Công nghiệp hóa chất Nhật Bản trước áp lực tái cơ cấu

01:49 CH @ Thứ Ba - 02 Tháng Bảy, 2024

Một lần nữa, công nghiệp hóa dầu Nhật Bản lại rơi vào tình cảnh khó khăn.

Đợt cắt giảm sản xuất và đóng cửa nhà máy cuối cùng trong công nghiệp hóa dầu Nhật Bản đã diễn ra vào giữa thập niên 2010, khi công suất sản xuất etylen giảm từ 7,6 triệu tấn năm 2014 xuống 6,4 triệu tấn vào năm 2016. Nhưng nhờ những đợt cắt giảm như vậy nên lợi nhuận của nhiều công ty đã tăng mạnh trở lại. Hai doanh nghiệp hóa dầu lớn nhất nước là Mitsubishi và Sumitomo đều đã tăng gấp đôi lợi nhuận.

Sản xuất thua lỗ

Tuy nhiên, ngày nay tình hình có vẻ nghiêm trọng hơn, khi nền kinh tế Nhật Bản đang rơi vào tình trạng tăng trưởng ở mức thấp tối thiểu từ nhiều năm nay, trong bối cảnh dân số giảm và ngày càng già hóa, giá dầu bất ổn, áp lực chính trị cùng với áp lực công cộng đòi hỏi giảm phát thải cacbon, đồng thời cạnh tranh từ Trung Quốc ngày càng tăng khi quốc gia tỉ dân này nhanh chóng mở rộng sản xuất.

Kết quả là các công ty hóa dầu Nhật Bản đang phải chịu thua lỗ hoặc chỉ đạt mức hóa vốn. Ngành công nghiệp hóa dầu Nhật Bản lại bắt đầu nói về đóng cửa nhà máy, sa thải nhân công và cắt giảm sản xuất nhằm mục đích tái cơ cấu để cải thiện hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Theo một nhà phân tích, cấu trúc cơ bản của ngành hóa dầu Nhật Bản vẫn không thay đổi với 12 nhà máy crăcking etylen. Ngành hóa dầu tiếp tục phụ thuộc vào sản lượng xuất khẩu từ các cơ sở sản xuất cũ và nhỏ với năng lực cạnh tranh yếu.

Giám đốc điều hành Tập đoàn Mitsubishi Chemical tuyên bố rõ: “Chúng ta không thể tiếp tục tồn tại nếu không trải qua quá trình chuyển đổi lớn”.

Sự thật ẩn phía sau tuyên bố như trên là các công ty hóa chất Nhật Bản đang phải cắt giảm quy mô sản xuất. Tháng 3/2023, Công ty Mitsui đã đóng cửa nhà máy polypropylen tại Chiba, Công ty Asahi Kasei đang bán một phần công suất sản xuất hóa chất hàng hóa với doanh thu hàng năm tổng cộng khoảng 700 triệu USD. Đây là tình hình mà một nhà tư vấn hóa dầu miêu tả như “hoạt động sắp xếp, bố trí lại chưa từng thấy trong ngành”.

Áp lực tái cơ cấu

Mọi cặp mắt đều đang hướng về Tập đoàn Mitsubishi Chemical với tình trạng kinh tế ổn định, mặc dù năm 2021 đã cam kết từ bỏ các bộ phận hóa dầu và hóa chất từ than. Trải qua 3 năm, đến nay giám đốc Tập đoàn tuyên bố sứ mệnh lớn nhất của mình là tiếp tục tham gia quá trình tái cơ cấu ngành công nghiệp hóa dầu và ông cho rằng động lực tái cơ cấu trong ngành hiện nay đang mạnh hơn bao giờ hết.

Các công ty hóa dầu khác của Nhật Bản cũng đang xem xét việc tái cơ cấu tổ chức và điều chỉnh mô hình kinh doanh của mình. Giám đốc điều hành Công ty Mitsui Chemical cho biết, Công ty đang có kế hoạch hợp lý hóa sản xuất etylen và polyolefin thông qua hợp tác với các công ty khác. Đó là một động thái hợp lý trong bối cảnh nhiều thách thức kinh tế trước mắt. Hơn nữa, Công ty Mitsui Chemical có cơ sở sản xuất đặt tại trung tâm công nghiệp Chiba ở bờ biển phía đông Nhật Bản, nơi một số công ty như Sumitomo Chemical, Idemitsu Kosan và Maruzen Petrochemical cũng đang vận hành các nhà máy sản xuất hóa chất.

Với quan điểm tương tự, Công ty Asahi Kasser - nhà sản xuất hóa chất lớn có doanh thu toàn cầu trên 18 tỉ USD - đã bắt đầu xem xét việc hợp tác với các công ty khác ở miền tây Nhật Bản nhằm mục đích tối ưu hóa công suất crăcking naphtha. Trong khi đó, Công ty Sumitomo cũng tuyên bố đang nghiên cứu các kế hoạch hợp lý hóa sản xuất bằng cách hợp tác với nhiều công ty khác.

Mối đe dọa từ Trung Quốc

Hiệp hội Công nghiệp hóa dầu Nhật Bản cho biết, ngành hóa dầu tại đây vẫn đạt thặng dư thương mại cao với kim ngạch xuất khẩu hóa dầu năm 2021 đạt 10 tỉ USD, trong khi đó chỉ nhập khẩu 2,4 tỉ USD. Nhưng nhiều người tin rằng ẩn sau những con số đó là một cơn bão lớn đang đến gần. Trung Quốc - đích xuất khẩu truyền thống của ngành hóa dầu Nhật Bản - đang nhanh chóng mở rộng sản xuất hóa chất. Quá trình mở rộng này bao gồm kế hoạch tăng công suất etylen thêm 32 triệu tấn và tăng công suất propylen thêm 43 triệu tấn trong nửa thập niên tới. Vì vậy, lỗ hổng cung cầu sẽ được lấp đầy chỉ trong vài năm tới.

Tất nhiên, công nghiệp hóa dầu Nhật Bản sẽ không chịu buông tay đứng nhìn. Nhiều kế hoạch đã được vạch ra với mục đích hiện đại hóa sản xuất và chuyển đổi trọng tâm về hướng mô hình sản xuất bền vững hơn, bao gồm các mục tiêu về môi trường, như trung lập cacbon vào năm 2050.

Tương tự như Nhật Bản, công nghiệp hóa chất châu âu cũng đang chịu ảnh hưởng nặng nề của suy thoái kinh tế và cạnh tranh quyết liệt từ các nước có điều kiện tiếp cận nguồn nhiên liệu hóa thạch dễ dàng hơn. Tuy nhiên, trong khi các công ty hóa chất lớn của châu âu như BASF và Bayer tìm cách xây dựng các cơ sở hóa dầu mới tại những thị trường có thể đem lại lợi nhuận tốt hơn, ngành hóa dầu Nhật Bản lại tìm cách điều chỉnh mô hình kinh doanh và tái cơ cấu hoạt động.

Các nhà phân tích cho rằng, xu hướng sắp tới sẽ là xây dựng các cơ sở cung ứng etylen quy mô lớn, có tính cạnh tranh cao và trung lập cacbon ở cả hai vùng miền đông và miền tây Nhật Bản. Kế hoạch đó sẽ cần nhiều thời gian để hoàn thành, nhưng Nhật Bản có công nghệ để thực hiện nó.

Tuy những dự án như vậy rất táo bạo và đầy tham vọng, nhưng chúng có thể khơi dậy sức sống mới cho cả công nghiệp hóa chất và nền kinh tế Nhật Bản ở phạm vi rộng hơn.

Nguồn: