Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn từ tháng 6/2009 đến nay, giá cao su liên tục tăng. Trong 2 tháng đầu năm nay, giá xuất khẩu cao su đạt bình quân 2.524 USD/tấn, tăng 87,62% so với cùng kỳ năm trước.
Tháng 3, xuất khẩu các mặt hàng cao su đạt 32.000 tấn, kim ngạch đạt 58 triệu USD, đưa lượng cao su xuất khẩu 3 tháng đầu năm đạt 108 ngàn tấn, kim ngạch 251 triệu USD. So với cùng kỳ năm trước giảm hơn 8% về lượng, nhưng tăng 54,24% về kim ngạch.
Cũng theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2009, diện tích cao su của cả nước là 640.000ha, lượng xuất khẩu đạt khoảng 680.000 tấn, kim ngạch ước đạt xấp xỉ 1 tỷ USD. Dự kiến, sản lượng khai thác và xuất khẩu năm 2010 sẽ tiếp tục tăng từ 10-15% so với năm 2009.
Sản lượng mủ cao su cũng liên tục tăng trong những năm qua. Năm 2007, sản lượng khai thác và xuất khẩu đạt 601.700 tấn mủ, năm 2008 sản lượng nâng lên 662.900 tấn và năm 2009 lên 723.700 tấn. Về năng suất, năm 2007 mới đạt 1.612 kg mủ/ha, năm 2008 lên 1.661 kg mủ/ha. Năm 2009, năng suất tiếp tục nâng lên 1.717 kg mủ/ha.
Năm 2009, giá mủ cao su xuất khẩu chỉ ở mức 1.200 USD/tấn đến đầu năm 2010 đã tăng lên 3.000 USD/tấn. Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam (VRG) tự tin: năm 2010, tổng doanh thu và lợi nhuận của ngành cao su vẫn sẽ cao hơn năm 2009.
Kế hoạch tổng doanh thu toàn VRG năm nay là 16.609 tỷ đồng, tăng 1.708 tỷ đồng so với năm 2009, trong đó doanh thu cao su 10.611 tỷ đồng; riêng lợi nhuận cao su là 2.795 tỷ đồng.
Theo Agroinfo, thị trường cao su thế giới đang nóng lên, giá cao su liên tục lập đỉnh cao mới, chưa có dấu hiệu ngừng tăng. Cao su trở thành một trong những mặt hàng tăng giá mạnh nhất trong đợt tăng giá hàng hoá nói chung này. Dự báo giá cao su sẽ còn tăng ít nhất tới hết tháng 4 – giai đoạn nguồn cung ở cả 3 nước sản xuất lớn nhất thế giới đều khan hiếm. Dự báo nhu cầu cho sản xuất săm lốp xe hơi của Trung Quốc vượt hẳn của Mỹ và Tây Âu. Với diễn biến của thị trường cao su thế giới đầu năm 2010 và xu hướng cả năm nay, ngành cao su xuất khẩu của Việt Nam đang ở giai đoạn thiên thời, địa lợi.
Năm 2010, nhiều công ty cổ phần cao su sẽ cơ cấu lại vườn trồng nên diện tích cao su khai thác của VRG sẽ giảm 1.179 ha, còn 155.300 ha. Theo VRG, Chính phủ đã có chủ trương phát triển cây cao su ở Tây Nguyên, nhất là Gia Lai. Hiện nay tập đoàn chuyển hướng phát triển sang Campuchia và Tây Bắc Việt Nam. Năm 2009, các Công ty cổ phần đã trồng được 10.500 ha ở Campuchia. Năm 2010 trồng thêm 20.000 ha. Ở Tây Bắc, năm 2009 đã trồng được 10.500 ha năm nay trồng mới thêm 6.500 ha.
Ông Nguyễn Văn Tân, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty cao su Phước Hòa (PHR) cho biết: PHR đang làm dự án trồng cao su tại Cam pu chia với tổng diện tích quy hoạch là khoảng 9.100 ha. Dự kiến, năm 2015 sẽ bắt đầu khai thác diện tích này. Cùng với việc đưa vào khai thác những diện tích đang trồng ở Sơn La, ở Lào, PHR kỳ vọng từ năm 2015, sản lượng cao su sẽ tăng mạnh.
Lãnh đạo VRG cho biết hiện đang nghiên cứu các điều kiện ở Tây Bắc để sắp tới triển khai trồng ở địa hình trên 700 m so với mực nước biển. Từ trước đến nay ở Việt Nam chủ yếu trồng ở địa hình dưới 700m. Trong khi đó Tây Bắc rất có tiềm năng trồng cao su ở độ cao trên 700m.
Theo bà Trần Thị Thúy Hoa, Tổng thư ký Hiệp hội Cao su Việt Nam, dù biết giá cao su sẽ tiếp tục xu hướng tăng, nếu găm giữ lại có thể được giá mủ cao hơn, nhưng các doanh nghiệp vẫn muốn đẩy mạnh xuất khẩu. Bởi tháng 5-6 tới là mùa khai thác mới, dự kiến năng suất và sản lượng khai thác năm 2010 đều tăng khá so với năm ngoái. Như vậy, khả năng ngành cao su trúng lớn nằm trong tầm tay.
Chính phủ đã ban hành QĐ 750/TTg về Quy hoạch phát triển cao su đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020. Theo đó, mục tiêu đến năm 2015, cả nước sẽ có 800.000 ha cao su và sản lượng mủ đạt 1,2 triệu tấn. Năm 2020, kim ngạch xuất khẩu sẽ đạt 2 tỷ USD. Năm 2010, dự kiến ngành cao su sẽ phát triển thêm diện tích từ 30.000-40.000 ha, sản lượng sẽ đạt khoảng 770.000 tấn mủ và xuất khẩu 750.000 tấn với trị giá 1,5 tỷ USD.