Xuất khẩu mủ cao su mậu biên của Việt Nam trong tuần cuối tháng 5.2010 vẫn chưa có dấu hiệu sôi động, do Trung Quốc hạn chế mua theo đường chính ngạch.
Nguồn tin từ một số doanh nghiệp xuất khẩu cho biết, hiện nay bên cửa khẩu Đông Hưng, các cơ quan quản lý Trung Quốc vẫn không cho phép các doanh nghiệp và thương gia của họ mua mủ cao su của Việt Nam theo cơ chế thị trường tự do tại cửa khẩu tiểu ngạch Lục Lầm, Quảng Ninh.
Mùa cạo mủ cao su đã bắt đầu, trong khi đ1o doanh nghiệp phải ôm hàng chờ xuất khẩu tiểu ngạch. Ảnh: Hoàng Bảy
Như vậy, giao dịch cao su mậu biên đã ách tắc từ cuối tháng 4.2010 cho đến tận đầu tháng 6 này. Diễn biến này đã tác động đến kim ngạch xuất khẩu cao su Việt Nam trong tháng năm vừa qua giảm tới 37,5% sản lượng (còn 20 ngàn tấn) và 36% giá trị (60 triệu USD) so với tháng tư (32 ngàn tấn, 94 triệu USD).
Nhiều năm qua, Trung Quốc là nước đứng đầu trong tốp trên 70 thị trường nhập khẩu thường xuyên mủ cao su thiên nhiên Việt Nam. Chẳng hạn, năm 2009 có 71 thị trường mua mủ cao su Việt Nam thì Trung Quốc dẫn đầu với 494.620 tấn quy khô, tăng 6,6% so với năm trước và chiếm 67,6 % tổng sản lượng xuất khẩu. Nguyên nhân là do đa số doanh nghiệp kinh doanh mủ tiềm lực yếu, việc xuất khẩu ra các thị trường ngoài Trung Quốc chỉ có những doanh nghiệp lớn thuộc tập đoàn công nghiệp Cao su hoặc tổng công ty mới làm được. Chính vì vậy, các thị trường khác như Malaysia, Đài Loan, Hàn Quốc, Bỉ, Ấn Độ, Đức, Hoa Kỳ, Nga, Nhật… cũng được xếp vào thị trường truyền thống, có tiềm năng, nhưng hàng năm mỗi thị trường này nhập tối đa chưa đến 50 ngàn tấn và thường giảm chứ không tăng như Trung Quốc.
Đến thời điểm này, giám đốc một công ty xuất khẩu mủ vẫn khẳng định: “Thị trường nội địa Trung Quốc có nhu cầu rất lớn về nguồn nguyên liệu cao su thiên nhiên để sản xuất săm lốp, nhưng các đối tác cũng không thể chuyển sang phương thức nhập khẩu mặt hàng này từ Việt Nam theo hệ chính ngạch, vì thuế nhập khẩu cao, chi phí nhiều, không đảm bảo lợi nhuận cho nhà kinh doanh”.
Đầu năm 2010, bộ Tài chính Trung Quốc công bố giảm thuế nhập khẩu mủ cao su thiên nhiên các loại thêm 23%, từ 2.600 NDT/tấn (tương đương 380,7 USD/tấn) còn 2.000 NDT/tấn (tương đương292,8 USD/tấn) và cao su tờ xông khói được giảm thuế 38%, còn 1.600 NDT/tấn (234,3 USD/tấn). Quyết định này, theo nhận định sẽ giúp các nhà sản xuất lốp xe Trung Quốc giảm áp lực tài chính khi phải tăng nhập nguyên liệu để phục vụ ngành ô tô Trung Quốc đang có sản lượng nhảy vọt; đồng thời khuyến khích việc nhập khẩu theo đường chính ngạch. Tuy nhiên, do khâu thanh toán L/C quá chậm (ít nhất sau 2 tháng, đơn vị xuất khẩu mới nhận được tiền) nên các doanh nghiệp vẫn chưa mặn mà. Đầu năm 2010 này, dù dòng thuế giảm đáng kể, nhưng giá cao su lại tăng chóng mặt (trên 90% so với cùng kỳ), tiền đóng thuế tất nhiên cao hơn trước đây nên doanh nghiệp hai bên càng tỏ ra thờ ơ.
Mùa cạo mủ cao su bắt đầu tư giữa tháng 5.2010. Bà Nguyễn Thị Thúy Hoa, tổng thư ký hiệp hội cao su Việt Nam cho hay, tình hình xuất khẩu cao su mậu biên vẫn khó khăn, hiệp hội đang khuyến cáo hội viên tích cực chuyển sang phương thức xuất chính ngạch để giải phóng hàng. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp thừa nhận tiền đóng thuế quá cao khiến họ không thể bán chính ngạch, vì khách hàng Trung Quốc yêu cầu giảm giá chứ không mua theo thị trường mậu biên. Vì vậy, cách tốt nhất hiện nay là “ôm” hàng chờ cửa khẩu thông trở lại.