Vinachem trong dòng chảy Cách mạng Công nghiệp 4.0

05:15 CH @ Thứ Sáu - 31 Tháng Năm, 2019

Để đón bắt cơ hội thì tính sẵn sàng của các doanh nghiệp trong tiếp cận với công nghiệp 4.0 phải được chuẩn bị đầy đủ cả về mặt nhận thức, nguồn nhân lực có chất lượng, cũng như cơ sở hạ tầng và ứng dụng công nghệ thông tin.

Chúng tôi có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Phú Cường, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) cho biết: “Đối với các doanh nghiệp của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, cần đẩy mạnh việc tăng cường nâng cao nhận thức, đánh giá thấu đáo và đầy đủ về cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 và về những tác động, những cơ hội mà cuộc cách mạng này có thể mang lại đối với ngành công nghiệp hóa chất…”.

Nhận định của TS. Nguyễn Phú Cường cho thấy, về mặt tiềm năng, đối với ngành công nghiệp hóa chất, các công nghệ tiên tiến như mạng kết nối vạn vật, sản xuất vật liệu, phụ gia tiên tiến, các phép phân tích và thống kê dữ liệu máy tính hiện đại, trí tuệ nhân tạo, và công nghệ người máy… đã đạt đến trình độ có thể cho phép ứng dụng rộng rãi. Song để đón bắt được “những cơ hội mà cuộc cách mạng này có thể mang lại đối với ngành công nghiệp hóa chất…” như TS. Nguyễn Phú Cường đã chỉ ra, thì tính sẵn sàng của các doanh nghiệp trong tiếp cận với công nghiệp 4.0 phải được chuẩn bị đầy đủ cả về mặt nhận thức, nguồn nhân lực có chất lượng cũng như cơ sở hạ tầng và ứng dụng công nghệ thông tin.

Trên thực tế, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp trong Tập đoàn đã tăng tốc tiếp nhận chuyển giao công nghệ, thiết bị mới, từng bước tiếp cận, khai thác có hiệu quả các công nghệ đặc trưng của công nghiệp 4.0, đáp ứng được yêu cầu đòi hỏi ngày càng cao của khách hàng. Công ty CP Bột giặt Lix thông qua các đối tác chiến lược mà đội ngũ kỹ thuật của mình có được những cơ hội thăm quan các nhà máy hiện đại tại Thailand, Indonesia, Trung Quốc, Nhật Bản, giúp cho Lix nhìn nhận được tổng thể hiện trạng công nghệ sản xuất tại Lix một cách chính xác, từ đó đưa ra các giải pháp đầu tư kịp thời. Lix đã đầu tư trang thiết bị máy móc phòng thí nghiệm đầy đủ, có khả năng đánh giá được hiệu quả tẩy rửa của các công thức trên các nền mô phỏng vết bẩn khác nhau và bề mặt khác nhau. Trong những năm tới, Công ty dự định đầu tư hàng loạt các hạng mục: băng tải chuyển bột tự động vào máy đóng gói; cánh tay robot vào thùng; dán thùng tự động; và cân nhắc 1-2 line chủ lực đầu tư robot xếp thùng lên pallet…

Công ty CP Cao su Đà Nẵng đầu tư nhiều dây chuyền sản xuất hiện đại hướng tới xây dựng “nhà máy thông minh”, nâng cao khả năng quản lý và kiểm soát quy trình sản xuất, tiêu biểu là Dây chuyền luyện kín công suất 270 lít, cung cấp cao su bán thành phẩm với chất lượng ổn định; Hệ thống ép đùn mặt lốp; Hệ thống máy thành hình lốp ô tô; Hệ thống máy lưu hoá lốp ô tô, tự động vào ra lốp và kiểm soát thời gian lưu hoá... Các dây chuyền sản xuất này là sự kết hợp giữa công nghệ thông tin và công nghệ vận hành.

Tuy nhiên, nhìn trên tổng thể, tính sẵn sàng của các doanh nghiệp thuộc Vinachem trong trong tiếp cận với công nghiệp 4.0 mới chỉ tập trung ở những doanh nghiệp dẫn đầu. Vì thế, để tạo bước chuyển biến căn bản các doanh nghiệp trong Tập đoàn theo hướng chỉ đạo của Chủ tịch HĐTV Nguyễn Phú Cường: “Xác định và nhận biết những đặc trưng của nền sản xuất trong tương lai, những yêu cầu phải đáp ứng nhằm tránh tụt hậu…”, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam đã đưa ra một số giải pháp chính. Cụ thể:

1. Tăng cường phổ biến, tuyên truyền về CMCN4.0: Cập nhật các thông tin về CMCN4.0 liên quan tới ngành giúp xây dựng định hướng và kế hoạch kịp thời, phù hợp với yêu cầu thực tế.

2. Bắt đầu ngay với nhận thức và khả năng hiện tại: Nỗ lực sử dụng năng lực hiện có để tiếp nhận các thay đổi trong các quy trình sản xuất, các sản phẩm hóa chất và các hoạt động của chuỗi cung ứng, đồng thời tích cực chuẩn bị để dần chuyển dịch sang các ứng dụng mới, phức tạp và tiên tiến hơn.

3. Tập trung xây dựng đội ngũ đa ngành/chức năng: Các năng lực cần thiết phục vụ phát triển ngành hiện có thể phân tán tại các lĩnh vực/chức năng sản xuất kinh doanh khác nhau. Do đó, cần tạo ra một đội ngũ đa ngành/chức năng nhằm tập trung vào việc vận dụng các cơ hội của CMCN4.0.

4. Xây dựng và hợp tác phát triển năng lực: Cần xây dựng và phát triển hệ thống năng lực đa dạng đáp ứng yêu cầu của các cơ sở hạ tầng dữ liệu lớn, các yêu cầu về năng lực quản lý, tích hợp, thẩm định và phân tích để có thể triển khai các ứng dụng của CMCN4.0. Điều này đòi hỏi các công ty hóa chất phải hợp tác với các nhà cung cấp công nghệ, các nhà cung cấp dịch vụ phân tích/dự báo và các trường đại học để thực hiện các hoạt động phù hợp.

5. Quản lý nguy cơ trong không gian mạng: Trước yêu cầu thực tế phải tương tác kết nối với các đối tác, cần tập trung xây dựng năng lực và thực hiện/triển khai các chính sách, công nghệ bảo mật và quản lý rủi ro.

6. Kêu gọi hỗ trợ quốc tế và/hoặc hợp tác đầu tư: Tận dụng khả năng hỗ trợ quốc tế và/hoặc hợp tác với các đối tác có trình độ cao trên thế giới tạo điều kiện chia sẻ/học hỏi và nắm bắt kiến thức/kinh nghiệm qua đó nhanh chóng tiếp cận và bắt kịp nhịp độ phát triển của CMCN 4.0.

Các giải pháp nói trên hướng tới mục tiêu bao quát là nâng cao khả năng tích hợp các quy trình sản xuất quan trọng, các quy tắc tiếp thị cốt lõi của doanh nghiệp nhằm chuyển dịch hoạt động và tạo khả năng vận hành các chuỗi cung ứng, các nhà máy thông minh cũng như các mô hình kinh doanh mới, đủ sức cạnh tranh trong dòng chảy của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0.

Nguồn: