Trước đây, Việt Nam luôn là nước nhập khẩu urê với khối lượng lớn. Nhưng từ năm nay, nước ta đã hoàn toàn tự túc được loại phân bón quan trọng này. Không những thế mà còn nhiều khả năng sẽ có dư urê do trong nước sản xuất để có thể tiến hành xuất khẩu.
Theo Bộ Công thương, dù lượng nhập khẩu urê trong những năm qua hãy còn khá lớn, nhưng đang theo xu hướng giảm dần. Năm 2010, cả nước ta nhập khẩu khoảng 1 triệu tấn urê, giảm 30% so với năm 2009. Năm 2011, sản lượng urê trong nước khoảng 1 triệu tấn, đáp ứng được khoảng trên 50% nhu cầu, nên lượng cần nhập gần 1 triệu tấn.
Nhưng sang năm 2012, nước ta sẽ không cần phải nhập khẩu urê nữa, vì theo thông tin mới nhất từ Hiệp hội Phân bón Việt Nam (FAV), năm nay sẽ là năm đầu tiên nước ta hoàn toàn tự túc được nhu cầu của loại phân bón quan trọng này. Ông Nguyễn Hạc Thúy, Phó Chủ tịch FAV, cho biết, đến năm 2011, Nhà máy đạm Phú Mỹ đang có công suất 800 ngàn tấn/năm, công suất của Nhà máy đạm Hà Bắc là 200 ngàn tấn/năm. Trong năm 2012, sản lượng urê trong nước sẽ được tăng cường khá lớn với Nhà máy đạm Cà Mau có công suất 800 ngàn tấn/năm và Nhà máy Phân bón Ninh Bình công suất 560 ngàn tấn/năm. Như vậy, nếu tất cả các nhà máy nói trên hoạt động ổn định, đến cuối năm 2012, tổng sản lượng urê trong nước sẽ đạt 2,36 triệu tấn.
Trong khi đó, cũng theo ông Nguyễn Hạc Thúy, nhu cầu urê của cả nước trong năm 2012 chỉ vào khoảng 1,8 triệu tấn. Do đó, vào cuối năm nay, sản lượng urê dôi dư có thể lên tới 536 ngàn tấn. Trước đây, đã từng có những thời điểm các doanh nghiệp Việt Nam thực hiện xuất khẩu phân urê, nhưng đó là khi urê nhập khẩu và sản xuất trong nước bị tồn đọng nhiều vì cung vượt cầu, nên phải tiến hành xuất khẩu lượng urê nhập khẩu tồn kho. Còn tới cuối năm nay, lần đầu tiên Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành nước xuất khẩu urê do chính các nhà máy trong nước sản xuất ra. Việc xuất khẩu này sẽ không phải là nhất thời mà sẽ kéo dài trong nhiều năm tới, vì sản lượng urê sản xuất trong nước sẽ còn tiếp tục tăng mạnh.
Ngoài công suất hiện tại khoảng 200 ngàn tấn/năm, Nhà máy đạm Hà Bắc đang đầu tư nâng công suất lên thêm 300 ngàn tấn/năm nữa, để đạt tổng công suất 500 ngàn tấn/năm vào năm 2015. Tập đoàn Công Thanh cũng đang dự tính việc xây dựng một nhà máy sản xuất đạm với công suất khoảng 560 ngàn tấn/năm. Nếu tất cả những dự án nói trên được hoàn thành đúng tiến độ dư kiến, nhiều khả năng đến năm 2015, sản lượng urê nước ta sẽ vượt qua mức 3 triệu tấn. Trong khi đó, nhu cầu urê cả nước trong những năm tới vẫn chỉ ở mức khoảng trên dưới 2 triệu tấn/năm. Vì thế, theo dự báo của các chuyên gia phân bón, từ cuối năm nay trở đi, các doanh nghiệp sản xuất urê sẽ bắt đầu phải cạnh tranh quyết liệt với nhau để giành thị phần trong nước, đồng thời tìm kiếm thị trường xuất khẩu.
Theo Bộ NN-PTNT, trong năm 2012, nhu cầu phân bón các loại của cả nước vào khoảng 9,8 triệu tấn. Trong đó, phân NPK 3,5 triệu tấn, phân urê 2 triệu tấn, phân lân các loại 1,8 triệu tấn, DAP 950.000 tấn, phân kali 920.000 tấn, đạm SA 710.000 tấn... Trong các loại phân bón chủ lực nói trên, thì đến năm 2012, nước ta đã hoàn toàn tự túc được NPK, lân và urê. Phân DAP, dù hiện đã có Nhà máy DAP Đình Vũ (Hải Phòng) với công suất 330 ngàn tấn/năm, nhưng mới chỉ đáp ứng được 35% nhu cầu cả nước. Còn lại 65% nhu cầu DAP vẫn phải phụ thuộc vào nhập khẩu. Tập đoàn Hóa chất Việt Nam đang xúc tiến việc xây dựng 1 nhà máy DAP ở Lào Cai, có công suất tương đương với nhà máy Đình Vũ.
Như vậy, sau vài năm nữa, lượng DAP nhập khẩu sẽ giảm đáng kể. Còn 2 loại phân quan trọng khác là SA và kali vẫn phải nhập khẩu 100% từ nước ngoài, bởi ở nước ta hiện nay chưa có nhà máy nào sản xuất 2 loại phân bón này. Trong khi đó, hiện nay, Việt Nam đã có đủ cơ sở vật chất để sản xuất amoniac nhằm cung cấp nguyên liệu cho sản xuất phân SA. Còn nếu thực hiện được dự án khai thác và chế biến muối mỏ ở Lào thì sẽ có thể sản xuất được kali cho thị trường nội địa.