Từ tháng 10-2010 đến nay, phân bón các loại tăng giá hằng ngày, như urê, DAP đã tăng đến gần 30% so với tháng 8-2010. Vụ lúa Đông Xuân – vụ chính trong năm dù chỉ mới bắt đầu nhưng phân bón sốt giá, tăng liên tục làm cho cả giới mua bán phân bón cũng như nhà nông trong vùng thấp thỏm lo lắng.
Ông Trịnh Trí Tiên, Phó giám đốc Công ty CP Phân bón và hóa chất Cần Thơ (CFC) cho biết: Vụ lúa Đông Xuân, vùng ĐBSCL gieo trồng hơn 1,6 triệu ha cần khoảng 850.000 tấn phân bón các loại trong đó phân urê chiếm 50%, phân DAP khoảng 20%, NPK khoảng 20% và hơn 10% phân kali. Tính bình quân mỗi ha sử dụng từ 500 đến 550 kg phân bón các loại. Nguyên nhân chủ yếu của việc tăng giá phân bón trong gần tháng qua do nguồn cung giảm nên giá nhập khẩu phân u-rê và DAP đột biến tăng mạnh từ 320 USD/tấn lên hơn 370 USD/tấn và DAP từ 550 USD/tấn lên 600 USD/tấn. Bên cạnh đó, tỷ giá USD/VND tăng cao. Mặt khác, năm nay, bà con nông dân lo ngại bị hạn nên ngay sau khi thu hoạch lúa Hè Thu đã vội xuống giống ngay bất kể khuyến cáo của ngành nông nghiệp cũng như chính quyền địa phương. Nông dân đang thực sự lo ngại với tình hình giá phân bón tăng cao cộng thêm các chi phí khác sẽ đẩy giá thành hạt lúa lên cao.
Để nhanh chóng ổn định thị trường phân bón, bảo đảm đủ phân bón với giá bán hợp lý cho nông dân, Bộ Công thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mới đây đã kịp thời đề xuất với Chính phủ thực hiện biện pháp tạm dừng xuất phân bón các loại trừ NPK, Super lân và phân hữu cơ. Đẩy mạnh sản xuất phân bón trong nước, nhất là Nhà máy phân đạm Phú Mỹ giữ vai trò chủ lực trong việc ổn định cung - cầu và giá bán phân bón cho nông dân. Giá bán phân u-rê của Nhà máy phân đạm Phú Mỹ phải bán sát giá thị trường để cân bằng với giá bán của các doanh nghiệp nhập khẩu, nhằm khuyến khích nhập khẩu tăng nguồn cung. Chính phủ ưu tiên về nguồn và tỷ giá ngoại tệ giúp các doanh nghiệp nhập khẩu đủ phân bón, nhất là phân u-rê và DAP.
Mới đây, các DN sản xuất kinh doanh phân bón họp bàn biện pháp làm lắng dịu tình hình sốt giá phân bón nhưng xem ra chưa hiệu qủa mấy! Một số cửa hàng vật tư nông nghiệp ở các tỉnh thành vùng ĐBSCL còn ngần ngại không dám mua hàng về trữ nhiều. Họ lo ngại giá phân đang sốt bỗng hạ giá với sự can thiệp của Nhà nước. Anh Nhàn, chủ một đại lý phân bón ở xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang cho biết: Giá phân bón tăng gần 40% như hiện thời thì khó có đại lý nào đủ vốn để mua và trữ hàng nhiều. Do vậy, chỉ có những DN, đại lý lớn mới có đủ lực để dự trữ và giữ vai trò điều phối thị trường. Còn đa số cửa hàng nhỏ dựa vào đại lý lớn chọn cách mua vào bán ra, xoay vòng nhanh.
Ông Trịnh Trí Tiên đánh giá: CFC chuẩn bị đủ nguyên liệu sản xuất hơn 50.000 tấn NPK. Sản lượng NPK của CFC khoảng 110.000 tấn, tăng gần 20% so năm 2009. Với mức này có thể cùng với những DN sản xuất phân bón khác đáp ứng nhu cầu mùa vụ trong vùng. Dù giá cả dao động nhưng không lo thiếu phân cung ứng ra thị trường. Hiện nay, thị trường phân bón đang tăng giá “ảo” bởi tung tin nguồn cung không đủ cầu. Thực tế, nếu phân urê Phú Mỹ, nguồn cung tăng lên khoảng 800.000 tấn cộng với nhà máy đạm Hà Bắc khoảng 190.000 tấn và 9 tháng qua, đã nhập khẩu khoảng 560.000 tấn, tháng 10-2010 mới nhập thêm khoảng 75.000 tấn cần nhập thêm khoảng 200.000 tấn thì không có gì đáng lo ngại.
Với chủ trương không xuất phân bón và điều hành nhập khẩu phân bón linh hoạt, hy vọng, giá phân bón vụ ĐX sẽ dịu lại và không tiếp tục bị “sốt ảo” như hiện nay.