Thời gian gần đây, giá phân bón tăng mạnh do nguồn cung giảm đột ngột. Trước thực tế trên, một số đối tượng xấu đã lợi dụng tình hình này để sản xuất, kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc.
Từ đầu năm đến nay, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) các tỉnh như: Tiền Giang, Đăk Nông, Long An… liên tiếp kiểm tra, phát hiện, thu giữ và xử lý vi phạm hành chính các cơ sở kinh doanh phân bón. Các hành vi vi phạm chủ yếu là phân bón không đảm bảo chất lượng; có nhãn nhưng không ghi đủ nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn theo tính chất hàng hóa; ghi không đúng nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa; hay buôn bán phân bón không có quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam; không có nhãn hiệu bằng tiếng Việt… Đáng chú ý, trong quá trình kiểm tra, lực lượng QLTT phát hiện có cơ sở kinh doanh phân bón giả, vụ việc đã được chuyển giao hồ sơ cho cơ quan công an để tiếp tục điều tra xử lý.
Mới đây, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn) đã công bố việc xử phạt 92 cơ sở vi phạm quy định về nội dung ghi nhãn, chất lượng sản phẩm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV). Trong đó, 44 cơ sở nhập khẩu, 9 cơ sở sản xuất, 6 cơ sở buôn bán phân bón không đảm bảo chất lượng; ngoài ra còn có 3 cơ sở kinh doanh phân bón vi phạm nội dung ghi nhãn, 1 cơ sở không thực hiện công bố hợp quy đối với sản phẩm phân bón.
Một số doanh nghiệp nhập khẩu phân bón kém chất lượng bị "điểm mặt chỉ tên" như: Công ty TNHH Thương mại Quốc tế Nhuận Việt nhập khẩu Ammonium Chloride; Công ty Cổ phần Đầu tư Hợp Trí nhập khẩu phân bón lá Hợp trí Super Humic; Công ty TNHH xuất nhập khẩu Trung Giang nhập khẩu phân bón NPK 18 - 11-59+2MgO (Nutrigel); Công ty Cổ phần Sản xuất và Thương mại Hóa Chất An Phú nhập khẩu phân bón Ammonium Sulphate; Công ty TNHH Nguyễn Duy nhập khẩu phân bón NPK Buff 19-9-19 TN…
Ông Nguyễn Đức Lê - Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ (Tổng cục QLTT) – cho rằng, hiện nay, một số cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc BVTV giả, kém chất lượng… chống đối sự kiểm tra của lực lượng chức năng bằng cách di dời cơ sở sản xuất vào vùng hẻo lánh, thưa thớt dân cư; sau khi sản xuất xong, mang ra thị trường bán ồ ạt vào thời điểm nhất định, và xóa sổ luôn xưởng sản xuất đó. Vì vậy, việc phát hiện, theo dõi các cơ sở này đòi hỏi phải có sự vào cuộc cả hệ thống.
Dự báo, trong thời gian tới, tình hình vi phạm trong sản xuất, kinh doanh phân bón sẽ có những diễn biến phức tạp. Để chủ động đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm trong sản xuất, kinh doanh, góp phần bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng, trước đó, Tổng cục QLTT đã có Công văn số 129/TCQLTT-CNV ngày 26/1/2022 về việc tăng cường kiểm tra mặt hàng phân bón, thuốc BVTV. Bên cạnh tăng cường kiểm tra, kiểm soát, lực lượng QLTT tiếp tục kết hợp làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh phân bón, thuốc BVTV trên địa bàn nhằm nâng cao nhận thức, ý thức của người kinh doanh phân bón, thuốc BVTV.
Theo Hiệp hội Phân bón Việt Nam, bà con nông dân nên tìm mua các sản phẩm vật tư nông nghiệp có hóa đơn, chứng từ rõ ràng, đặc biệt không sử dụng hàng hóa trôi nổi.