Những trở ngại đối với quá trình phục hồi sau đại dịch của công nghiệp hóa chất châu Âu

03:18 CH @ Thứ Hai - 07 Tháng Ba, 2022

Sau năm 2020 đầy sóng gió, sang năm 2021 nhân viên các công ty hóa chất châu Âu đã dần quay trở về nơi làm việc, công suất sản xuất tăng khi thị trường hồi phục trở lại. Nhưng bên cạnh những tin tức tốt như vậy là lo ngại về những trở ngại đang tác động mạnh một cách bất ngờ đến các nhà sản xuất hóa chất hiện nay, ví dụ các vấn đề của chuỗi cung ứng và tình trạng thiếu nguyên liệu cho sản xuất.

Những căng thẳng hiện nay trong chuỗi cung ứng bao gồm tình trạng thiếu công-ten-nơ vận chuyển, thiếu lái xe, các chậm trễ khi làm thủ tục ở biên giới,... Cùng với các vấn đề đã tồn tại trước đó trong mạng lưới hậu cần, công nghiệp hóa chất (CNHC) trên toàn thế giới đang phải chịu tác động dài hạn của những đứt gãy trong chuỗi cung ứng do các vấn đề liên quan đến dịch COVID-19.

Một số báo cáo mới đây cho thấy, các công ty hóa chất châu âu đã cảm nhận rõ những tác động nêu trên. Ví dụ, tại Công ty sản xuất hóa chất chuyên dụng Solvay (Bỉ) giá nguyên liệu, năng lượng và chi phí hậu cần trong 9 tháng đầu năm 2021 đã tăng thêm 210 triệu EUR so với năm 2020. Công ty dự kiến tổng mức tăng chi phí cho cả năm sẽ lên đến khoảng 400 triệu Euro. Solvay đang tăng giá sản phẩm để chuyển một phần những chi phí tăng thêm đó cho khách hàng chịu. Trong một cuộc họp với các chuyên gia phân tích thị trường, giám đốc điều hành của Solvay cho biết lạm phát đang tăng rất cao và lần đầu tiên sau nhiều năm Công ty phải chứng kiến sự tăng giá mạnh như vậy trong một thời gian ngắn.  

Giá dầu mỏ đã tăng hơn gấp đôi trong 12 tháng qua và hiện cao gấp 3,5 lần mức giá tháng 3/2020 trước khi dịch COVID-19 bùng phát. Đây là mức tăng tương tự như trong cuộc khủng hoảng dầu mỏ thời kỳ 1973-1974 và các đợt tăng giá mạnh thời kỳ 2007-2008, khi kinh tế thế giới đi vào suy thoái. Khi phần lớn các tổ chức dự báo kinh tế đều dự báo giá dầu mỏ năm 2022 sẽ giữ trên 70 USD/thùng, có khả năng các mức giá cao sẽ tiếp tục duy trì trong thời gian tới.

Tình hình trong ngành sản xuất sơn hiện nay là minh họa cho tác động của sự tăng giá nguyên liệu đối với những cố gắng hồi phục từ đại dịch của CNHC châu âu. Báo cáo của Liên hiệp các nhà sản xuất sơn Anh quốc (BCF) cho biết, một số dung môi quan trọng đã tăng giá gấp đôi hoặc gấp ba. Trung bình, giá dung môi sơn hiện cao hơn 85% so với cùng kỳ năm trước. Nhựa và các nguyên liệu liên quan cũng đã tăng giá 36%. Theo BCF, do nguyên liệu chiếm khoảng 50% tổng chi phí trong sản xuất sơn và những chi phí khác như năng lượng cũng tăng nhanh nên tác động đối với ngành sơn là khá lớn.      

Chi phí năng lượng tăng cao

Giá dầu mỏ và nguyên liệu hóa chất đã tăng cùng với những đợt tăng mạnh giá năng lượng trên toàn cầu. Giá khí thiên nhiên đã tăng mạnh nhất, giá khí thiên nhiên tại châu âu và châu Á hiện cao gấp khoảng 10 lần so với cùng kỳ năm trước. Giá than trên thị trường quốc tế cũng cao hơn gấp 5 lần mức giá cách đây 1 năm. Các nhà máy nhiệt điện than tại Trung Quốc và Ấn Độ - hai quốc gia tiêu thụ than lớn nhất thế giới - đã cảnh báo về lượng than dự trữ rất thấp trước khi bắt đầu mùa đông.

Để bảo vệ mình trước giá năng lượng cao và dao động nhanh, các công ty hóa chất đã hoặc đang chuẩn bị tăng giá sản phẩm. Công ty LyondellBasell, một trong những nhà sản xuất polyme lớn nhất châu âu, đã bắt đầu tính thêm chi phí khí thiên nhiên và điện đối với tất cả các đơn hàng từ 1/11/2021 cho các sản phẩm polypropylen, polyetylen tỷ trọng cao và thấp, catalloy (polyolefin nhiệt dẻo) và polybutylen, ban đầu mức chi phí tính thêm là 50 EUR/tấn. Nhưng theo Công ty, trên thực tế chi phí điện, nước và nhiệt đã tăng thêm 100 EUR/tấn từ năm 2020.

Công ty sản xuất hóa chất chuyên dụng Hunstman đã áp dụng mức tăng giá 125 Euro/tấn đối với tất cả các đơn đặt hàng metylen diphenyl diisocyanate tại châu âu, châu Phi, Trung Đông và châu Á, Công ty đưa ra nguyên nhân là giá khí thiên nhiên tăng cao.

Hiệp hội Công nghiệp hóa chất Đức (VCI) cũng cảnh báo, tình trạng thiếu nguyên liệu cũng như giá năng lượng cao sẽ không sớm được cải thiện, những yếu tố đó sẽ gây áp lực lên nền kinh tế và dẫn đến sự suy giảm hoạt động của ngành hóa chất trong mùa đông 2021 - 2022.

Quá trình Brexit bắt đầu

đối với CNHC Anh, năm 2021 đánh dấu năm đầu tiên hoạt động trong bối cảnh nước Anh không còn là thành viên EU và đang nằm trong giai đoạn chuyển tiếp. Những hậu quả của quá trình Brexit đang dần bộc lộ cùng với những vấn đề do dịch COVID-19 gây ra.

Những chậm trễ trong hoạt động thông quan biên giới liên quan đến Brexit đang gây áp lực lên chuỗi cung ứng mà hiện đã khá căng thẳng. Nhìn chung, các công ty Anh vẫn lo ngại về rủi ro mất khách hàng xuất khẩu ở EU và khả năng mất sức cạnh tranh với các công ty EU do kết quả của các điều khoản trong Hiệp định Thương mại và hợp tác Anh-EU. 

Một điều đã trở nên rõ ràng trong năm 2021 là sự khác biệt giữa EU và Anh đã trở nên không thể tránh được. Ví dụ, trong đợt công bố quyết định đầu tiên năm 2021, Ủy ban Sức khỏe và an toàn của Anh đã từ chối ủng hộ gần 1/5 các quan điểm đánh giá rủi ro mà Cơ quan Hóa chất châu âu ECHA công bố trong các năm 2019 và 2020 dựa trên quy định bắt buộc về dán nhãn và đóng gói của EU. 

Các mục tiêu về bảo vệ môi trường và sản xuất bền vững

Hội đồng Công nghiệp hóa chất châu âu (CEFIC) đã cảnh báo về nhiều thách thức ở phía trước, khi ngành hóa chất của EU phải trải qua quá trình chuyển đổi kép để đáp ứng các mục tiêu trong Thỏa thuận xanh châu Âu, bao gồm mục tiêu về hạn chế phát thải CO­2, kinh tế tuần hoàn và kỹ thuật số, trong khi chờ đợi cải cách khuôn khổ pháp lý theo Chiến lược sản xuất hóa chất bền vững tại EU.  

Trong khi chờ đợi những cải cách đó, ngày càng nhiều công ty hóa chất đã siết chặt mục tiêu giảm phát thải. Tập đoàn BASF đặt ra mục tiêu mới là đến năm 2030 sẽ cắt giảm 25% phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính, mặc dù hiện nay Tập đoàn đang xây dựng những nhà máy mới quy mô lớn tại Trung Quốc. Công ty Bayer chuyên về khoa học cây trồng và dược phẩm tại Đức đã cam kết cắt giảm phát thải từ 3,8 triệu tấn tấn năm 2019 xuống 2,2 triệu tấn cuối năm 2029. Các công ty thành viên của Hiệp hội Công nghiệp hóa chất Anh cũng công bố mục tiêu cắt giảm 50% phát thải CO­2 vào năm 2034 và giảm tiếp 90% vào năm 2050.

Cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng và tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo là những chiến lược phổ biến hiện nay để giảm phát thải, các công ty cũng áp dụng ngày càng nhiều công nghệ thu giữ CO­2 tại các nhà máy của mình.

Xu hướng này sẽ tiếp tục và các công ty hóa chất sẽ phải chịu ngày càng nhiều áp lực khi dư luận xã hội đang trở nên ngày càng nhạy cảm đối với các vấn đề về phế thải chất dẻo cũng như việc loại bỏ sản phẩm sau khi sử dụng.

Một vấn đề tiếp theo là nhu cầu đối với nhiều chất dẻo và hóa chất truyền thống có thể sẽ suy yếu khi người dân ngày càng hiểu biết về tác động của các sản phẩm đối với môi trường và sẵn sàng chấp nhận các sản phẩm thay thế thân thiện môi trường, cho dù giá của chúng có thể cao hơn hoặc chức năng sử dụng có thể giảm.

Sự dịch chuyển chiến lược về hướng sản xuất bền vững

Song song với những mục tiêu đầy tham vọng về bảo vệ môi trường, dự thảo Chiến lược sản xuất hóa chất bền vững của EU cũng là một trong những vấn đề nổi bật nhất trong năm 2021. Chiến lược này sẽ tạo ra sự chuyển biến lớn nhất trong các quy định đối với ngành hóa chất châu âu kể từ khi quy định REACH được ban hành. Ví dụ, dự thảo chiến lược dự kiến sẽ cấm một số nhóm hóa chất nhất định như PFAS và các chất gây kích ứng da trong hỗn hợp các sản phẩm tiêu dùng, đồng thời đưa ra các hạn chế chặt chẽ hơn đối với những hóa chất được xếp loại có rủi ro, như các chất độc hại đối với môi trường, các chất tồn tại dai dẳng trong môi trường, có khả năng tích lũy sinh học,... 

Báo cáo tháng 12/2021 của CEFIC cảnh báo, một số biện pháp được trình bày trong dự thảo chiến lược nêu trên sẽ khiến cho ít nhất 12% danh mục sản phẩm của CNHC châu âu bị biến mất vào năm 2040. 

Với những hạn chế dự kiến đối với một số hóa chất và xu hướng giảm sản xuất cũng như sử dụng các sản phẩm có chứa những hóa chất đó - hoặc do chi phí sản xuất tăng - CEFIC ước tính các công ty hóa chất có thể mất đi 47-81 tỉ EUR doanh thu hàng năm trong thời gian 2023-2040. Báo cáo của CEFIC nhấn mạnh những tác động tiềm năng như chi phí tuân thủ và vận hành, những hạn chế về sản xuất và sử dụng mà các công ty đưa những sản phẩm như vậy ra thị trường EU sẽ phải chịu.  

Đồng thời, CEFIC cũng lưu ý khả năng giảm nguồn cung một số hóa chất nhất định theo quy định mới và cùng với đó là nguồn cung những sản phẩm sử dụng các hóa chất đó, những yếu tố hạn chế như vậy có thể sẽ cản trở kế hoạch của EU phát triển những sản phẩm thiết yếu để góp phần đạt các mục tiêu về bảo vệ môi trường.  

- Bản tin công nghiệp Hóa chất số 2/2022-