FMP Ninh Bình cung cấp các giải pháp cải thiện chất lượng đất bền vững, mang lại lợi nhuận cho người tiêu dùng, cải thiện chất lượng cây trồng và tăng năng suất.
Theo thông tin từ Hãng nghiên cứu Precedence Research, ước tính, quy mô thị trường phân bón toàn cầu năm 2022 đạt 207,93 tỷ USD, và dự kiến sẽ cán mốc 271,6 tỷ USD vào năm 2030.
Trong đó, riêng đối với thị trường phân lân toàn cầu là 64 tỷ USD vào năm 2022 và sẽ tiếp tục được “phình to" trong các năm sắp tới. Nhu cầu sử dụng phân lân tăng cao do dân số thế giới ngày càng tăng và yêu cầu năng suất nông nghiệp cao hơn là những yếu tố chính thúc đẩy tăng trưởng doanh thu thị trường
Theo lý giải của Tổ chức Nông lương Thế giới (FAO), dự đoán vào năm 2050, hơn 70% dân số thế giới sẽ sống ở các thành phố. Vì thiếu đất canh tác trên khắp thế giới, nông dân đang bị buộc phải sử dụng thêm nhiều phân bón để tăng sản lượng nông nghiệp.
Ngoài ra, nhu cầu về phân lân hữu cơ ngày càng tăng do quá trình chuyển đổi sang các phương pháp nông nghiệp bền vững và nhu cầu của người tiêu dùng đối với thực phẩm hữu cơ. Những loại phân bón này không chứa bất kỳ hóa chất nguy hiểm nào và việc sử dụng chúng sẽ ngăn ngừa suy thoái và ô nhiễm đất.
Có thể thấy, sự phát triển công nghệ trong sản xuất phân lân là kết quả của nhu cầu ngày càng tăng về năng suất nông nghiệp.
Đi theo xu hướng đó, các nhà sản xuất phân bón đang chi tiêu đáng kể vào Nghiên cứu & Phát triển (R&D) để tạo ra các sản phẩm mới và có tính sáng tạo nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về phân lân. Ví dụ như việc sử dụng phân bón nhả chậm có thể làm tăng năng suất nông nghiệp trong khi cần ít phân bón hơn.
Đáp ứng được nhu cầu trên, phân lân nung chảy có đặc tính không tan trong nước nhưng tan được trong môi trưởng axit yếu do đầu rễ cây tiết ra nên cây trồng có thể hấp thụ được mà lân không bị cố định trong nước, an toàn về môi trường sinh thái.
Từ thực tiễn trên, mới đây, Bộ Khoa học và Công nghệ vừa ban hành quyết định công bố tiêu chuẩn quốc gia TCVN 1078:2023 về sử dụng phân lân nung chảy cho nông nghiệp hữu cơ.
Cụ thể, phân lân nung chảy dùng trong trồng trọt hữu cơ đều phải đáp ứng đầy đủ tiêu chí được yêu cầu. Đồng thời, nguyên liệu sản xuất có nguồn gốc từ tự nhiên, không sử dụng hóa chất trong quá trình sản xuất.
Quy định TCVN 1078:2023 được thay thế cho TCVN 1078:2018 và do Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia TCVN/TC 134 phân bón biên soạn, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đề nghị, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.
Đối với Phân lân nung chảy Ninh Bình (tên quốc tế là FMP Ninh Bình), tháng 10/2018, sản phẩm này đã được cơ quan BioGro của New Zealand chứng nhận là sản phẩm đầu vào cho nông nghiệp hữu cơ tại New Zealand.
Đây không phải lần đầu tiên sản phẩm của Công ty Cổ phần Phân lân Ninh Bình được thị trường nước ngoài đánh giá cao, mà trước đó, vào tháng 7/2017, sản phẩm này cũng đã được chứng nhận là sản phẩm đầu vào cho nông nghiệp hữu cơ tại Úc.
Thâm nhập vào các thị trường khó tính như trên không phải điều dễ dàng, FMP Ninh Bình phải đáp ứng được các yêu cầu khắt khe của các nước cũng như có một số những ưu điểm nổi trội. Theo đó, FMP Ninh Bình cung cấp các giải pháp cải thiện chất lượng đất một cách bền vững, mang lại lợi nhuận cho người tiêu dùng, cải thiện chất lượng cây trồng, giảm chi phí đầu vào, tăng năng suất.
Bên cạnh đó, yếu tố bảo vệ môi trường luôn được ưu tiên vì FMP là hợp chất phosphate canxi - magie - silic, được sản bằng phương pháp nhiệt từ các khoáng chất tự nhiên và không có sự thay đổi về hóa học.
Đồng thời, FMP Ninh Bình còn còn cung cấp sự điều chỉnh dinh dưỡng không chỉ cho cây trồng mà còn cho đất, đặc biệt là đất chua (axit) nên giúp tăng pH trong đất tới mức phù hợp, cung cấp đủ các chất dinh dưỡng và khoáng chất khác cần thiết cho đất.
Khi độ pH trong đất được nâng lên, rễ cây trồng sẽ phát huy tối đa hiệu quả sử dụng chất dinh dưỡng trong đất, làm cho cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt hơn so với canh tác truyền thống.