Các dòng thương mại phân bón trên thế giới đã thay đổi như thế nào sau khi xảy ra chiến tranh Nga-Ucraina?

02:47 CH @ Thứ Ba - 04 Tháng Sáu, 2024

Chiến sự Nga-Ukraina khởi đầu vào tháng 2/2022 đã gây ra một cơn sốc cho thị trường phân bón toàn cầu. Toàn bộ hoạt động thương mại đối với vật tư nông nghiệp trong khu vực chiến sự đã bị ngắt quãng một thời gian dài, chính phủ nhiều nước trên thế giới đã áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế lên những quốc gia sản xuất phân bón hàng đầu là Nga và Belarut. Giá phân bón tăng mạnh, dẫn đến những lo ngại về tác động lan rộng lên sản xuất nông nghiệp trên thế giới. Từ đó đến nay, giá phân bón đã giảm trở lại từ những mức cao ban đầu, các tuyến đường thương mại và phương thức thương mại mới đã xuất hiện.

Dữ liệu thương mại các năm 2021-2023 cho thấy Nga đã tăng xuất khẩu tất cả các loại phân bón chính, ngoại trừ amoniăc khan. Năm 2023, xuất khẩu phân kali, urê và DAP của Nga đều tăng so với năm 2021. Thị phần của Belarut trên thị trường phân lân toàn cầu đã giảm, nhưng xuất khẩu phân kali của nước này sang Trung Quốc tăng mạnh. Đáng chú ý là xuất khẩu phân lân của Trung Quốc đã hồi phục trong năm 2023 sau khi giảm mạnh trong năm 2021.

Phân kali

Năm 2023, thị phần của Nga trên thị trường xuất khẩu phân kali thế giới đã tăng lên 20%, trong khi đó thị phần của Belarut giảm một nửa. Canađa vẫn là quốc gia xuất khẩu phân kali lớn nhất thế giới, nhưng thị phần xuất khẩu của nước này đã giảm xuống 42% trong năm 2023 (sau khi tăng trong năm 2022). Tổng thị phần xuất khẩu của tất cả các quốc gia khác còn lại đã tăng từ 20% trong năm 2021 lên 29% trong năm 2023.

Ở các nước nhập khẩu phân kali hàng đầu từ Nga, thị phần nhập khẩu phân kali của Nga tại Braxin đã tăng nhẹ từ 27% năm 2021 lên 29% năm 2023, trong khi đó duy trì ở mức 9% tại Mỹ và giảm từ 29% năm 2021 xuống 26% năm 2023 tại Trung Quốc. Tuy nhiên, đáng chú ý là thị phần nhập khẩu phân kali của Nga trên thị trường Ấn Độ đã tăng mạnh từ 4,4% năm 2021 lên 29% năm 2023.

Mặt khác, thị phần của Belarut trên các thị trường nhập khẩu phân kali đã giảm do các biện pháp trừng phạt của EU và do mất khả năng tiếp cận tuyến đường thương mại truyền thống qua cảng Klaipeda ở Litva. Thị phần của Belarut trên thị trường nhập khẩu phân kali tại Braxin đã giảm từ 18% năm 2021 xuống chỉ còn 8% năm 2023, Belarut cũng mất đi 5% thị phần nhập khẩu phân kali tại Mỹ và mất đi 31% thị phần tại Ấn Độ. Mặc dù vậy, nhờ tuyến vận chuyển quá cảnh qua Nga nên Belarut đã có thể tiếp tục xuất khẩu phân kali. Belarut đã tăng thị phần nhập khẩu phân kali trên thị trường Trung Quốc từ 22% năm 2021 lên 29% năm 2023, đây là mức tăng đáng kể vì Trung Quốc đã tăng hơn 30% lượng nhập khẩu phân kali so với năm 2021. Tuyến vận chuyển đường sắt qua Nga đã giúp Belarut đạt được sự gia tăng xuất khẩu này.
Trong thời gian 2021-2023, một quốc gia xuất khẩu phân kali quy mô lớn khác là Canađa đã tăng thị phần trên thị trường nhập khẩu phân kali tại Braxin từ 32% lên 36%, đồng thời tăng thị phần tại thị trường Mỹ từ 80% lên 88% và tại thị trường Ấn Độ từ 23% lên 35%. Tuy nhiên, thị phần của Canađa tại thị trường nhập khẩu phân kali của Trung Quốc đã giảm từ 28% xuống 17%.
Các nước còn lại trên thế giới đã tăng tổng thị phần trên thị trường nhập khẩu phân kali của Braxin từ 32% lên 36%, tăng tổng thị phần trên thị trường Trung Quốc từ 21% lên 29%, nhưng giảm tổng thị phần trên thị trường Ấn Độ từ 42% xuống 36%. Tổng thị phần của các nước này trên thị trường nhập khẩu phân kali của Mỹ cũng đã tăng nhẹ trong năm 2023.  

Phân lân

Năm 2023, thị phần của các quốc gia sản xuất phân lân hàng đầu thế giới (Marốc, Trung Quốc, Nga, Mỹ) không thay đổi nhiều so với năm 2021.

Nhưng đáng chú ý là thị phần của Nga đã tăng 3% so với năm 2021 nhờ xuất khẩu DAP tăng 70.000 tấn. Thị phần của Nga trên thị trường nhập khẩu DAP của Ấn Độ đã tăng từ 2% năm 2021 lên 10% năm 2023, nhưng giảm nhẹ từ 29% năm 2021 xuống 26% năm 2023 trên thị trường EU (mặc dù phân bón được miễn áp dụng các biện pháp trừng phạt).

Trong khi đó, xuất khẩu DAP của Trung Quốc năm 2023 đã tăng so với năm 2022 nhưng vẫn thấp hơn mức cao của năm 2021. Sau khi nới lỏng các yêu cầu về hạn chế xuất khẩu trong năm 2023, thị phần của Trung Quốc trên thị trường nhập khẩu DAP tại Braxin năm 2023 đã tăng lên 20% so với 14% năm 2022, nhưng vẫn thấp hơn mức 27% trong năm 2021. Trung Quốc cũng đã tăng mạnh thị phần của mình trên thị trường nhập khẩu DAP của Ấn Độ, đạt mức 39% năm 2023 so với 19% năm 2022, vượt mức cao 37% năm 2021.

Thị phần của Marốc trên thị trường thương mại phân lân thế giới đã tăng 4% so với năm 2021. Mặc dù thị phần của Marốc trên thị trường nhập khẩu phân lân tại Ấn Độ đã giảm từ 21 % xuống 13%, nhưng bù lại đã tăng 2% trên thị trường EU và tăng 5% trên thị trường Braxin.

Phân đạm

Thị trường thương mại phân đạm toàn cầu là thị trường duy nhất mà thị phần của Nga đã giảm, từ 16% năm 2021 xuống 12% năm 2023.

Mặc dù Nga đã tăng xuất khẩu urê trong năm 2023 bằng cách chuyển hướng tuyến vận chuyển từ các cảng của mình ở Biển Đen và Biển Baltic, nhưng đã không bù lại được việc giảm mạnh xuất khẩu amoniăc khan. Trong lịch sử, Nga là quốc gia xuất khẩu amoniăc khan lớn nhất thế giới, nhưng xuất khẩu loại phân bón này đã không hồi phục trong năm 2023, trái lại còn giảm gần 3 triệu tấn so với năm 2021. Nguyên nhân là việc đóng đường ống dẫn amoniăc Togliatti-Yuzhny đi qua Ukraina đến cảng Odesa - đây là tuyến đường thương mại chính đối với amoniăc khan của Nga trước khi xảy ra chiến tranh.

Trong khi đó, xuất khẩu urê từ Ai Cập, Nigiêria và Mỹ trong năm 2023 đã tăng gần 50% so với năm 2021.

Sau khi tuyên bố sẽ ngừng bán giảm giá phân bón và sẽ bán ra với giá thị trường, thị phần của Nga trên thị trường phân bón toàn cầu có thể sẽ giảm. Tuy nhiên, một cảng vận chuyển amoniăc đang được xây dựng ở Biển Đen (miền Nam Nga) có thể phục vụ như tuyến đường thay thế từ năm 2024, nhờ đó thúc đẩy hoạt động xuất khẩu amoniăc và dẫn đến sự gia tăng xuất khẩu các sản phẩm phân đạm nói chung.

Cầu đường sắt đang xây dựng, kết nối thành phố Nizhnehleninskoye ở vùng viễn đông của Nga với thành phố Đồng Giang (Trung Quốc), có thể giúp duy trì hoặc tăng xuất khẩu phân kali từ Belarut đến Trung Quốc, nhưng chi phí vận chuyển quá cảnh đường sắt sẽ cao, trong khi đó các công ty Nga cũng muốn tăng thị phần của mình trên thị trường nhập khẩu phân kali của Trung Quốc.

Tuy năm 2023 Trung Quốc đã tăng nhập khẩu phân đạm và phân lân so với năm 2021, nhưng lệnh cấm xuất khẩu urê mới công bố tháng 12/2023 (có hiệu lực tối thiểu đến tháng 4/2024) và quota xuất khẩu mới đối với phân lân có thể sẽ đảo ngược xu hướng đó.

Nhìn chung, ngoài những quốc gia sản xuất và xuất khẩu phân bón hàng đầu thế giới (Canađa, Nga, Belarut, Mỹ, Marốc, Trung Quốc), một số quốc gia sản xuất phân bón khác cũng đã tăng thị phần của mình trên thị trường phân N, P, K toàn cầu. Nếu các quốc gia sản xuất phân bón tương đối nhỏ (như Nigiêria, Ai Cập, Gioocđani, Ixraen) có thể duy trì xu hướng gia tăng thị phần, nguồn cung phân bón trên thế giới sẽ trở nên đa dạng hơn.

Nhưng do chi phí cao đối với việc khai thác quặng và xây dựng nhà máy cũng như do giá phân bón đã giảm thấp hơn trước nên việc đưa vào vận hành những dây chuyền sản xuất mới sẽ rất khó khăn. Trong khi đó, quặng phốtphat và quặng kali lại tập trung ở một số khu vực địa lý nhất định, hạn chế khả năng đa dạng hóa nguồn cung. Trong sản xuất phân đạm, mặc dù có nhiều quốc gia tham gia nhưng tính cạnh tranh của sản phẩm lại bị hạn chế vì giá khí thiên nhiên dao động mạnh giữa các khu vực khác nhau.

Sang năm 2024, giá phân bón đã thấp hơn đáng kể so với các năm 2022 và 2023, nhưng một số ít nước sản xuất quy mô lớn vẫn sẽ tiếp tục chi phối dòng xuất khẩu toàn cầu, khiến cho các nước nhập khẩu dễ bị tổn thương trước các cú sốc trong tương lai.

Chiến tranh Ixraen-Hamas và những căng thẳng mới đây ở vùng Trung Đông có thể gây ra những cú sốc sắp tới trong thương mại phân bón toàn cầu. Trên thực tế, đã xảy ra những cuộc tấn công tàu chở hàng đi qua Biển Đỏ - tuyến vận chuyển phân bón quan trọng trên thế giới.

Nguồn: