Thị trường phân bón sôi động cả trong nước và xuất khẩu

09:50 SA @ Thứ Hai - 17 Tháng Hai, 2025

Thị trường phân bón Việt Nam sau Tết Nguyên đán sôi động, tích cực cả trong nước và xuất khẩu bởi xu hướng giá thế giới tăng, nhu cầu tiêu thụ trong nước ổn định.

Giá phân bón trong nước xu hướng tăng nhẹ

Thị trường phân bón trong nước đang có những biến động nhất định do ảnh hưởng của thời tiết, mùa vụ và các yếu tố khác. Nhu cầu phân bón tăng cao ở các khu vực đang trong vụ đông xuân, đặc biệt là phân bón ure, giá phân bón đang có xu hướng tăng nhẹ.

Các tỉnh tại ĐBSCL đã hoàn thành gieo sạ và đang bước vào giai đoạn cuối chăm bón cho lúa vụ đông xuân. Nhu cầu tiêu thụ tính đến tuần này đã ước đạt khoảng 89% tổng lượng tiêu thụ cả vụ đông xuân 2024 - 2025, trong đó, lượng ure/DAP đã tiêu thụ đạt khoảng 92-97%, NPK/Kali khoảng 78-84%. Nhu cầu tiêu thụ dự kiến tiếp tục có xu hướng giảm.

Tại miền Trung, nhu cầu chăm bón cho cây công nghiệp ở mức thấp. Bà con đang chăm bón đợt 2-3 cho lúa đông xuân. Một số vùng hoa màu, bà con đang xuống giống để trồng lại vụ mới. Khu vực Tây Nguyên đã hoàn tất thu hoạch cà phê. Các vùng trồng tiêu cơ bản hoàn tất chăm bón và chuẩn bị bước vào thu hoạch, sầu riêng đang trong giai đoạn làm bông.

Miền Bắc, nhu cầu chăm bón cho lúa đông xuân 2025 đang dần gia tăng, chủ yếu có nhu cầu đợt 1-2, sử dụng nhiều ure và NPK. Các tỉnh tại Đồng bằng sông Hồng tuần này bắt đầu xuống giống đồng loạt lúa đông xuân 2025, và dự kiến đa số các tỉnh thành sẽ hoàn thành việc gieo cấy trong tháng 2 và đầu tháng 3.

Thị trường phân bón urê Việt Nam sau Tết Nguyên đán diễn biến tích cực do được hỗ trợ bởi xu hướng giá thế giới tăng, xuất khẩu sôi động. Lượng xuất khẩu ure của Việt Nam trong tháng 1/2025 đã đạt gần 73.000 tấn, giảm hơn 10.000 tấn so với tháng 12/2024. Dự báo, lượng xuất khẩu trong tháng 2/2025 cũng sẽ đạt khoảng 70.000 tấn.

Dự kiến, thị trường urê nội địa vẫn tiếp tục được hỗ trợ bởi giá thế giới tăng. Nguyên nhân chính đến từ nguồn cung hàng giao ngay trong nước hạn chế và thông tin Đạm Cà Mau xuất khẩu lượng lớn và nhu cầu tăng cao ở miền Bắc, bất chấp nhu cầu ở ĐBSCL/miền Trung chậm lại. 

Với Đạm Phú Mỹ, hiện công ty thông báo giá đợt 2 từ 11.050 - 11.150 đồng/kg. Giá tại kho C1 (giao tại kho đầu mối khu vực Long An, Đồng Nai) quanh mức 11.050 - 11.150 đồng/kg, giá giao tới C2 khu vực Đông Nam Bộ 11.200 - 11.400 đồng/kg. Ghi nhận khu vực quận 7 chào tại kho Cần Thơ, Nam Phát TG giá 11.000 - 11.100 đồng/kg, giá tới C2 11.100 - 11.300đ/kg.

Trong khi đó, Đạm Cà Mau giá bán cho C1 khu vực Đông Nam Bộ tại nhà máy tăng 200đ/kg; tại khu vực Long An, Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu 11.300 - 11.350 đồng/kg (áp dụng từ ngày 03/02 - 20/02/2025). Giá tại kho C1 chào bán tại khu vực Long An, Bình Dương, Ngã Ba Vũng Tàu quanh mức 11.400 - 11.600 đồng/kg, giao tới C2 khoảng 11.700 - 11.800đ/kg tùy khu vực.

Giá Đạm Ninh Bình giá tham khảo chợ quận 7 chào tại khu vực HCM/Long An 11.000 đồng/kg. Giá giao cho C2 ở mức 11.100 - 11.200đ/kg. Hiện hết hàng.

Đạm nhập khẩu, hạt đục hàng Ure Brunei, Malaysia, Indonesia, Trung Quốc hạt đục tại kho khu vực Long An, Sài Gòn chào mức 11.000 - 11.200 đồng/kg Gia Vũ, Huỳnh Thành, Apromaco, Tường Nguyên, Vinacam, Long Hưng.

Đối với ure nhập khẩu, theo đó, trong tháng 1/2025, lượng ure nhập khẩu về Việt Nam đạt 30.000 tấn, tăng 19.000 tấn so với tháng 12/2024. Dự báo, trong tháng 2/2025, lượng ure nhập khẩu về Việt Nam sẽ giảm 10.000 tấn so với tháng 1, đạt khoảng 20.000 tấn.

Tại Sài Gòn/Long An, giá ure Brunei hạt đục tăng lên 10.800-11.000đồng/kg vào ngày 3/2, sau đó lên 11.200đồng/kg vào ngày 6/2; Giá ure Malaysia hạt đục tăng lên 11.000-11.100đồng/kg vào ngày 4-5/2, sau đó lên 11.300-11.500 đồng/kg vào ngày 6/2. Bình quân, giá ure nhập khẩu tăng 250-450 đồng/kg so với tuần trước Tết.

Thị trường thế giới sôi động

Thị trường ure thế giới cũng đang có những biến động, đáng chú ý đấu thầu của Ấn Độ chỉ mua gần 506.000 tấn ure ở mức giá 422 USD/tấn CFR bờ Tây và 427 USD/tấn CFR bờ Đông. Giá ure thế giới tiếp tục xu hướng tăng sau đấu thầu này, trong đó giá ure tại Trung Đông đã tăng lên mức 410-415 USD/tấn FOB. Sản lượng sản xuất của Iran vẫn bị hạn chế nhưng đã có giao dịch diễn ra ở mức giá khoảng 360 USD/tấn FOB.

Tại Ai Cập, một loạt các giao dịch bán ure hạt đục có giá tăng từ 432 USD/tấn FOB lên mức 450 USD/tấn FOB, xếp hàng tháng 2-3. Trong khi đó, hoạt động nhập khẩu của châu Âu đã chậm lại và giá Ure ổn định, nhưng giá Nitrate và UAN đã tăng trở lại.

Phía tây kênh đào Suez, hoạt động giao dịch tại Brazil cũng chậm lại, với mức giá chào hàng đã tăng lên 440 USD/tấn CFR, nhưng có rất ít trả giá từ người mua. Sà lan tại Nola của Hoa Kỳ đã tăng lên mức 380-397 USD/st FOB Nola.

Giao dịch giao ngay trong tuần đầu tháng 2 hạn chế đã giúp giá tại hầu hết các thị trường chính ổn định, ngoại trừ Hoa Kỳ và châu Âu. Tại Hoa Kỳ, nhiều sà lan DAP giao tháng 2 đã được bán trong tuần này với giá tăng 4 USD/st so với tuần trước lên mức 588 USD/st FOB Nola. Tại châu Âu, giá DAP tăng do được hỗ trợ bởi nguồn cung eo hẹp và chào giá tăng. Tại Nam Á, thị trường ghi nhận thỏa thuận mua 1,6 triệu tấn DAP giữa Ấn Độ và OCP (Ma-rốc) trong tuần này, giá tính theo công thức và giao hàng từ tháng 2-12/2025.

Thị trường thế giới đang không chắc chắn về việc Hoa Kỳ áp thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Canada và được hỗ trợ bởi việc giảm sản lượng sản xuất MOP trắng của Belarus. Tại Indonesia, Pupuk đã phát hành đấu thầu để mua 350.000 tấn MOP tiêu chuẩn, giao trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 9/2025, đấu thầu sẽ đóng ngày 6/2. Nhà nhập khẩu đã đề xuất giá theo công thức cho các lô hàng nhưng cho đến nay, ít nhất 3 nhà cung cấp đã từ chối đề xuất này.

Tuần này, Ấn Độ đã mua 25.000-30.000 tấn NPKs Trung Quốc 20-20-0+13S với giá 397 USD/tấn CFR. Đồng thời, một số nhà nhập khẩu Ấn Độ cũng phát hành đấu thầu mua hàng mới, trong đó RCF phát hành đấu thầu mua 30.000 tấn NPK 15-15-15, Fact phát hành đấu thầu mua 45.000 tấn NPK 15-15-15.

Trong khi đó, các thị trường khác ở châu Á như Trung Quốc và Đông Nam Á giao dịch trầm lắng do nghỉ Tết Nguyên đán (28/1-4/2). Ở châu Âu, giá NPK tăng khoảng 5 Euro/Bảng Anh/tấn tại một số thị trường. Ủy ban châu Âu đã đề xuất áp dụng thuế cố định đối với nhập khẩu phân bón gốc Nitơ và Phosphates từ Nga và Belarus từ tháng 7/2025.

Giá SA tại hầu hết thị trường lớn trên thế giới ổn định so với tuần trước. Trong đó, hầu hết người mua và người bán tại Trung Quốc và Đông Nam Á nghỉ Tết nên giao dịch ngưng trệ. Tại Brazil, thị trường vẫn ghi nhận nhu cầu lai rai đối với lô hàng giao tháng 6-7/2025, nhưng nhu cầu với lô hàng giao ngay hạn chế.

Tại châu Âu, giao dịch cũng chậm do nhu cầu trong khu vực ở mức thấp, một số nhà cung cấp đã chuyển sang chào giá cho thị trường Hoa Kỳ.