Theo nhận định của Vụ Kinh tế Dịch vụ (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), 4 mặt hàng trọng yếu là xăng dầu, sắt thép, xi măng và phân bón có xu hướng tăng giá là chủ yếu.
Dầu thô sẽ dao động 70-80 USD/thùng
Vụ Kinh tế Dịch vụ lưu ý, tại thời điểm đầu tháng 4, giá dầu thô trên thị trường thế giới liên tiếp tăng và đạt kỉ lục 86,73 USD với giá dầu giao tháng 5 tại thị trường New York và giá dầu Brent tại London đạt 85,88 USD, mức cao nhất trong 18 tháng qua nhờ những thông tin tốt từ sự hồi phục của nền kinh tế Mỹ.
Tuy nhiên, từ giữa tháng 4, giá dầu thô liên tiếp sụt giảm về mức 82,25 USD/thùng do lo ngại cầu tiêu thụ yếu, cũng như hoạt động hàng không ngưng trệ vì núi lửa châu Âu khiến nhu cầu nhiên liệu máy bay giảm mạnh. Tính hết ngày 20/4/2010, giá dầu thô ngọt nhẹ giao tháng 5 tại New York đóng cửa ở mức 83,45 USD/thùng, dầu Brent tại London giao tháng 6 đạt 84,80 USD/thùng.
“Với điều kiện của kinh tế thế giới hiện tại và viễn cảnh lạc quan của thị trường, giá dầu sẽ tiếp tục dao động trong biên độ 70-80 USD thêm nhiều tháng nữa”, báo cáo tham khảo ý kiến các chuyên gia phân tích, cho biết.
Trong khi ở trong nước, nhằm giảm sức ép tăng đối với giá bán lẻ xăng dầu, Bộ Tài chính đã ban hành thông tư hướng dẫn thực hiện mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với một số mặt hàng, theo đó thuế nhập khẩu xăng giảm 3%, thuế nhập khẩu các mặt hàng dầu hỏa, diezel giảm 5%, kể từ ngày 21/4.
Ngoài ra, trong tháng 4, thực hiện chỉ đạo về kiềm chế lạm phát và bình ổn giá một số mặt hàng thiết yếu, trong đó có xăng dầu, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu chưa được phép điều chỉnh tăng giá bán lẻ xăng dầu.
Do vậy, giá xăng dầu các loại vẫn được duy trì ở mức xăng A92 16.990 đồng/lít, xăng A95 17.490 đồng/lít, diasel 0,25S 14.850 đồng/lít, diasel 0,5S 14.900 đồng/lít, mazut 3,5S 13.300 đồng/lít, mazut 0,3S 13.600 đồng/lít và dầu hỏa 15.500 đồng/lít.
Theo số liệu sơ bộ của Tổng cục Hải quan, lượng xăng dầu nhập khẩu tháng 4/2010 ước thực hiện đạt 900 nghìn tấn, giảm 3,3% so với tháng 3/2010. Tính cho cả 4 tháng đầu năm 2010, lượng xăng dầu các loại nhập khẩu của Việt Nam ước thực hiện đạt 3493 nghìn tấn, giảm 23,2% so với cùng kỳ năm 2009.
Lượng xuất khẩu dầu thô tháng 4/2010 ước thực hiện đạt 650 nghìn tấn, bằng 73,4% so với tháng 3. Tính chung 4 tháng đầu năm 2010 ước đạt gần 2,9 triệu tấn, giảm 47,2 % so với cùng kỳ năm 2009.
Giá sắt thép sẽ còn tăng trong quý 2
Cũng theo Vụ Kinh tế Dịch vụ, do sự phục hồi của kinh tế thế giới đã thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ thép, cùng với sự khan hiếm nguồn nguyên liệu luyện kim đã làm giá nguyên liệu và sản phẩm thép thế giới tăng cao trong thời gian qua, từ 50-100% so với cùng kỳ 2009 (riêng trong 3 tháng đầu năm 2010 giá đã tăng từ 20 - 30%).
Cụ thể, từ ngày 1/4, nhà cung cấp quặng sắt lớn nhất thế giới là Australia đã tuyên bố sẽ tăng giá quặng từ 40% - 50% (từ hơn 80 USD lên 140 - 150 USD/tấn) so với năm 2009. Đồng thời, giá than mỡ nhập khẩu cũng tăng hơn 80%; giá gang luyện thép cũng tăng cao…
Vụ Kinh tế Dịch vụ dự báo: “Sang quý 2/2010, giá nguyên liệu thép trên thế giới tiếp tục tăng do tác động của chi phí đầu vào và nhu cầu sử dụng thép có xu hướng tăng mạnh trở lại”.
Đi cùng xu hướng trên, giá thép tại thị trường thép trong nước tháng 4 nóng từng ngày. Sau 6 đợt điều chỉnh tăng giá thép trong tháng 3, từ đầu tháng 4 tới nay, các công ty thép đã tăng giá bán 2 lần, tương ứng với mức 500 nghìn đồng/tấn và 100 nghìn đồng/tấn.
Báo cáo cho rằng, nguyên nhân là hiện đang bước vào thời kỳ cao điểm của mùa xây dựng nên nhu cầu thép trong nước tăng mạnh. Nhưng mặt khác, do tác động của giá nguyên liệu thép thế giới liên tục tăng, khiến cho chi phí sản xuất của các doanh nghiệp tăng lên.
Ngoài ra, giá thép tăng nhanh và sự “méo mó” của thị trường thép trong nước còn bởi đã xuất hiện hiện tượng “găm” hàng chờ tăng giá của nhiều doanh nghiệp kinh doanh thép, cũng như hiện tượng “tát nước theo mưa” gây ra nhiều thiệt hại cho người tiêu dùng, Vụ Kinh tế Dịch vụ nhận định.
Hiện giá thép cuộn của Tổng công ty thép Việt Nam (VNSteel) ở khu vực phía Nam tại các nhà máy lên 13,77 triệu đồng/tấn, thép cây lên 13,87 triệu đồng/tấn, thép thanh định hình cũng lên đến 14,12 triệu đồng/tấn (chưa bao gồm VAT), tăng khoảng 500.000 đồng/tấn so với cuối tháng 3. Giá thép các loại như Thép Miền Nam, Pomina, VinaKyoel được các đại lý bán lẻ thông báo khoảng 15,2 triệu đồng/tấn.
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, sản lượng thép nhập khẩu tháng 4 ước đạt 800 nghìn tấn với trị giá 510 nghìn USD, tăng 19,2% so với tháng 3/2010. Tính cả 4 tháng đầu năm ước đạt 2,55 triệu tấn với trị giá 1,63 triệu USD, tăng 18,1% so với cùng kỳ năm 2009.
Giá xi măng sẽ không biến động mạnh
Khác với mặt hàng sắt thép, xi măng cũng có biến động giá cả trong thời gian qua, tuy nhiên chỉ tăng rất nhẹ. Tính từ đầu tháng 4 tới nay, giá xi măng tăng khoảng 5%, tương đương 50-70 nghìn đồng/tấn so với tháng 3.
Trong quý 1/2010, tổng sản lượng sản xuất xi măng của toàn ngành ước khoảng 10 triệu tấn, trong đó của Tổng công ty công nghiệp xi măng Việt Nam 3,4 triệu tấn. Dự kiến sang quý 2, do có thêm một số dây chuyền sản xuất xi măng sẽ đi vào hoạt động, ước tính lượng xi măng sản xuất sẽ đạt khoảng 12,5 triệu tấn, tăng 8,7% so với quý 1.
Theo ước tính của Vụ Kinh tế Dịch vụ, năm 2010 thị trường xi măng cung vượt cầu khoảng 5 triệu tấn, dù các nhà máy vẫn chưa hoạt động hết công suất. Hơn nữa, do lượng xi măng và clinker tồn kho của năm 2009 còn khá lớn, giá xi măng năm 2010 sẽ không có biến động mạnh.
Hiện, tại thị trường phía Bắc, giá các loại xi măng tăng lên mức từ 890 nghìn đồng/tấn đến 1,12 triệu đồng/tấn. Giá bán xi măng ở miền Nam cao hơn miền Bắc do bất cân đối cung - cầu về vùng miền.
Phân bón sẽ tăng do xăng, điện, than lên giá
Trong tháng 4, lượng phân bón nhập khẩu ước đạt 180 nghìn tấn với trị giá 55 triệu USD (trong đó phân ure là 35 nghìn tấn và trị giá 10 triệu USD), giảm 7,7% so với tháng 3/2010.
Tính chung 4 tháng đầu năm, lượng phân bón nhập khẩu ước đạt 1,123 triệu tấn với trị giá 348 triệu USD (trong đó phân ure ước đạt 340 nghìn tấn, trị giá 106 triệu USD), giảm 30,5% so với cùng kỳ năm 2009.
Cũng trong tháng 4/2010, sẽ có thêm khoảng 85 nghìn tấn ure từ sản xuất trong nước. Như vậy, để chuẩn bị cho vụ hè thu, nước ta sẽ có khoảng 661 nghìn tấn ure, 128 nghìn tấn DAP, 190 nghìn tấn kali, 250 nghìn tấn super lân, 100 nghìn tấn lân nung chảy, 1,3 triệu tấn NPK, 30 nghìn tấn phân vi sinh, phân hữu cơ... Với lượng phân bón khá lớn như vậy được dự báo sẽ đủ cung cấp cho vụ lúa hè thu.
Tuy nhiên, báo cáo của Vụ Kinh tế Dịch vụ cho rằng, nhiều khả năng giá phân bón vẫn tăng bởi do tác động của nhiều yếu tố như tăng giá xăng dầu, điện, than.