"/>"/>

Ảm đạm thị trường phân bón

04:16 CH @ Thứ Tư - 04 Tháng Giêng, 2012

Đang là thời điểm xuống giống chính vụ lúa Đông Xuân ở ĐBSCL, nhưng giá phân bón ở ĐBSCL cũng như nhiều khu vực khác đang tiếp tục giảm, giao dịch thiếu phần sôi động.

Theo Cục Trồng trọt, đến hết tháng 12-2012, nông dân ĐBSCL đã xuống giống được trên 1,1 triệu ha lúa Đông Xuân. Như vậy, vẫn còn trên 400 ngàn ha cần phải xuống giống, do đó, nhu cầu phân bón hãy còn khá lớn. Thế nhưng giá phân bón lại đang có xu hướng giảm liên tiếp trong mấy tuần qua. Ở Tiền Giang, vào những ngày cuối tháng 12-2011, giá urê Phú Mỹ chỉ còn 500.000 đ/bao (giảm 30.000 đ/bao so với hồi đầu tháng 12), urê Trung Quốc còn 470.000 đ/bao (giảm 20.000 đ/bao). Phân DAP các loại tiếp tục giảm nhẹ từ 5.000-10.000 đ/bao, xuống còn 880.000 đ/bao (DAP Philippines) và 660.000 đ/bao (DAP Trung Quốc). Theo Sở NN-PTNT Long An, trong tuần cuối của tháng 12, giá phân urê trên địa bàn tỉnh này chỉ còn từ 9.600-10.700 đ/kg, DAP các loại từ 15.000-18.000 đ/kg...

Giá phân bón đồng loạt giảm vào giữa vụ Đông Xuân, trước hết là do năm 2011, ĐBSCL có trận lũ lớn nhất trong vòng 10 năm qua. Lũ lớn gây nhiều thiệt hại, nhưng lại cung cấp cho ĐBSCL một lượng phù sa khổng lồ, thành ra nhu cầu sử dụng phân bón trên đồng ruộng giảm mạnh so với vụ trước.

Trong khi đó, lượng phân bón cung ứng của cả nước trong năm 2011 lại khá lớn. Ngày 13-12-2011, tại Hội nghị "Về bỏ bao cấp, ưu đãi, bình đẳng, bình ổn trong ngành phân bón Việt Nam”, ông Nguyễn Hạc Thúy, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho biết, nhu cầu phân bón cả nước năm 2011 là 9,27 triệu tấn, trong đó, sản xuất trong nước khoảng 5,64 triệu tấn và nhập khẩu 3,63 triệu tấn là đủ. Thế nhưng, theo số liệu ước tính mới nhất từ Tổng cục Thống kê, nhập khẩu phân bón của Việt Nam cả năm 2011 ước đạt 4,2 triệu tấn, tăng 20% về lượng so với nhập khẩu cả năm 2010, đã đẩy ngành phân bón vào tình trạng cung đang vượt quá xa so với cầu.

Không chỉ đụng phải "nội” công là cung vượt cầu, ngành phân bón còn đang phải chịu "ngoại kích” là giá nhiều loại phân bón đang giảm mạnh trên thị trường thế giới. Tại Biển Baltic, giá phân DAP hiện còn 575-595 USD/tấn (FOB), giảm khoảng 35-50 USD/tấn so với hồi giữa tháng 12. Tại Ả rập Xê út, phân DAP giảm 30 USD/tấn xuống còn 625-630 USD/tấn (FOB). Dù giá giảm, nhưng thị trường DAP thế giới vẫn rất trầm lắng, giao dịch ít ỏi.

Một loại phân bón quan trọng khác là urê cũng ở trong tình cảnh tương tự. Tại Nga, một trong những nước sản xuất urê hàng đầu thế giới, giá urê đã giảm xuống dưới 300 USD/tấn (FOB) lần đầu tiên kể từ tháng 9-2010. Giá urê hạt trong của Trung Quốc vào ngày
23-12-2011 chỉ còn 410- 420 USD/tấn, giảm tới 80-88 USD/tấn so với ngày 10-12-2011... Theo nhận định của các chuyên gia phân bón quốc tế, giá urê trên thị trường thế giới còn có khả năng giảm nữa vì hiện chưa có dấu hiệu cho thấy thị trường sẽ tìm thấy một mức giá sàn.

Do giá phân bón giảm mạnh, nên nhiều doanh nghiệp nhập khẩu phân bón đang phải chịu thua lỗ khá nặng nề, bởi đã tiến hành nhập khẩu một lượng phân bón không nhỏ khi giá đang cao. Tuy nhiên, giá phân bón giảm lại đang giúp cho người nông dân dễ thở hơn, nhất là khi giá lúa gạo hàng hóa cũng đang sụt giảm ở ĐBSCL, và khả năng giá lúa hàng hóa vụ Đông Xuân 2011-2012 (sẽ bắt đầu thu hoạch từ cuối tháng 2 tới) sẽ không còn cao như trong năm 2011.
Theo Bộ NN-PTNT, trong năm 2012, nhu cầu phân bón của cả nước là 9,8 triệu tấn (phân NPK 3,5 triệu tấn, urê 2 triệu tấn, phân lân các loại 1,8 triệu tấn, phân kali 920.000 tấn, DAP 950.000 tấn, phân SA 710.000 tấn). Do năng lực sản xuất phân bón trong năm nay sẽ tăng lên 7,25 triệu tấn (tăng 1,61 triệu tấn so năm 2011), nên lượng phân bón cần phải nhập khẩu chỉ còn khoảng 1,55 triệu tấn (giảm hơn 1 nửa so với năm ngoái). Đặc biệt, cũng từ năm 2012, nhờ một số nhà máy lớn đi vào hoạt động như Nhà máy đạm Cà Mau (công suất 800.000 tấn/năm), Nhà máy đạm Ninh Bình (công suất 560.000 tấn/năm)... nên sản lượng u rê trong nước không những lần đầu tiên đáp ứng đủ nhu cầu trong nước mà nhiều khả năng còn có dư để xuất khẩu.

Nguồn: