Canh tác lúa thông minh, sử dụng giống chất lượng cao là những biện pháp căn bản để tăng thu nhập khi đất lúa bị thu hẹp

09:18 SA @ Thứ Sáu - 03 Tháng Mười Hai, 2021

Ngày 13 tháng 11 năm 2021, sau khi thảo luận sôi nổi và cân nhắc kỹ, Quốc hội nước Việt Nam đã nhất trí thông qua Nghị quyết xác định mục tiêu là bảo đảm nhu cầu sử dụng đất để thực hiện chiến lược phát triển kinh tế xã hội quốc gia thời kỳ năm 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch kinh tế xã hội 5 năm 2021-2025. Theo đó với nhiều mục tiêu đề ra, Quốc hội yêu cầu cần ổn định 3,5 triệu ha đất để bảo đảm an ninh lương thực, kể cả nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Về lịch sử biến động đất lúa, vào năm 1976, sau khi giải phóng Miền Nam, diện tích gieo trồng lúa cả nước mới có 5.303.000ha, với hệ số quay vòng khoảng 1,3 thì diện tích đất lúa mới đạt khoảng 4 triệu ha. Nhưng từ đầu những năm 1990, khi Nhà nước đề ra chương trình lương thực quốc gia và đặc biệt là sau khi Mỹ dở bỏ cấm vận, kinh tế thị trường bắt đầu được phát triển và nông dân cũng được cởi trói từng phần, nên tinh thần sản xuất lúa gạo lên cao. Nhờ vậy, diện tích đất lúa đã tăng lên đến 4,5 triệu ha trong cả nước. Và năm 1990, hạt gạo đầu tiên mang thương hiệu Việt Nam đã trở lại trên thị trường thế giới sau nhiều năm phải lâm vào cảnh ăn đông triền miên do chiến tranh ác liệt mang lại. Con số 1.624.000 tấn gạo xuất khẩu đến từ Việt Nam mới chỉ giới hạn trong thị trường Á Châu, đã là một mốc son cho nền sản xuất lúa gạo Việt Nam, đồng thời báo hiệu cho thế giới biết rằng: Nông dân Việt Nam sẽ vùng lên.

Và đúng như vậy, từ đó nền sản xuất lúa gạo của Nước nhà năm sau cao hơn năm trước. Về năng suất lúa, vào năm 1975 chỉ mới đạt 2,12 tấn/ha, đến năm 1995 là 3,57 tấn, rồi chỉ 5 năm sau, năm 2000 năng suất lúa vượt lên đến 4,24 tấn/ha. Và đến năm 2018, con số này là 5,81 tấn/ha. Năng suất lúa 5,81 tấn/ha đã vượt qua năng suất lúa của nhiều nước có truyền thống sản xuất lúa gạo khác trong khu vực và trên thế giới. Và cứ như vậy làm cho kho lúa gạo của Việt Nam ngày càng đầy, dẫn đến lượng gạo xuất ra trên thị trường thế giới ngày càng tăng, đạt đỉnh 7,650 triệu tấn vào năm 2012. Tiếc thay, dù rằng năng suất lúa cao, sản lượng gạo nhiều nhưng xét cho cùng người trồng lúa vẫn là người có thu nhập thấp hơn các ngành canh tác khác. Vì vậy, Nhà nước cũng đã có chủ trương giảm diện tích lúa để dành đất cho các cây, con khác nhằm có thu nhập cao hơn để cải thiện tốt hơn cho đời sống của bà con trồng lúa. Về lý thuyết thì đây là chủ trương đúng. Nhưng chuyển đổi gì cũng không thoát khỏi điều kiện tự nhiên để cây, con được chuyển đổi sinh trưởng phát triển được bình thường theo yêu cầu sinh lý của chúng và sản phẩm của cây, con chuyển đổi phải có thị trường tiêu thụ thì mới mang lại hiệu quả mong muốn. Với điều kiện ở ĐBSCL, vùng đất trồng lúa là nơi ngập nước nhiều tháng trong năm, độ phì tự nhiên khá cao, nhiệt độ mát mẽ quanh năm, với cây lúa thì đấy là thiên đường, nhưng với cây trồng cạn thì cần được kiến thiết lại cơ sở hạ tầng, rất tốn kém. Dù vậy, đã có nhiều nông dân thực hiện chuyển đổi đất lúa sang trồng các loại cây ăn quả hay rau màu tưởng là có giá trị cao. Nhưng thiếu thị trường, nhiều khi đến vụ thu hoạch mà không bán được, trong lúc đó thiếu hệ thống chế biến nên sản phẩm bị hư hỏng, giảm phẩm cấp và cuối cùng là hiệu quả kinh tế mang lại không bằng trồng lúa. Qua 5 năm chuyển đổi đã có trên 300.000ha đất lúa trong cả nước đã từ biệt cây lúa để làm bạn với cây khác, nông dân cũng đã tốn khá nhiều chi phí để đầu tư, nhưng khi giá lúa lên cao, không ít bà con lại san đất để trồng lại cây lúa (trường hợp ở ĐBSCL). Cho đến giờ phút Quốc hội có nghị quyết này, đất lúa cả nước chỉ còn 3,849.000ha. Nếu giữ lại 3,5 triệu ha chỉ dôi ra 349.000ha để chuyển đổi. Trong số diện tích đất lúa nói trên, tại ĐBSCL có 1,67 triệu ha, phần lớn thuộc loại đất trồng 2 vụ lúa ăn chắc, Đông Xuân là 1.603.000ha và Hè Thu là 1.605.000ha, trong đó có một số diện tích trồng 3 vụ, ngoài ra còn có 687.000ha lúa Thu Đông, không kể diện tích lúa tôm. Tổng diện tích đất gieo trồng lúa chỉ có 3.895.000ha. Dầu vậy, hàng năm, ĐBSCL đã đóng góp 20-21 triệu tấn thóc và gần 90% lượng gạo xuất khẩu cũng có nguồn gốc từ đây. Ấy vậy vẫn có đại biểu đề nghị diện tích đất lúa vùng này giảm xuống còn 1,2-1,4 triệu ha. Để đất lúa chỉ còn 3,2 tiệu ha, số đất dôi ra sẽ được chuyển đổi linh hoạt và cũng sẽ trở thành khu công nghiệp. Người viết bài này thấy rằng ý tưởng này không phù hợp. Nếu giả sử phải giảm xuống còn 3,2 triệu ha đất lúa thì hãy nhìn vào các vùng khác, khi cây lúa còn bị đe dọa thiếu nước hay lụt bão gây hại sẽ phù hợp hơn. Còn đất lúa vùng DBSCL còn 1,67 triệu ha sẽ là trụ cột cho an ninh lương thực và xuất khẩu có lãi hơn các vùng khác.

Vậy biện pháp gì để làm tăng thu nhập trên đất lúa còn lại? Đó là biện pháp tiết kiệm hơn nữa đầu vào và tăng chất lượng hạt gạo để tăng thu nhập đầu ra. Nhóm biện pháp này chính là giải pháp canh tác lúa thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu mà Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền đã cùng với Trung tâm KN Quốc gia và các Trung tâm KN và bà con nông dân của 13 tỉnh ĐBSCL thực hiện từ năm 2016 cho đến hiện tại. Về mặt tiết kiệm đầu tư: Những bà con nông dân tham gia trong chương trình đều thừa nhận rằng họ đã thực sự tiết kiệm trung bình được 45-50kg giống cho 1 ha, chỉ cần thử tính trong phạm vi ĐBSCL, nếu cả 3.895.000 ha gieo trồng lúa đều thực hiện biện pháp canh tác lúa thông minh thì mỗi năm đã tiết kiệm được được 194.750 tấn thóc mà không cần phải đổ mồ hôi công sức, như vậy có đáng giá công bỏ ra không? Về phân bón cũng  giảm được 30-45 kg NPK nói chung, đặc biệt giảm được từ 25 đến 55 kg phân Ure/ha, về khoản này chỉ lấy khiêm tốn là giảm 30 kg Ure/ha thì với 3.895.000ha lúa ta cũng sẽ tiết kiệm được 116.850 tấn Ure. Tham gia chương trình bà con cũng giảm được 2-3 lần phun thuốc/1 vụ. Vậy môi trường sinh thái có được cải thiện tốt hơn không? Nông dân tham gia chương trình lại biết sử dụng nước có hiệu quả hơn, tiết kiệm công chăm bón, nhưng năng suất lúa lại cao hơn kỹ thuật của bà con từ 200-800 kg thóc/ha, nếu chỉ tính khiêm tốn thì bình quân cho cả vùng cũng cao hơn đến 350 kg/ha, dẫn đến lợi nhuận bình quân mang lại  cao hơn đối chứng từ 2,5 triệu đến 5,5 triệu đồng/ha, có tỉnh thu lợi đến trên 10 triệu đồng/ha. Trong chương trình cũng khuyến khích trồng các giống lúa có chất lượng cao như ST25, ST24, OM18, Đài thơm 8, OM4900, Hương Châu 6. Vì vậy, khi giá gạo xuất khẩu tăng bà con cũng được trả giá lúa cao hơn 15-30% so với giá thu mua của nhiều năm trước. Thông qua chương trình người trồng lúa cũng được trang bị thêm kỹ thuật sản xuất lúa tiên tiến để đạt được thương hiệu lúa gạo theo tiêu chuẩn an toàn, môi trường sinh thái được cải thiện tốt hơn. Về mặt trồng các giống lúa chất lượng cao cũng đã thực sự góp phần làm cho giá gạo xuất khẩu tăng lên. Ví dụ, năm 2020, tỷ lệ lúa có chất lượng cao trong sản xuất cả nước đã cao hơn 74%, so với năm 2015 tăng hơn 50%. Và chiếm trên 85% trong tổng số lượng gạo xuất khẩu. Nhờ vậy, giá bán cũng  tăng so với nhiều năm trước. Năm 2019 gạo cùng phẩm cấp bán được 440 USD/tấn thì năm 2020 giá này là 496 USD/tấn cao hơn 56 USD. Điều đáng mừng là với tiến bộ nói trên làm cho giá gạo cùng phẩm cấp đều cao hơn gạo của Thái từ 15-30USD/tấn. Chính nhờ vậy mà hạt gạo Việt Nam đã có mặt ở các thị trường khó tính nhiều hơn các năm trước. Vậy là diện tích lúa giảm xuống còn 3,5 triệu ha đã có biện pháp khoa học để vẫn bảo đảm an ninh lương thực và vẫn có thừa để xuất khẩu, lợi nhuận thu lại vẫn không kém khi diện tích lúa là 4,5 triệu ha, Nghị quyết của Quốc hội cũng sẽ đi vào được cuộc sống.