Theo Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem), do sức tiêu thụ chậm khiến lượng phân bón tồn kho tăng cao, tính đến nay, đã lên tới 700.000 tấn gây nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất phân bón.
Một số bất cập mà các doanh nghiệp đang phải đối mặt đó là số lượng hàng bán ra giảm nhưng giá nguyên liệu đầu vào lại tăng rất cao, hiện giá nguyên liệu apatit tăng 12%, than tăng 48%, lưu huỳnh tăng 80% so với quý I năm ngoái... trong khi giá bán ra lại không tăng. Bên cạnh đó doanh nghiệp còn phải gánh chịu thêm phí tồn kho do đồng vốn chết không quay vòng được.
Đặc biệt, thời gian qua, tình trạng phân bón giả kém chất lượng hoành hành trên thị trường với diễn biến khá phức tạp. Cuối tháng 3 vừa qua, một số tỉnh phía Nam đã phát hiện và xử lý hàng loạt các vụ buôn bán phân bón giả như tại tỉnh Bạc Liêu đã tịch thu hơn 1 tấn Kali giả làm từ muối trộn phẩm màu, hàm lượng Kali chỉ đạt 0,1 - 0,3% (trong khi phân thật là 60%). Đây là thách thức lớn với doanh nghiệp sản xuất chân chính bởi sự cạnh tranh không lành mạnh của phân bón giả do giá rẻ hơn, đánh trúng tâm lý người nông dân.
Để tháo gỡ khó khăn như hiện nay, một số doanh nghiêp như phân bón Bình Điền, phân bón Miền lân Nam, phân bón Cần Thơ, phân nung chảy Văn Điển đã chủ động tìm kiểm thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu sang các nước như Campuchia, Thái Lan, Myanma….