Hiệp hội này cũng cho biết, tính đến 30/3/2010, lượng phân urê phục vụ hè thu là 576.000 tấn. Dự kiến, đến tháng 4, sản xuất trong nước sẽ có thêm 85.000 tấn, nâng tổng số lượng urê lên 661.000 tấn.
Lượng phân DAP đến cuối tháng 3 sẽ đạt 128.000 tấn, phân SA là 150.000 tấn và kali là 190.000 tấn. Ngoài ra còn có các loại super lân, phân lân nung chảy, phân NPK và phân vi sinh-hữu cơ.
Trên thị trường quốc tế, dự báo có thể xảy ra một đột biến lớn, ngắn về giá phân bón. Thực tế, các loại phân bón đã tăng trong quý 1/2010. Dự báo giá một số loại còn tiếp tục tăng trong thời gian gần. Giá sulphur tăng cao kéo theo giá DAP sẽ tăng trong tháng 4-5/2010.
Cho đến tháng 6, giá DAP mới cải thiện do Trung Quốc, Australia có hàng xuất và có thêm nhà máy mới. Mới đây, tại Hội nghị Phân bón cho vụ hè thu 2010, ông Lê Quốc Phong, Phó chủ tịch Hiệp hội phân bón nhấn mạnh: “Giá phân bón hiện nay chưa tăng vì chưa vào vụ. Tuy nhiên, với tình hình giá than, điện tăng dự báo giá sẽ tăng khi nông dân vào vụ sản xuất”.
Năm 2009, các doanh nghiệp ngành phân bón đã thực hiện bình ổn giá thì năm nay càng cần thiết. Với tư cách là Giám đốc Công ty Phân bón Bình Điền, ông Phong khẳng định: “Công ty cam kết giữ giá phân bón cho đến hết vụ sản xuất”. Còn trên cương vị Phó chủ tịch Hiệp hội, ông kêu gọi các doanh nghiệp trong ngành cân đối mức giá hợp lý cho nông dân.
Quanh vấn đề bình ổn giá phân bón, doanh nghiệp cho rằng, năm nay nhiều khó khăn hơn năm trước như lãi suất ngân hàng tăng cao, giá điện, than tăng nhưng yêu cầu đầu ra không tăng là khó cho doanh nghiệp.
Bà Nguyễn Thị Ngọ, Phó chủ tịch Hiệp hội nói, nhiều mặt hàng khác được xét hỗ trợ bình ổn giá thì phân bón cũng cần thiết được xem xét. Bà kiến nghị: “Việc bình ổn giá cần tính đến chuyện giảm lãi suất vay ngân hàng. Không thể chấp nhận được mức lãi suất 18-20%”.
Một doanh nghiệp ở đồng bằng sông Cửu Long cho biết, một mặt phải cố gắng dự trữ phân bón cho vụ hè thu nhằm giữ ổn định giá, mặt khác, thị trường phân bón tại đây đang bị “đóng băng” chưa tiêu thụ được. Do Kiên Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu... đang bị mặn xâm nhập nên nhiều diện tích vụ hè thu phải xạ lại.
Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho biết sẽ có cuộc họp với các Bộ Tài chính, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các nhà sản xuất về giá phân bón sao cho phù hợp. Về lâu dài, Hiệp hội cũng đề nghị các nhà sản xuất cần nghiên cứu dần chuyển đổi công nghệ sản xuất NPK để đỡ về kho bãi, vận chuyển, công lao động, chi phí và góp phần bảo vệ môi trường.
Hiện nhiều nước đã chuyển từ công nghệ tạo hạt hơi nước sang công nghệ lò cao, từ công nghệ lò cao sang công nghệ tạo hạt hợp lý hóa học. NPK sản xuất theo công nghệ này cho chất lượng cao, hợp lý hóa đất và cây trồng tối ưu, cho năng suất cao.
Một xu thế khác mà thế giới đang chuyển hướng sử dụng là phân hữu cơ, phân vi sinh. Hiện một số doanh nghiệp trong nước phát triển tốt sản phẩm này. Thuận lợi là nguyên liệu có nhiều.
Đại diện Hiệp hội Phân bón cũng kiến nghị phát triển phân lân nung chảy. Năm 2008, Hiệp hội đã kiến nghị phát triển phân lân nung chảy thêm 1 triệu tấn vì hiện đang khan hiếm. Trong nước mới có Công ty Văn Điển, Ninh Bình công suất 600.000 tấn và có kế hoạch phát triển thêm 200.000 tấn, Công ty Super Lâm Thao là 300.000 tấn...
Loại phân này có thể đáp ứng cho cơ cấu phân bón phục vụ nông nghiệp trong nước và một phần xuất khẩu. Nhưng việc tuyên truyền, tiếp thị chưa bài bản nên việc sử dụng còn hạn chế. Theo đó, Hiệp hội đề nghị trước mắt nên phát triển loại phân này đến 1,5 triệu tấn từ năm 2010 -2015.