Nhu cầu phân bón tăng, nhưng không "sốt" hàng, "sốt" giá

08:34 SA @ Thứ Sáu - 04 Tháng Năm, 2012
Bộ Công Thương cho biết, sau một thời gian dài ổn định, giá phân bón trong nước đã tăng nhẹ do tác động từ thị trường thế giới và việc tăng giá xăng dầu trong nước vừa qua. Khi bước vào chính vụ hè thu, giá phân bón sẽ không tăng mạnh do vẫn còn hàng tồn kho và một số nhà máy đang đi vào sản xuất. Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Nam Hải, từ tháng 4, các địa phương đã chuẩn bị bước vào sản xuất vụ lúa hè thu, nhu cầu tiêu thụ phân bón tăng mạnh nên sản xuất phân bón tăng theo. Theo đó, sản xuất phân bón 4 tháng đầu năm tăng so với cùng kỳ: phân đạm urê tăng 15,6%; phân lân tăng 15,3%; phân DAP tăng 49,7%...

Về giá phân bón, do hạn chế nguồn cung nên giá phân bón trên thị trường thế giới đã tăng trong thời gian gần đây, trong đó, phân urê tăng khoảng 10 USD/tấn. Cùng với tác động từ thị trường thế giới, việc tăng giá xăng dầu ở trong nước vừa qua đã làm tăng cước phí vận chuyển và tâm lý mua hàng tích trữ chuẩn bị vào vụ hè thu khiến giá phân bón các loại tăng nhẹ, từ 5% đến 10%. Đáng chú ý, tại các tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long, do các tỉnh này đang chuẩn bị bước vào vụ sản xuất lúa hè thu, nhu cầu sử dụng phân bón tăng lên khiến giá tăng hơn. Tuy nhiên, do nguồn cung ổn định nên mặc dù giá có tăng, nhưng sẽ không xảy ra hiện tượng "sốt" hàng, "sốt" giá. Bên cạnh đó, nhà máy Đạm Phú Mỹ đang hoạt động hết công suất, nhà máy Đạm Cà Mau cũng đã xuất bán sản phẩm urê ra thị trường và nhà máy Đạm Ninh Bình với công suất 560.000 tấn/năm, dự kiến sẽ chính thức đi vào hoạt động trong quý II này cũng sẽ góp phần bổ sung nguồn cung cho thị trường phân đạm. Ngoài ra, nguồn hàng tiểu ngạch cũng chuẩn bị về nhiều giúp tăng nguồn cung ra thị trường. Do đó, nguồn cung phân bón rất dồi dào, khó có khả năng tăng giá mạnh.

Mặc dù nguồn cung dồi dào và đáp ứng đủ nhu cầu thị trường, nhưng theo Hiệp hội Phân bón Việt Nam, khi vào chính vụ, nhu cầu tăng cao, giá tăng thì cũng xuất hiện hiện tượng phân bón giả, kém chất lượng trên thị trường. Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam Nguyễn Đình Hạc Thúy, cho biết: mặc dù tình trạng sản xuất, kinh doanh phân bón giả đến nay đã giảm so với các năm trước nhưng diễn biến vẫn còn phức tạp. Trong đó, phân kali và hỗn hợp NPK là mặt hàng bị làm giả nhiều do công nghệ sản xuất đơn giản, chi phí đầu tư thấp. Theo phân tích của ông Thúy, phân bón kém chất lượng, phân bón giả không chỉ gây thiệt hại cho người nông dân về vật chất mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất, chất lượng nông sản và gây ô nhiễm môi trường. Mỗi khi giá nguyên liệu tăng mạnh, giá bán phân bón chưa được điều chỉnh, một số doanh nghiệp, nhất là những cơ sở nhỏ, không tìm cách giảm chi phí mà tự điều tiết giảm hàm lượng chất có ích để duy trì sản xuất, cạnh tranh và kiếm lợi bất chính là nguyên nhân làm số vụ gian lận trong lĩnh vực này gia tăng mạnh. Điều này không phải ngẫu nhiên mà Cục Quản lý Thị trường (Bộ Công Thương) công bố, bình quân mỗi năm Cục xử lý trên 300 vụ vi phạm chủ yếu là phân bón kém chất lượng làm giả nhãn mác của công ty, thương hiệu lớn.

Hiệp hội Phân bón cũng cho rằng, do mức xử phạt vi phạm trong sản xuất kinh doanh phân bón hiện nay quá thấp, chỉ từ 40 đến 50 triệu đồng/vụ vi phạm, "chưa thấm vào đâu" so với lợi nhuận mà họ thu được nên chưa đủ sức răn đe khiến đối tượng tiếp tục tái phạm. Để tăng cường quản lý chất lượng phân bón, ngăn chặn phân bón giả, kém chất lượng, nhà nước cần có chế tài xử phạt thật mạnh đối với hành vi phạm mới đủ sức răn đe, đồng thời thống nhất một cơ quan cấp giấy phép sản xuất phân bón. Bộ Công Thương cũng đề nghị các cơ quan quản lý của địa phương tuân thủ quy hoạch phát triển công nghiệp hóa chất đến năm 2010, có tính đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; tập trung đầu tư chiều sâu với các cơ sở hiện có, không phát triển các cơ sở sản xuất phân bón NPK theo công nghệ cũ. Đặc biệt, ngoài việc tăng cường kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về các điều kiện sản xuất phân bón, các chỉ tiêu chất lượng mà doanh nghiệp đã công bố còn tập trung kiểm tra các cơ sở sản xuất phân bón quy mô nhỏ, máy móc, thiết bị và các điều kiện sản xuất không bảo đảm đúng với chất lượng đã công bố.
Nguồn: