Dư thừa công suất và nhu cầu yếu - Những thách thức lớn đối với công nghiệp hóa chất thế giới hiện nay

03:07 CH @ Thứ Ba - 28 Tháng Năm, 2024

Sau một số năm Trung Quốc tăng cường đầu tư mạnh vào công suất sản xuất hóa chất, hiện nay công suất hóa chất toàn cầu đang dư thừa và vẫn tiếp tục gia tăng trong khi nhu cầu suy yếu. Có thể nói, một cơn bão lớn đang kéo đến, phủ bóng đen lên thị trường hóa chất toàn cầu.

Đặc biệt, dư thừa nguồn cung hóa dầu toàn cầu tiếp tục tăng, trong đó Trung Quốc được dự báo năm 2024 sẽ bổ sung thêm công suất 18,7 triệu tấn/năm, sau những đợt tăng công suất ở mức kỷ lục trong các năm 2022 và 2023.  

Trong bối cảnh triển vọng kinh tế vĩ mô suy yếu, hiện nay các công ty hóa chất trên thế giới đang đứng trước tình trạng bất định chưa từng thấy trong ngành.

Nhu cầu suy yếu

Với tầm ảnh hưởng lớn trong sản xuất hàng hóa, công nghiệp hóa chất là một trong những ngành đầu tiên phản ứng khi lạm phát cao, lãi suất cho vay cao và giá năng lượng tăng cao kỷ lục làm giảm chi tiêu của người tiêu dùng trong năm 2022. Các nhà sản xuất hóa chất đã đáp ứng bằng cách cắt giảm hàng tồn kho và giảm công suất vận hành.

Đồng thời, tăng trưởng kinh tế tại Trung Quốc đã bắt đầu chậm lại từ năm 2021 do các vấn đề cơ cấu dài hạn. Đây là hậu quả của tình trạng bong bóng bất động sản, già hóa dân số và căng thẳng thương mại ngày càng tăng với các nước phương Tây. Tác động của những vấn đề đó đối với thị trường thế giới rất lớn do Trung Quốc chiếm gần một nửa nhu cầu hóa chất và các sản phẩm hóa dầu trên toàn cầu. Năm 2024, Trung Quốc được dự báo sẽ tiêu thụ lượng polyetylen nhiều tương đương các nước đang phát triển cộng lại, mặc dù dân số Trung Quốc chỉ bằng 30% dân số các nước đó.

Sau khi các gói kích thích kinh tế lớn nhất của chính phủ kết thúc cùng với sự suy yếu nhu cầu trên thị trường xuất khẩu, tốc độ tăng trưởng nhu cầu đã bắt đầu chậm lại. Tiêu thụ hầu hết các hóa chất ở Trung Quốc chỉ tăng trưởng nhẹ ở mức một chữ số hoặc thậm chí giảm trong thời kỳ 2021-2023, do đó góp phần gây ra tình trạng dư thừa nguồn cung như hiện nay. Xu hướng này có khả năng đang tiếp tục trong năm 2024.  

Dư thừa công suất ở Trung Quốc

Năm 2024, tình trạng dư thừa công suất đối với 6 khối thành phần hóa dầu cơ bản (etylen, propylen, butadien, benzen, xylen và tolen) được dự báo sẽ đạt 222 triệu tấn, đây là mức cao nhất đã ghi nhận được kể từ năm 1978. Con số này dự kiến sẽ tăng tiếp đến 226 triệu tấn trong năm 2025.

Công suất hóa chất dư thừa đã bắt đầu được hình thành ở Trung Quốc kể từ năm 2014, 5 năm sau khi chính phủ nước này đưa ra chương trình hỗ trợ tăng khả năng tự cung tự cấp của ngành hóa dầu. Đến năm 2030, dự báo Trung Quốc sẽ chiếm 38% tổng công suất toàn cầu đối với 6 khối thành phần hóa dầu cơ bản nói trên.

Vai trò chi phối của Trung Quốc đối với một số hóa chất cơ bản đang tăng nhanh.

Năm 2024, dự báo công suất hóa chất của Trung Quốc sẽ tăng 18,7 triệu tấn/năm, chiếm 81% tổng mức tăng công suất hóa chất trên toàn cầu.

Trong năm 2024, Trung Quốc cũng được dự báo sẽ chiếm 23% công suất etylen toàn cầu. Etylen là khối thành phần cơ bản để sản xuất hơn 75% các sản phẩm hóa dầu.

Hiện  nay, Trung Quốc là quốc gia xuất khẩu lớn nhất thế giới đối với nhựa PET, PTA tinh khiết, PVC và sợi polyeste.

Xuất khẩu PP của Trung Quốc đã tăng từ khoảng 0,5 triệu tấn năm 2020 lên 1,3 triệu tấn năm 2023, trong khi đó nhập khẩu ròng giảm hơn một nửa, từ 6,1 triệu tấn xuống 2,8 triệu tấn.

Sản xuất quy mô lớn cũng giúp Trung Quốc trở thành quốc gia sản xuất hàng đầu đối với một số hóa chất tinh khiết và hóa chất chuyên dụng, ví dụ phụ gia chất dẻo. Do sản xuất các chất dẻo phụ thuộc nhiều vào phụ gia nên xu hướng trên sẽ ảnh hưởng mạnh đến các chuỗi cung ứng và giá trên thị trường.

Vì vậy, thập niên tới sẽ trở thành thời kỳ quan trọng cho sự phát triển của các chuỗi cung ứng hóa chất, khi các nhà cung ứng phải thích nghi với xu hướng tăng trưởng chậm hơn, xu hướng củng cố thị trường, nhu cầu thay đổi và cạnh tranh ngày càng tăng từ Trung Quốc, cũng như mức độ sử dụng công nghệ và tự động hóa cao hơn.

Nguồn: