Thái Lan khởi động lại dự án khai thác mỏ Kali để hạ nhiệt giá phân bón

02:40 CH @ Thứ Hai - 02 Tháng Mười, 2023

Đứng trước tình hình chuỗi cung ứng phân bón toàn cầu đứt gãy do chiến tranh Nga-Ucraina, Thái Lan đã quyết định khởi động lại dự án khai thác quặng kali đã bị tạm dừng trong vài thập niên qua. Mục đích của dự án trị giá 1,8 tỉ USD này là giúp giảm nhẹ tình trạng thiếu phân bón hiện nay và giảm giá phân bón trên thị trường trong nước.

Theo kế hoạch, Công ty ASEAN Potash Chaiyaphum sẽ vận hành mỏ kali tại Chaiyaphum, nằm cách Băng Cốc 367 km. Chính phủ Thái Lan nắm giữ 20% cổ phần của dự án.

Theo Hiệp hội các nhà cung ứng phân bón và nông sản Thái Lan, giá phân hóa học tại đây đang dao động ở mức khoảng 1.200 USD/tấn (đã bao gồm chi phí vận chuyển), tăng gấp 3 lần so với giá trước khi xảy ra chiến tranh Nga-Ucraina, chủ yếu do sự đứt gãy của nguồn cung và chi phí vận chuyển cao. Giá phân kali cao là một trong những yếu tố khiến cho giá phân bón tăng cao, làm tăng chi phí đầu vào trong sản xuất lúa gạo, cao su, đường và các nông sản khác.  

Là quốc gia sản xuất nông sản hàng đầu ở Đông Nam Á, Thái Lan hiện đang phụ thuộc nặng vào nhập khẩu phân kali, với lượng nhập khẩu khoảng 700.000 tấn/năm, trị giá gần 300 triệu USD. Những nước cung ứng chính cho Thái Lan là Canađa, Belarut, Ixraen và Nga.

Kali (hoặc KCl) là một trong những thành phần then chốt trong phân bón. Theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới, giá kali trên thị trường thế giới tháng 2/2023 lên đến khoảng 560 USD/tấn, cao gấp 2,5 lần so với tháng 1/2022 (trước khi xảy ra chiến tranh Nga-Ucraina). Xu hướng tăng giá tương tự cũng đang diễn ra đối với các thành phần phân bón khác như urê, DAP, TSP.

Dự án khai thác mỏ kali nói trên của Thái Lan đã được bắt đầu triển khai từ năm 1989, khi Công ty ASEAN Potash Chaiyaphum và Bộ Công nghiệp phát hiện khu đất 6.400 ha tại tỉnh Chaiyaphum có chứa muối khoáng với trữ lượng tiềm năng 1,3 triệu tấn Kali/năm. Công ty đã được thành lập như một phần trong chương trình của các nước thành viên ASEAN với mục đích giảm nhập khẩu từ phương Tây và giúp phát triển công nghiệp trong khu vực. Tuy nhiên, giá phân bón thấp vào thời điểm đó cùng với khoản đầu tư khổng lồ cần để phát triển dự án đã dẫn đến lợi nhuận âm và dự án bị rơi vào tình trạng đóng băng. Cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 và cùng với đó là cuộc khủng hoảng thanh khoản trên khắp khu vực cũng ảnh hưởng bất lợi đến tính khả thi của dự án. Nhưng hiện nay tình hình đã thay đổi.  

Công ty ASEAN Potash Chaiyaphum dự kiến sản lượng phân kali của mỏ Chaiyaphum sẽ vượt quá khối lượng phân kali nhập khẩu hàng năm của Thái Lan, vì vậy sự  hồi sinh của dự án mỏ kali này sẽ giúp tăng thu nhập cho Thái Lan bằng cách xuất khẩu phân bón đến các nước láng giềng trong ASEAN. Một số nước ASEAN như Malaysia cũng đang phụ thuộc nặng nề vào phân bón nhập khẩu nên đã bày tỏ mối quan tâm đối với việc tham gia vào dự án khai thác mỏ kali của Thái Lan.

Dự kiến, mỏ Chaiyaphum sẽ bắt đầu đi vào vận hành thương mại trong năm 2026 do cần vài năm để thu xếp các khoản vay và hoàn thành xây dựng.

Nguồn: