Sản xuất hóa chất châu Âu gặp nhiều khó khăn

09:22 SA @ Thứ Sáu - 12 Tháng Tư, 2024

Trong báo cáo mới đây về triển vọng sắp tới của Công ty BASF - công ty sản xuất hóa chất lớn nhất thế giới, Công ty phân tích tài chính Jefferies cho rằng một chặng đường dài với nhiều khó khăn đang chờ đợi BASF ở phía trước.

Nhưng BASF không phải là công ty hóa chất duy nhất ở châu âu sẽ phải trải qua những khó khăn như vậy. Nhìn chung, chi phí năng lượng cao và nhu cầu yếu sẽ là những thách thức lớn đối với các công ty sản xuất hóa chất châu âu trong năm 2024. Nhu cầu thị trường đối với sản phẩm hóa chất của các công ty này tiếp tục suy yếu khi hóa chất nhập khẩu từ Trung Quốc tràn vào thị trường châu âu sau thời kỳ đại dịch COVID-19.

Trong khi đó, các cơ quan châu âu đang yêu cầu ngành hóa chất tại đây gia tăng đầu tư để giảm phát thải cacbon và đi theo xu hướng phát triển bền vững. Một mặt, ngành hóa chất châu âu phải chuyển đổi theo xu hướng giảm phát thải các khí gây hiệu ứng nhà kính, sản xuất tuần hoàn, áp dụng kỹ thuật số, mặt khác phải chuyển hướng sang sản xuất các hóa chất an toàn và thân thiện môi trường, với mốc thời gian đích là năm 2050, vì vậy tốc độ chuyển đổi là yếu tố quan trọng. Những yêu cầu đó được đưa ra vào thời điểm công nghiệp hóa chất châu âu đang phải đối mặt với giá năng lượng cao nhất so với các khu vực khác trên thế giới và thiếu nguồn cung nguyên liệu có giá cạnh tranh. Đứng trước bối cảnh như vậy, Hội đồng công nghiệp hóa chất châu âu đang kêu gọi các nhà lãnh đạo chính phủ hỗ trợ việc hình thành chuỗi cung ứng năng lượng sạch trong khu vực.

Chi phí năng lượng tại Đức thuộc vào loại cao nhất ở châu âu. Theo Hiệp hội Công nghiệp hóa chất Đức, giá điện tại đây đã là bất lợi lớn đối với năng lực cạnh tranh của ngành hóa chất. Nếu giá điện tiếp tục tăng, quá trình chuyển đổi về hướng giảm phát thải cacbon sẽ gặp nhiều trở ngại.

Một số công ty hóa chất hoạt động ở châu âu cho biết điều kiện thị trường khó khăn đang bắt buộc họ phải đóng cửa nhà máy và cắt giảm việc làm. Trong số đó, Công ty Celanese sẽ đóng cửa nhà máy nilon 6,6 tại Uentrop (Đức), Công ty liên doanh Indorama - nhà sản xuất hạt nhựa PE lớn nhất thế giới – sẽ đóng cửa nhà máy PTA tại Sines (Bồ Đào Nha), còn Công ty Ineos sẽ dừng hoạt động bộ phận nguyên liệu polyeste tại Geel (Bỉ).

Theo Công ty tư vấn Accenture, công nghiệp hóa chất châu âu có thể đang rơi vào giai đoạn suy thoái dài nhất kể từ 15 năm nay.

Mặc dù vậy, vẫn có một số lý do để lạc quan, ví dụ các khách hàng hóa chất đang mua vào để bổ sung kho dự trữ, bắt đầu từ đầu năm nay. Năm 2024 có khả năng sẽ là một năm đầy dao động, bất ổn và thay đổi, nhưng những thách thức đó cũng tạo ra cơ hội đi lên, với nhu cầu gia tăng và tiềm năng tăng trưởng.

Tuy nhu cầu hóa chất yếu sẽ là vấn đề trung tâm đối với ngành hóa chất trong năm 2024, nhưng những quy định về bảo vệ môi trường cũng có những tác động lớn. Năm nay, các nhà chính trị và chuyên gia thuộc Ủy ban châu âu sẽ thảo luận về đề xuất cấm các “hóa chất vĩnh cửu” PFAS trong EU do tác động của chúng đối với môi trường và sức khỏe con người. Nhìn chung, áp lực đối với công nghiệp hóa dầu cũng sẽ gia tăng do mối liên kết giữa nhiên liệu hóa thạch, chất dẻo và hóa chất đang trở nên ngày càng rõ rệt.

Đáp lại, một số công ty hóa chất châu âu đang tìm cách rút khỏi sản xuất hóa chất từ nhiên liệu hóa thạch, chuyển sang những hóa chất thân thiện môi trường hơn. Ví dụ, Công ty Evonik đã đặt mục tiêu đạt doanh thu 1,1 tỉ USD mỗi năm từ những hóa chất chuyên dụng hỗ trợ cho sản xuất hóa chất thân thiện môi trường. đối với Công ty, nền kinh tế tuần hoàn sẽ là động lực tăng trưởng mạnh.   

Nguồn: