Sản lượng hóa chất tăng nhẹ Từ quý II/2023, sản lượng công nghiệp hóa chất (CNHC) ở 27 nước EU đã bắt đầu thể hiện dấu hiệu tăng trưởng nhẹ. Xu hướng này đã tiếp tục trong năm 2024, cho thấy sự cải thiện nhỏ nhưng liên tục. Như vậy, sản lượng ngành hóa chất tại EU đã chạm đáy vào quý II/2023, sau đó tăng 4 quý liên tiếp kể từ quý III/2023. Tuy nhiên, do nhu cầu thị trường vẫn tăng trưởng thấp, sản lượng hóa chất tại đây còn xa mới đạt được như trước dịch COVID-19.
Xu hướng giảm hàng tồn kho của các doanh nghiệp hóa chất châu âu đã diễn ra trong 6 tháng kể từ tháng 10/2023, sau đó kết thúc vào cuối tháng 3/2024. Từ tháng 4 đến tháng 7/2024, lượng hàng tồn kho liên tục tăng trở lại. Tuy nhiên, chỉ số niềm tin của CNHC EU đã giảm nhẹ trong tháng 7/2024. Nhìn chung, giám đốc các doanh nghiệp hóa chất cho rằng môi trường sản xuất kinh doanh hóa chất tại EU đã suy giảm nhẹ, trong khi đó CNHC vẫn phải đứng trước những thách thức về nhu cầu hạn chế kể từ tháng 3/2022.
Giá năng lượng cao
Giá gas tại châu âu hiện nay cao hơn nhiều so với giá gas tại Mỹ. CNHC sử dụng khoảng 25-50% khí thiên nhiên làm nguyên liệu sản xuất, phần còn lại được sử dụng để sản xuất hơi nước và phát điện cho các nhà máy. Vì vậy, giá gas ảnh hưởng mạnh đến giá hóa chất. Giá gas ở EU trong thời gian từ tháng 1 đến tháng 7/2024 cao hơn 70% so với thời gian trước khủng hoảng (2014-2019). So với Mỹ, giá gas tháng 7/2024 tại châu âu cao gấp 4,7 lần, khiến cho các sản phẩm hóa chất của châu âu gặp bất lợi về cạnh tranh trên thị trường. Trong thời gian 2022-2023 sản lượng hóa chất EU đã giảm hơn 6%, sang năm 2024 vẫn chưa có những dấu hiệu rõ rệt về sự hồi phục, chủ yếu do giá năng lượng cao. Trong tương lai, CNHC châu âu sẽ phải tìm ra giải pháp thích hợp cho vấn đề năng lượng của mình.
Tỷ lệ công suất hiệu dụng giảm
Trong quý IV/2023 và quý I/2024, tỷ lệ công suất hiệu dụng trong CNHC EU đã thể hiện những dấu hiệu đáng khích lệ, tăng từ 74,4% lên 75,5%. Tuy nhiên, quý II/2024 cho thấy sự suy giảm nhẹ xuống 75,2% của tỷ lệ công suất hiệu dụng. Hiện nay, tỷ lệ công suất hiệu dụng đang thấp hơn nhiều mức trung bình nhiều năm 81,4%. Một số doanh nghiệp hóa chất châu âu đang lập kế hoạch cắt giảm đáng kể lực lượng lao động trong những tháng tới để tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh, tăng lợi nhuận.
Thương mại hóa chất giảm
Hầu hết các lĩnh vực sản xuất tại EU đều đang chứng kiến sự suy giảm của hoạt động thương mại. Xuất khẩu hóa chất của 27 nước EU đạt 113,8 tỉ EUR trong nửa đầu năm 2024, giảm 2,9% so với 117,2 tỉ EUR nửa đầu năm 2023. Phần lớn các lĩnh vực sử dụng cuối dòng của ngành hóa chất đều đang thể hiện xu hướng đi xuống. Trong nửa đầu năm 2024, hầu hết các ngành sản xuất của EU đều không thể hiện mức tăng trưởng dương của hoạt động xuất khẩu, nhưng ngành dược phẩm là trường hợp ngoại lệ với tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu đạt trên 7%.
Về mặt nhập khẩu, CNHC các nước EU đạt kim ngạch nhập khẩu 89 tỉ EUR trong nửa đầu năm 2024, giảm 11,9 % so với cùng kỳ năm trước (101,1 tỉ EUR). Trong số các lĩnh vực sản xuất, ngành sản xuất hóa chất có mức giảm nhập khẩu thấp nhất.
Triển vọng tăng trưởng
Về tổng thể, sản lượng các ngành sản xuất công nghiệp của toàn bộ 27 nước EU đã giảm đáng kể trong quý I/2024 so với cùng kỳ năm 2023. Suy giảm lớn nhất diễn ra trong lĩnh vực sản xuất điện tử cho máy vi tính: sản lượng của lĩnh vực này giảm hơn 10% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, sản xuất cao su và chất dẻo chỉ giảm 2,2%. 3 lĩnh vực đạt kết quả tốt hơn là: sản xuất thực phẩm và đồ uống, sản xuất hóa chất và sản xuất giấy. Với tốc độ tăng trưởng 3,4%, CNHC đạt mức tăng sản lượng cao thứ hai trong các ngành sản xuất tại EU, đứng sau sản xuất giấy (+3,5%) nhưng cao hơn nhiều sản xuất thực phẩm và đồ uống (+2,0%).
Tuy nhiên những dữ liệu đáng khích lệ như trên cần được xem xét một cách dè dặt, vì sản lượng hóa chất trong năm đối chiếu 2023 trước đó vẫn thấp hơn nhiều so với khi xảy ra trước đại dịch COVID-19. Sản lượng hóa chất năm 2024 khó có thể hồi phục mạnh nếu phần lớn các lĩnh vực sử dụng cuối dòng như sản xuất ôtô, sản xuất cao su và chất dẻo, xây dựng, sản xuất máy vi tính vẫn đang thể hiện xu hướng đi xuống. Thị trường xây dựng và thị trường xe ôtô đang gặp nhiều thách thức, đặc biệt có những lo ngại về sản lượng và nhu cầu thấp đối với ngành sản xuất xe ôtô nửa sau năm 2024 cũng như năm 2025.
Hiện tại, châu âu cũng đang phải đối mặt với cạnh tranh quyết liệt trên các thị trường toàn cầu, trong bối cảnh nhu cầu thấp dẫn đến tỷ lệ công suất hiệu dụng thấp. Nhưng kinh tế châu âu có thể được hưởng lợi nhờ sự hồi phục mạnh của kinh tế Trung Quốc và giá năng lượng giảm (cả dầu thô và khí thiên nhiên). Những yếu tố đó có thể kích thích sự hồi phục của kinh tế châu âu trong trung hạn, đặc biệt ở các lĩnh vực tiêu thụ nhiều năng lượng như sản xuất hóa chất.
Bối cảnh toàn cầu
Trong 6 tháng đầu năm 2024, sản lượng hóa chất toàn thế giới đã tăng trưởng 6,1% so với cùng kỳ năm trước. Năm 2023, Trung Quốc chiếm 43% doanh thu hóa chất toàn cầu. Những số liệu gần đây cho thấy sản lượng hóa chất của Trung Quốc đã tăng 3 tháng liên tiếp kể từ tháng 3/2024. Tuy nhu cầu toàn cầu suy yếu, trong nửa đầu năm 2024 sản lượng hóa chất tại Trung Quốc vẫn tăng trưởng hơn 10% so với cùng kỳ năm trước. Nhưng tăng trưởng chậm đi cùng những yếu tố bất ổn vẫn sẽ ảnh hưởng đáng kể đến cả năm 2024 và năm 2025.
Triển vọng toàn cầu nửa sau năm 2024 là một bức tranh nhiều màu sắc: Những yếu tố đáng quan tâm trên thị trường là sự suy yếu vẫn tiếp diễn trong xu hướng tiêu thụ ở Trung Quốc, xu hướng tăng trưởng chậm của ngành sản xuất xe ôtô (đặc biệt là xe ôtô điện) và khả năng hạ cánh mềm của kinh tế Mỹ. Một số nhà phân tích cho rằng nhu cầu trên toàn cầu sẽ chỉ tăng trưởng ở mức hạn chế do tình hình kinh tế yếu tại Đức và Mỹ cũng như tình hình ít được cải thiện ở Trung Quốc./