ác nhà cung cấp phân bón Trung Quốc đang đẩy mạnh sản xuất nhằm đảm bảo nguồn cung trong bối cảnh nhu cầu bùng nổ trước vụ xuân trước mắt.
Động thái trên của Trung Quốc được tiến hành giữa lưc nguồn cung phân bón vẫn đang thắt chặt trên thị trường toàn cầu, xuất phát từ cuộc khủng hoảng năng lượng tại liên minh châu Âu (EU) và căng thẳng gia tăng tại Ukraine.
Theo nhận định của các chuyên gia, chi phí khí đốt tự nhiên vẫn đang tiếp tục tăng cao trong năm nay, dẫn đến hoạt động sản xuất phân bón ở các nước EU giảm mạnh, nguồn cung thiếu hụt và giá cả tăng vọt.
Tổ chức Nông lương Liên Hợp quốc (FAO) gần đây cho biết, khi căng thẳng giữa Nga và Ukraine gia tăng, có thể dẫn đến sự thiếu hụt nguồn cung phân bón trên quy mô toàn cầu.
Một quan chức của tập đoàn phân bón lớn có trụ sở tại tỉnh Sơn Đông, miền Đông Trung Quốc đâu tuần này cho biết: “Hiện loại phân bón thiếu hụt lớn nhất trên thế giới là phân bón hóa học tinh khiết NPK, do loại phân bón này tiêu tốn rất nhiều năng lượng trong quá trình sản xuất”. Vị này đồng thời tiết lộ, hoạt động sản xuất của công ty chủ yếu tập trung vào phân bón hữu cơ, và lượng xuất khẩu đã tăng vọt trong những ngày gần đây, do nhu cầu tăng cao.
Một công ty phân bón khác cũng đóng tại Sơn Đông cho biết đang tăng cường sản xuất vì các đơn mua hàng bùng nổ, đặc biệt là từ sau Tết Nguyên đán, khi nông dân chuẩn bị cho vụ xuống giống vào tháng 3 và tháng 4.
Theo báo cáo của các phương tiện truyền thông, tính đến thời điểm hiện tại, hơn 90% năng lực sản xuất của thị phần phân bón kali toàn cầu đang tập trung ở bảy quốc gia, bao gồm Canada, Nga, Belarus, Đức và Trung Quốc.
Các chuyên gia cho biết, trong khi Trung Quốc là quốc gia sản xuất và xuất khẩu phân bón lớn, tuy nhiên nguồn cung phân bón lại khác nhau về chủng loại. Cụ thể, nguồn cung phân đạm tương đối đủ, do năng lực sản xuất cao ở Trung Quốc, trong khi một loại phân bón chính khác là kali lại phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu, hiện đang đối mặt với tình trạng ngày càng khan hiếm.
Theo Hiệp hội Công nghiệp Phân bón Trung Quốc, một đoàn đàm phán nhập khẩu phân bón kali của nước này bao gồm một số công ty phân bón lớn như Sinochem và Canpotex có trụ sở tại Canada gần đây đã đạt được thỏa thuận về hợp đồng nhập khẩu phân kali năm 2022.
Giá hợp đồng được chốt ở mức 590 USD/ tấn CFR (tiền hàng và cước phí), đạt mức cao nhất trong năm năm và tăng 139% so với cùng kỳ năm ngoái. Các chuyên gia cho rằng, nguyên nhân chính khiến hợp đồng mua phân kali tăng là do giá phân kali trên thị trường thế giới tăng.
Những người tham gia thị trường kỳ vọng rằng, nhu cầu phân bón cho sản xuất cây trồng ở các nước phát triển sẽ vẫn ở mức cao trong năm nay, và có khả năng dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguồn cung phân bón ở các nền kinh tế mới nổi cũng như các nước đang phát triển.
Theo ông Wang Liqing, Tổng thư ký Hiệp hội Công nghiệp Phân bón nitơ Trung Quốc, hiện nước này đang tập trung vào việc đảm bảo nguồn cung trong nước nhằm đảm bảo nhu cầu sản xuất cho vụ xuân sắp tới. Ông Wang dự báo, tình hình khan hiếm có thể kéo dài thêm một thời gian nữa.
Hồi tháng 8 năm ngoái, Tổng cục Quản lý thị trường Trung Quốc (SAMR) đã lập một “danh sách đen” các doanh nghiệp phân bón bị nghi ngờ có hành vi làm giá để trục lợi, sau khi giá một số loại phân bón, như phân kali tăng mạnh trong bối cảnh thị trường thiếu hụt nghiêm trọng, đẩy giá phân kali lên khoảng 3.647 nhân dân tệ (564,6 USD)/ tấn, tăng 91,05% so với cùng kỳ năm trước và là mức cao nhất kể từ năm 2013.
Ngoài ra chính phủ Trung Quốc đã thực hiện một loạt các giải pháp để đối phó với biến động giá cả. Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia (NDRC) cũng tổ chức các cuộc thảo luận với các công ty phân bón chủ chốt, yêu cầu họ hoạt động kinh doanh đúng luật. Các công ty cũng cam kết tạm dừng xuất khẩu phân bón để đảm bảo nguồn cung trong nước. |