Brazil tăng tốc nhập khẩu phân bón trong ba tháng đầu năm nay do phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các nhà cung cấp lớn là Nga và Belarus gây rủi ro cho việc nhập khẩu trong tương lai, dữ liệu vận tải cho thấy vào thứ Tư (06/04).
Phân bón là yếu tố chính để giữ cho năng suất ngô, đậu nành, gạo và lúa mì ở mức cao. Những người nông dân tại Brazil và các nơi khác đã rơi vào hoàn cảnh khó khăn khi giá tăng vọt trong bối cảnh thương mại bị gián đoạn do cuộc xung đột giữa Nga - Ukraine.
Theo dữ liệu từ Cargonave, nhập khẩu phân bón của Brazil trong tháng đầu năm 2022 đã tăng 27,4%, đạt 10,43 triệu tấn.
Cargonave cho biết Nga, Trung Quốc và Canada là ba nhà cung cấp hàng đầu của Brazil.
Brazil là nước nhập khẩu phân bón lớn, 85% nhu cầu sử dụng phụ thuộc vào các nhà cung cấp nước ngoài.
Sau khi xung đột ở Đông Âu diễn ra, chính phủ Brazil đã công bố các kế hoạch nhằm giảm bớt sự phụ thuộc đó. Nhưng ngành công nghiệp trong nước cần thời gian để tăng cường sản xuất nội địa.
Công ty tư vấn MacroSector ước tính lượng phân bón tiêu thụ trong nước của Brazil sẽ giảm 8% xuống 42,18 triệu tấn vào năm 2022. Điều này phản ánh sự gián đoạn thương mại, khả năng giảm trồng các loại cây chính như đậu nành và lượng đơn đặt hàng giảm.
Theo dữ liệu vận tải tổng hợp bởi Agrinvest Commodities, trong ngắn hạn, ước tính khoảng 547.000 tấn phân bón của Nga sẽ được chuyển đến các cảng của Brazil vào tháng 4. Trong đó, chuyến hàng được chuyển trước cuộc xung đột ước tính là khoảng 181.600 tấn, chia thành 5 tàu. Và ước tính có khoảng 365.400 tấn chia thành 11 tàu, đã rời Nga sau khi cuộc xung đột diễn ra, theo Agrinvest.
Mặc dù dữ liệu vận tải cho thấy các tàu chở phân bón đến Brazil sau khi diễn ra cuộc xung đột, nhưng các giao dịch mua bán phân bón của Nga ít được xác nhận hơn trong những ngày gần đây. Điều này cho thấy khả năng giảm các chuyến hàng chở chất dinh dưỡng cho cây trồng từ Nga đến các quốc gia khác,bao gồm Brazil.
Sinprifert, nhà vận động hành lang công nghiệp đại diện cho Mosaic và Yara ở Brazil, cho biết trong một cuộc phỏng vấn rằng nông dân địa phương sẽ có đủ chất dinh dưỡng để trồng vụ hè thu vào cuối năm nay.
Tuy nhiên, Bernardo Silva - giám đốc điều hành của Sinprifert - cảnh báo những rủi ro liên quan đến lệnh cấm xuất khẩu phân bón của Trung Quốc và căng thẳng leo thang ở Đông Âu sẽ giữ giá thành ở mức cao.
Silva cũng nói rằng sản xuất phân bón địa phương có thể tăng 35% đến năm 2024. Nhưng điều đó còn phụ thuộc vào sự kết hợp của nhiều yếu tố bao gồm thay đổi quy định, tài trợ cho một số dự án khai thác mỏ và công nghiệp.