Thị trường phân bón Châu Á-Thái Bình Dương - động lực tăng trưởng và xu hướng thị trường thời kỳ 2022-2026

01:51 CH @ Thứ Tư - 30 Tháng Ba, 2022

Dịch COVID-19 đã ảnh hưởng trực tiếp đến chuỗi cung ứng trên thị trường phân bón Châu Á-Thái Bình Dương. Ngành nông nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề vì sự gián đoạn của hệ thống vận chuyển trong nước và quốc tế, các cảng và đường giao thông tắc nghẽn, thủ tục hải quan kéo dài, những yếu tố đó cản trở người nông dân tiếp cận những nguyên liệu đầu vào quan trọng như phân bón, thuốc trừ sâu. Sự phụ thuộc của sản xuất nông nghiệp vào những nguyên liệu như vậy đã dẫn đến hậu quả là sản lượng ngũ cốc và cây lấy dầu ở nhiều nơi giảm mạnh khi người nông dân không thể mua phân bón và thuốc trừ sâu như trước khi xảy ra đại dịch.

Nhưng bất chấp những thách thức ngắn hạn của dịch COVID-19 đối với chuỗi cung ứng, về dài hạn nhiều động lực tăng trưởng và xu hướng thị trường sẽ tiếp tục thúc đẩy sự phát triển của thị trường phân bón toàn cầu. 

Theo báo cáo mới đây của Công ty nghiên cứu thị trường Mordor Intelligence, thị trường phân bón Châu Á-Thái Bình Dương đạt giá trị 9,38 tỉ USD vào năm 2020 và được dự báo sẽ tăng trưởng với tốc độ trung bình 6,9%/năm trong thời gian 2021-2026, đạt giá trị 14,8 tỉ USD vào năm 2026.

Động lực tăng trưởng

Những yếu tố chính tạo thành động lực cho thị trường phân bón hiện nay là đổi mới công nghệ, sự gia tăng nhu cầu đối với các loại phân bón đa chức năng và phân bón vi dinh dưỡng, xu hướng giảm diện tích canh tác trên đầu người và nhu cầu lương thực thực phẩm ngày càng tăng.  

Trong khi đó, bên cạnh nhận thức ngày càng cao của người nông dân đối với tiêu thụ phân bón và yêu cầu sử dụng đất với hiệu quả cao hơn thì nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng đối với thực phẩm dạng hạt như gạo, lúa mì cũng như các loại thực phẩm lành mạnh, giàu dinh dưỡng sẽ là những yếu tố quan trọng góp phần thúc đẩy sự phát triển của thị trường phân bón. 

Hiện nay, phân đạm là phân khúc chi phối hàng đầu trên thị trường phân bón Châu Á-Thái Bình Dương, trong đó bao gồm các loại sản phẩm như urê, canxi amoni nitrat (CAN), amoni nitrat, amoni sulphat, amoniăc,..., phân lân là phân khúc lớn thứ hai với các sản phẩm như MAP, DAP, TSP,... Tuy nhiên, chi phí sản xuất cao và nhu cầu đối với các loại phân bón sinh học có khả năng sẽ làm giảm nhẹ tiềm năng tăng trưởng của thị trường phân bón vô cơ. 

Trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, Trung Quốc là quốc gia tiêu thụ phân bón lớn nhất, chiếm 52% tổng tiêu thụ phân bón của toàn khu vực. Quy mô thị trường phân bón tại Ấn Độ cũng đang tăng nhanh do nền nông nghiệp quy mô lớn và cơ sở tiêu thụ tiềm năng ngày càng tăng. Theo kết quả khảo sát của FAO (Tổ chức Lương thực và nông nghiệp Liên hợp quốc), tiêu thụ phân bón tại khu vực Nam Á dự báo sẽ tăng 1%/năm trong thời gian từ nay cho đến năm 2030 để phục vụ cho mục đích gia tăng sản lượng cây trồng. 

Những xu hướng tác động đến thị trường phân bón

Xu hướng tăng dân số và tăng nhu cầu lương thực thực phẩm

Dân số khu vực Châu Á-Thái Bình Dương đang ngày càng tăng với tốc độ cao, làm tăng thêm nhu cầu lương thực thực phẩm. Cung ứng đủ lương thực thực phẩm cho dân số ngày càng tăng đó đã trở thành thách thức lớn. 

Xu hướng giảm diện tích canh tác trên đầu người 

Do quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa, diện tích đất canh tác hiện nay đang ngày càng giảm. Vì vậy, từ nhiều năm nay phân bón đã được tăng cường sử dụng để tăng năng suất cây trồng. 

Việc sử dụng phân bón một cách thích hợp và cân đối có thể giúp ngành nông nghiệp bảo đảm cung cấp lương thực thực phẩm cho dân số ngày càng tăng trên diện tích đất nông nghiệp hiện có. 

Vai trò chi phối của Trung Quốc 

Trung Quốc đang phải cung cấp lương thực thực phẩm cho 22% dân số thế giới, trong khi chỉ chiếm 12,68% diện tích đất canh tác toàn cầu. Những cây trồng chính ở Trung Quốc là lúa gạo, lúa mì, khoai tây, ngô, lạc, chè, kê, đại mạch, táo, bông, cây lấy dầu. Theo Báo cáo phát triển Ngành nông nghiệp Trung Quốc, nước này đặt ra mục tiêu trở thành quốc gia tự cung tự cấp về các thực phẩm cơ bản như gạo, ngô và lúa mì vào năm 2035. Chính phủ bảo đảm giá tối thiểu đối với ngũ cốc và thực hiện dự trữ ngũ cốc trong các kho lương thực quốc gia. Khu vực nông nghiệp quan trọng nhất của Trung Quốc là vùng đồng bằng Bắc Trung Quốc trải rộng trên một số tỉnh. Tháng 1-2021, Tập đoàn OCP chuyên sản xuất phân lân của Marốc đã ký hợp đồng thành lập liên doanh với Công ty Forbon Technology tại Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, với mục đích phát triển các công nghệ mới trong sản xuất phân bón và nông nghiệp thông minh. 

Năm 2017, Viện Dinh dưỡng cây trồng quốc tế (IPNI) tại Trung Quốc đã tiến hành một chương trình khảo sát về sử dụng phân urê nhả chậm ở tỉnh Hồ Bắc, miền Trung nước này. Kết quả cuộc khảo sát đã chứng minh rằng việc sử dụng phân bón nhả chậm một cách nhất quán sẽ giúp cải thiện năng suất cây trồng và tiềm năng sinh lời ở một số cây trồng chính như lúa gạo, cà tím. Những nghiên cứu tương tự đã giúp nâng cao nhận thức của người nông dân về sử dụng phân bón, qua đó làm tăng nhu cầu tiêu thụ phân bón.

Theo Bản tin Công nghiệp Hóa chất số 3/2022