Vinacomin, PetroVietnam, EVN… số công ty con thua lỗ ở Vinachem không đáng kể. Đặc biệt, nếu nhìn vào các doanh nghiệp ăn nên làm ra tại Vinachem, đó đều là những doanh nghiệp nắm giữ thị phần quan trọng trên thị trường, kinh doanh tăng trưởng, có chỉ số tài chính tốt và được giới đầu tư đánh giá cao.

Điển hình, trong ngành săm lốp, Vinachem nắm giữ cả 3 công ty dẫn đầu về thị phần ở 3 miền đất nước. Lợi nhuận sau thuế của Cao su Miền Nam (CSM), Cao su Đà Nẵng (DRC) và Cao su Sao Vàng (SRC) đều tăng trưởng ổn định. Trong đó, DRC đạt hiệu quả kinh doanh tốt nhất với lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu (ROE) năm 2015 là 25,9%. Công ty này 5 năm liên tiếp nằm trong danh sách “50 công ty kinh doanh hiệu quả nhất Việt Nam” do NCĐT bình chọn.

Ở ngành pin ắc quy, Pinaco là doanh nghiệp hàng đầu, có lợi thế từ hệ thống và thị phần phân phối lớn, với các khách hàng chính như Thaco Trường Hải, Ford…Trong ngành chất tẩy rửa, những công ty con của Vinachem như NET, LIX đều quen thuộc với người tiêu dùng. Tuy các công ty này không đủ lực để đối đầu với đối thủ nặng ký như Unilever, P&G nhưng NET, LIX vẫn là những công ty nội địa dẫn đầu và có chiến lược riêng để duy trì đà tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận hằng năm.Ở ngành hóa chất, 4/5 công ty sản xuất phân lân của Việt Nam đều thuộc Vinachem. Trong đó, Công ty Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao (LAS) nổi bật hơn hết nhờ dẫn đầu ngành phân lân và phân NPK, với thị phần chi phối tại thị trường miền Bắc. Các công ty như Phân lân Văn Điển, Phân lân Ninh Bình, Phân bón Miền Nam cũng là những nhà sản xuất phân lân lâu năm, đã xây dựng được thương hiệu tương đối vững chắc. Biên lợi nhuận gộp của các công ty hóa chất ở Vinachem cũng luôn được duy trì ổn định ở mức khoảng 20%.

Có thể thấy, bức tranh kinh doanh của nhiều công ty con thuộc Vinachem đều tươi sáng. Vì thế, các công ty này cũng là những đơn vị thường xuyên chia cổ tức với tỉ lệ cao hơn so với lãi suất ngân hàng. Chẳng hạn, mức cổ tức bằng tiền mà LAS đã trả trong 3 năm qua không dưới 30% vốn điều lệ, giúp Vinachem ghi nhận hàng trăm tỉ đồng mỗi năm từ cổ tức được chia.

Trong bức tranh đó, phần lớn cổ phiếu của các công ty con thuộc Vinachem đều được định giá tốt và được giới đầu tư lùng mua. Thị trường mong chờ, Vinachem sẽ rút dần ảnh hưởng khỏi các công ty con để nhà đầu tư có thể tham gia sâu hơn. Nhưng Vinachem chưa có vẻ gì là muốn thoái vốn khỏi những “con gà đẻ trứng vàng”. Trong chưa đến 10 doanh nghiệp mà Tập đoàn thoái vốn giai đoạn 2011-2016, 2/3 không thuộc các công ty niêm yết.

Người ta luôn thấy dấu ấn của Vinachem trong các công ty con. Đó là khả năng sâu sát khi cùng tham gia hoạch định chiến lược tại các công ty này. Nhờ vậy, không có sự giẫm đạp về mặt thị trường, thị phần hay cạnh tranh đối đầu, như 3 công ty ngành săm lốp là ví dụ điển hình. Vinachem cũng thúc đẩy các công ty con mở rộng xuất khẩu, với giá trị xuất khẩu gộp chung tại các công ty con luôn tăng qua các năm.

Vai trò của Vinachem tại các công ty con còn thể hiện qua việc hỗ trợ nguyên vật liệu đầu vào. Lấy ví dụ, hầu hết các công ty con sản xuất phân lân của Vinachem đều hưởng lợi từ nguồn apatit giá thấp và ổn định do một công ty con khác của Tập đoàn cung cấp.

Vinachem còn dùng uy tín, vị thế của mình để giúp các công ty con tiếp cận nguồn vốn giá rẻ. Mức lãi vay mà các công ty con thuộc Tập đoàn phải trả cho ngân hàng thường thấp so với mặt bằng lãi suất chung. Ngoài ra, Vinachem tìm cách huy động để hỗ trợ các công ty con. Tổng vốn đầu tư năm nay của Vinachem dự kiến xấp xỉ 4.000 tỉ đồng, tăng 41,1% và dự kiến sẽ đến chủ yếu từ nguồn tín dụng nhà nước cũng như vay thương mại.

Vinachem cũng rất coi trọng yếu tố quản trị. Mỗi quý, Tập đoàn đều có báo cáo tình hình tái cơ cấu doanh nghiệp. Hay Vinachem duy trì hội nghị các đại diện vốn của Tập đoàn ở những công ty mà mình đầu tư, qua đó đánh giá tư cách, năng lực của các đại diện này. Trên thực tế, những điểm sáng ở Vinachem có dấu ấn của ông Nguyễn Anh Dũng. Ngoài giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng thành viên ở Vinachem, ông Dũng còn là Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.

Có lẽ ít tập đoàn nhà nước nào thể hiện vai trò tích cực và hỗ trợ đà phát triển cho các công ty con như Vinachem.



Nguồn: