Giá phân u-rê liên tục tăng

01:58 CH @ Thứ Năm - 10 Tháng Năm, 2012

Trong hai tuần qua, tại đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) giá phân u-rê cứ tăng hằng ngày. Nguyên nhân là do giá u-rê trên thị trường thế giới tăng, kéo giá trong nước tăng theo.

Cuối tháng 3, giá phân u-rê hạt đục và trong trên thị trường thế giới dao động từ 490- 495 đô la Mỹ/tấn, nhưng qua đầu tháng 5 giá u-rê trên thị trường thế giới đã tăng thêm khoảng 15- 20 đô la Mỹ/tấn.

Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, ông Lê Quốc Phong, Phó chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam, cho biết giá phân u-rê trong nước tăng là do giá u-rê thế giới tăng trong 2 tuần qua. Theo ông Phong, mặc dù nhà máy đạm Cà Mau của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã đi vào hoạt động nhưng nguồn cung cho thị trường trong nước vẫn chưa đủ.

"Những năm trước Đạm Phú Mỹ vừa sản xuất vừa nhập khẩu u-rê nhưng năm nay không còn nhập khẩu, còn các công ty nhập khẩu phân u-rê từ lâu đã không còn đưa mặt hàng này vào danh mục kinh doanh nữa rồi", ông Phong nói.

Ông Hoàng Kim, một nông dân làm lúa tại thị trấn Sa Rài, huyện Tân Hồng, Đồng Tháp cho biết, giá phân u-rê tại đây đang được bán với giá 600.000 đồng/bao (loại 50kg), tăng khoảng 50.000 đồng/bao so với thời điểm tháng 2-2012.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), để tính toán người nông dân có lãi từ trồng lúa thì cách đơn giản nhất là căn cứ trên giá phân u-rê trong vụ đó. Cụ thể là giá 2 kg lúa bán ra vào cuối vụ phải bằng 1 kg phân u-rê trong vụ đó. Và nếu 1 kg u-rê cao hơn giá thành của 2 kg lúa thì người nông dân làm lúa bị thiệt.

Theo công thức tính giá của Bộ NN&PTNT nói trên, 1 kg u-rê có giá 12.000 đồng, như vậy, giá lúa hè thu trong vụ tới phải có mức giá cao hơn 6.000 đồng/kg. Còn nếu thấp hơn thì người dân làm vụ hè thu sẽ bị lỗ.

Theo Bộ NN&PTNT, lượng phân bón nhập khẩu trong tháng 4 ước đạt 330.000 tấn. Tính đến hết tháng 4, cả nước nhập khẩu khoảng 938.000 tấn tương ứng với giá trị nhập khẩu là 401 triệu đô la Mỹ, giảm 27,3% về khối lượng và giảm 16,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2011.

Nguồn: