Thị trường phân bón chợ đen tại Ấn Độ phát triển mạnh khi giá tăng cao

03:46 CH @ Thứ Tư - 20 Tháng Tư, 2022

Trong tình cảnh khó khăn bức bách vì không thể mua được phân bón khi mùa vụ đang đến gần, nhiều người nông dân Ấn Độ đã phải tìm đến chợ đen và trả những mức giá cao khác thường cho loại vật tư nông nghiệp thiết yếu này.

Tình trạng thiếu phân bón hiện nay đã khiến cho thị trường chợ đen phát triển mạnh ở đất nước với 300 triệu nông dân, nơi mà các sản phẩm phân bón tuy được nhà nước trợ giá nhưng lại thường được bán bất hợp pháp với những mức giá cao hơn mức giá do chính phủ quy định. Trong những ngày này, những người buôn bán chợ đen đang bận rộn thực hiện những đơn đặt hàng từ những người nông dân gọi điện thoại đến cho họ trong tình cảnh đang cần mua phân bón một cách tuyệt vọng. 

Những người nông dân trồng lúa mì và hành củ tại bang Madhya Pradesh cho biết, họ chỉ có hai lựa chọn: hoặc là cắt giảm lượng phân bón sử dụng và chấp nhận rủi ro sản lượng thu hoạch thấp, hoặc phải trả giá trên trời cho phân bón ở chợ đen. Không có lựa chọn nào là tốt. Sản lượng thu hoạch giảm có thể khiến cho giá lương thực thực phẩm tăng cao, làm cho lạm phát càng trở nên trầm trọng ở đất nước mà 15% dân số đang phải đối mặt với nạn thiếu ăn. Nhưng trả giá cao cho phân bón trên chợ đen sẽ ảnh hưởng đến thu nhập của những người nông dân vừa và nhỏ, những người chiếm hơn 80% trong ngành nông nghiệp Ấn Độ.

Ấn Độ là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất vì cuộc khủng hoảng phân bón hiện nay trên thế giới. Giá của các loại chất dinh dưỡng cây trồng trên toàn cầu đã tăng mạnh khi nguồn cung than và khí thiên nhiên bị thắt chặt khiến cho một số nhà máy phân bón ở châu âu phải đóng cửa. Trung Quốc và Nga cũng đã cắt giảm xuất khẩu để bảo đảm nguồn cung cho thị trường trong nước. Những yếu tố đó sẽ giữ cho giá phân bón tiếp tục duy trì ở trạng thái cao trong nửa đầu năm 2022.    

Ấn Độ là quốc gia đầu tiên nhận thấy tác động tăng giá phân bón khi nhu cầu có xu hướng tăng cao theo mùa vụ, trong thời gian từ quý 4 đến quý 1 hàng năm. Việc Trung Quốc - một trong những quốc gia cung cấp phân bón hàng đầu cho Ấn Độ - cắt giảm xuất khẩu đã khiến cho quốc gia Nam Á này chỉ còn rất ít lựa chọn về nguồn cung phân bón. 

Ấn Độ nhập khẩu đến một phần ba lượng phân bón cho nhu cầu trong nước và là quốc gia nhập khẩu urê cũng như DAP lớn nhất thế giới. Cuộc khủng hoảng về nguồn cung phân bón có khả năng sẽ ảnh hưởng nặng nề đến sản lượng các cây lương thực thiết yếu ở Ấn Độ, như lúa mì, hạt cải dầu và đậu đỗ gieo trồng trong mùa đông.

Tình trạng thiếu phân bón xảy ra vào thời điểm các chi phí đầu vào khác như xăng dầu cũng đang tăng cao và nông dân ở một số vùng đang phải chịu thiệt hại do các trận mưa bất thường vừa qua. 

Ấn Độ đang tăng cường sản lượng phân bón nội địa và đã ký các hợp đồng giao hàng dài hạn với các nhà cung ứng để ngăn cản tình trạng tăng giá. Một nguồn tin chính phủ cho biết, những trợ cấp hiện nay đối với các công ty sản xuất phân bón là đủ, nhưng chính phủ cũng sẽ chấp nhận tăng thêm kinh phí trợ cấp nếu cần. 

Chính phủ Ấn Độ đã bắt đầu thực hiện chế độ phân phối phân bón hàng tuần cho các khu vực dựa trên nhu cầu để ngăn ngừa tình trạng đầu cơ tích trữ của các nhà kinh doanh và người nông dân khi hàng tồn kho hiện đang ở mức thấp. Chính phủ cũng đang tiếp tục các cuộc đàm phán với các quốc gia như Oman, Gioocđani, Marốc và Nga để ký các hợp đồng cung ứng phân bón dài hạn.   

Trên chợ đen, một bao DAP 45 kg hiện được bán với giá 1.500 rupi (20 $), cao hơn mức bán lẻ tối đa theo quy định là 1.200 rupi. Một bao urê được bán với giá đến 400 rupi, cao gấp rưỡi giá bán thông thường (266 rupi).

Ban tin Công nghiệp Hóa chất số 3/2022