Thị trường sôđa trên thế giới - tình hình và triển vọng cung cầu

03:31 CH @ Thứ Hai - 06 Tháng Mười Một, 2023

Năm 2022 thị trường sôđa toàn cầu đã nằm trong tình trạng cung cầu đặc biệt sít sao. Nhu cầu đã hồi phục sau dịch COVID-19, nhưng nguồn cung hạn chế do các đợt bổ sung công suất bị trì hoãn trong thời gian đại dịch. Sản lượng sôđa ở châu âu không thể tăng do các cản trở về phía nguồn cung năng lượng và nguyên liệu, các vấn đề hậu cần cũng ảnh hưởng đến nguồn cung sôđa ở Mỹ. Do ảnh hưởng của giá năng lượng trên thế giới sau khi Nga tấn công Ucraina, chi phí sản xuất sôđa đã tăng lên mức rất cao, đặc biệt là tại châu Âu.

Nhưng hiện nay tình hình đã khác xa. Nguồn cung sôđa đang trở nên dư thừa ở phần lớn các thị trường, giá giao ngay giảm nhanh khi chi phí sản xuất giảm. Hiện tại, kinh tế thế giới đang tăng trưởng chậm lại, vì vậy nhu cầu sôđa cũng giảm ở một số lĩnh vực sử dụng và khu vực địa lý.

Nguồn cung toàn cầu

Trong khi nhu cầu sôđa tăng chậm lại, rất nhiều nguồn cung mới đã được lập lịch đưa ra thị trường, chủ yếu là tại Trung Quốc và Mỹ. Sau những thập niên đóng vai trò chi phối trong xu hướng tăng công suất trên thế giới, những năm gần đây công suất sôđa của Trung Quốc đã thấp hơn nhu cầu tiêu thụ. Hơn nữa, nguồn cung sôđa tự nhiên chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng công suất sôđa của Trung Quốc. Nhưng công suất sôđa của Trung Quốc dự kiến sẽ tăng nhanh, trong khi công nghệ sản xuất cũng thay đổi. Tập đoàn Berun ở Nội Mông đã bổ sung 5 triệu tấn công suất sôđa tự nhiên vào tháng 6/2023 và dự kiến sẽ bổ sung tiếp 2,8 triệu tấn vào năm 2026. Một số dự án mở rộng công suất sôđa tổng hợp cũng đang được triển khai ở Trung Quốc, trong số đó có những dự án với quy mô khá lớn.  

Mỹ khai thác chủ yếu nguồn sôđa tự nhiên và là một trong những quốc gia sản xuất sôđa với chi phí thấp nhất trên thế giới. Trong nhiều thập niên qua ngành sản xuất sôđa của Mỹ đã không được mở rộng với bất cứ đợt tăng công suất đáng kể nào. Nhưng điều đó sẽ thay đổi. Đến năm 2030, công suất sôđa của Mỹ dự kiến sẽ tăng thêm 10 triệu tấn/năm. Trong năm nay Công ty Genesis đang bổ sung thêm 1,1 triệu tấn công suất. Đợt tăng công suất lớn nhất đang được Công ty Sisecam dự tính với kế hoạch xây dựng nhà máy 5,0 triệu tấn/năm, sẽ đưa vào vận hành năm 2028.

Ở những nơi khác trên thế giới, các dự án mở rộng công suất cũng đang được lập kế hoạch. Công ty Inochem tại Arập Xê-út đã bắt đầu triển khai dự án mở rộng công suất sôđa vào tháng 6/2023, trong khi đó Công ty Ciner đang thực hiện kế hoạch tăng thêm khoảng 1,0 triệu tấn công suất tại Thổ Nhĩ Kỳ vào thời gian 2022-2025. Ngoài ra, Cadăcxtan và Ấn Độ cũng đang có những kế hoạch mở rộng công suất sôđa.

Tình hình và triển vọng cung cầu ở các khu vực

Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Quốc là những quốc gia xuất khẩu sôđa hàng đầu thế giới, trong khi đó Nam Mỹ và Đông Nam Á là những khu vực nhập khẩu hàng đầu.

Châu Á

Trong bối cảnh những rối loạn của chuỗi cung ứng toàn cầu do tác động của dịch COVID-19 cũng như cuộc chiến tranh đang tiếp diễn giữa Nga và Ucraina, hoạt động thương mại sôđa trên thế giới vẫn diễn ra rất sôi nổi. Tuy nhiên, do một số vấn đề của chuỗi cung ứng toàn cầu nên Trung Quốc là nước duy nhất đã tăng đáng kể lượng xuất khẩu trong năm 2022. Khả năng tăng xuất khẩu sôđa của Trung Quốc trong những năm tới sẽ phụ thuộc vào thành công của nhà máy mới tại Nội Mông cũng như tác động của nó đối với một số nhà máy sôđa chi phí cao tại Trung Quốc.

Sản xuất thủy tinh hiện là lĩnh vực chi phối nhu cầu sôđa, trong đó sản xuất kính phẳng là nơi tiêu thụ nhiều nhất. Mặc dù tăng trưởng sản xuất nhìn chung ở Trung Quốc dự kiến sẽ chậm lại, lĩnh vực sản xuất kính phẳng vẫn sẽ tiếp tục là động lực quan trọng cho nhu cầu tiêu thụ sôđa tại đây. Bên cạnh đó, các lĩnh vực bảo vệ môi trường ở Trung Quốc đang đóng góp rất tích cực vào sự tăng trưởng nhu cầu sôđa, trong đó kính dùng cho các tấm pin năng lượng Mặt Trời sẽ trở thành động lực lớn nhất vào năm 2027. Sản xuất liti cacbonat, nguyên liệu được sử dụng trong pin xe ôtô điện, được dự báo sẽ tăng trưởng trung bình 19%/năm và cũng sẽ là động lực quan trọng cho nhu cầu sôđa.  

Nhu cầu sôđa toàn cầu đã rất mạnh trong phần lớn thời gian của năm 2022. Năm 2023 đã khởi đầu với sự chậm lại của nhu cầu ở một số lĩnh vực ứng dụng nhất định, ở một số thị trường người ta đã quan sát thấy tình trạng dư thừa hàng tồn kho. Dự kiến, trong những tháng còn lại của năm nay nguồn cung sôđa sẽ tiếp tục được cải thiện khi các nhà máy mới được đưa vào vận hành, đặc biệt là ở Trung Quốc, trong khi đó tăng trưởng nhu cầu giảm nhẹ trên toàn cầu.

Đông Nam Á là thị trường mới nổi với quy mô lớn nhưng đang phụ thuộc hoàn toàn vào nhập khẩu sôđa, tổng khối lượng nhập khẩu năm 2022 đạt khoảng 3,6 triệu tấn. Đông Bắc Á (không kể Trung Quốc) là thị trường đã chín muồi và trong năm 2022 đã nhập khẩu khoảng 1,3 triệu tấn sôđa. Sau khi nhu cầu tăng trưởng mạnh năm 2022 trong bối cảnh cung cầu sít sao, thị trường sôđa tại các nước châu Á khác (không kể Trung Quốc) hiện nay tương đối trầm lắng, có tình trạng hàng tồn kho cao. Từ đầu năm đến nay, tổng khối lượng nhập khẩu sôđa tại các nước này đã giảm 14%.  

Tại Ấn Độ, cân bằng cung cầu trên thị trường sôđa trong năm 2022 khá sít sao, nhưng nhu cầu đã giảm từ nửa sau của năm. Tình trạng dư thừa hàng tồn kho đã duy trì trong toàn bộ quý I/2023. Tuy nhiên, có khả năng thị trường tại đây đang chuyển hướng. Nhu cầu chất giặt rửa, lĩnh vực sử dụng sôđa lớn nhất ở Ấn Độ, đã bắt đầu được cải thiện. Lĩnh vực sản xuất chai lọ thủy tinh đã tăng trưởng tốt và có khả năng sẽ tiếp tục duy trì tăng trưởng. Tuy thị trường kính phẳng ở Ấn Độ đang bị ảnh hưởng vì nhập khẩu ngày càng tăng từ các nước châu Á khác, tại đây các dây chuyền sản xuất kính nổi và kính dùng cho pin năng lượng Mặt Trời vẫn được đưa vào vận hành trong năm nay hoặc năm tới. Hiện tại, nhu cầu sôđa của Ấn Độ mới chỉ đạt 3 kg/ đầu người, vì vậy triển vọng dài hạn còn khá tốt.

Châu Âu

Trong thương mại sôđa, Tây Âu là khu vực nhập khẩu ròng, trong khi đó Trung Âu là khu vực xuất khẩu ròng, chủ yếu xuất từ Bungari. Cân bằng cung cầu sôđa tại châu âu trong năm 2022 đặc biệt sít sao. Cho đến nay, nhu cầu chai lọ thủy tinh - lĩnh vực tiêu thụ sôđa lớn nhất ở Tây Âu - vẫn rất mạnh, tuy nhiên triển vọng cho thời gian cuối năm không rõ ràng. Mặc dù vậy, vấn đề nguồn cung thủy tinh phế liệu tại đây có khả năng sẽ thúc đẩy tăng tiêu thụ sôđa. Nhu cầu kính phẳng đã chậm lại từ quý IV/2022 và dự kiến sẽ khá yếu trong năm nay.

Châu Mỹ

Mỹ là thị trường đã chín muồi đối với sôđa, nhưng vẫn có một số tiềm năng tăng trưởng, chủ yếu trong lĩnh vực chế biến liti. Nhìn chung, việc gia tăng công suất sôđa ở Mỹ chủ yếu phục vụ cho xuất khẩu. Năm 2022, xuất khẩu sôđa của Mỹ bị hạn chế do các vấn đề ở một số nhà máy và do những cản trở về hậu cần trong nước. Một số yếu tố cản trở xuất khẩu sôđa vẫn còn duy trì cho đến nay.

Khu vực Nam Mỹ hầu như phụ thuộc hoàn toàn vào nhập khẩu sôđa. Nhu cầu tại đây đặc biệt cao và đã tăng trưởng với tốc độ 2 chữ số trong năm 2022. Cân bằng cung cầu trên thị trường rất sít sao, do đó đã thu hút cả nguồn nhập khẩu từ những nơi rất xa như Trung Quốc với giá cao do chi phí vận chuyển cao. Hiện tại không còn vấn đề về nguồn cung, trên thị trường đang có cạnh tranh mạnh để tranh giành thị phần giữa các nhà cung ứng lớn. Tuy nhu cầu sôđa năm 2023 đã giảm nhẹ nhưng triển vọng trung và dài hạn vẫn rất mạnh, trong đó sản xuất liti cacbonat là động lực lớn nhất cho nhu cầu.

Trung Đông, châu Phi

Công ty Ciner hiện đang mở rộng công suất sôđa tự nhiên ở Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng tại đây cũng có nhiều dự án sản xuất thủy tinh đã được lập kế hoạch cho những năm tới. Vì vậy, phần lớn công suất mới bổ sung sẽ được thị trường nội địa hấp thụ hết.

Tại Arập Xê-út, một nhà máy sôđa mới sắp được đưa vào vận hành, chủ yếu phục vụ thị trường trong nước.

Thị trường châu Phi cũng đã chuyển từ trạng thái cân bằng rất sít sao trong năm 2022 sang trạng thái cung vượt cầu vào giữa năm 2023.

Trong tương lai, sản xuất chất tẩy rửa, hóa chất và thủy tinh sẽ tạo ra nhu cầu mới về sôđa tại châu Phi. Nhưng thu nhập đầu người đến năm 2027 dự kiến sẽ không thay đổi nhiều, vì vậy châu Phi sẽ tiếp tục có tỷ lệ tiêu thụ sôđa trên đầu người thấp nhất thế giới.

Chi phí sản xuất và xu hướng giá

Chi phí vận chuyển cao đã góp phần làm tăng giá sôđa trong một năm rưỡi qua. Nhưng phí vận chuyển hàng côngtenơ bắt đầu giảm nhanh từ cuối năm 2022. Phí vận chuyển hàng rời bắt đầu giảm muộn hơn nhiều và giảm chậm hơn, mặc dù vậy trong năm 2023 cũng đã bắt đầu có xu hướng giảm giá vận chuyển hàng rời.

Căn cứ theo các dự báo về giá năng lượng, chi phí sản xuất sôđa có khả năng đã đạt đỉnh cao nhất và đang bắt đầu giảm. Chi phí sản xuất sôđa đã tăng đặc biệt nhanh trong năm 2022, nhưng có chênh lệch lớn giữa các nhà sản xuất với chi phí thấp ở Mỹ và các nhà sản xuất với chi phí cao ở châu âu. Trong năm 2023, chi phí sản xuất sôđa trên toàn thế giới đang giảm, nhưng vẫn có chênh lệch lớn giữa các khu vực. Ngay cả đến năm 2027, khi chênh lệch chi phí sản xuất dự kiến sẽ thu hẹp lại, sản xuất sôđa dựa trên khí thiên nhiên tại châu âu vẫn sẽ có chi phí cao hơn đáng kể.  

Mỹ là nước xuất khẩu sôđa lớn nhất thế giới, Thổ Nhĩ Kỳ chiếm vị trí thứ 2. Vị thế xuất khẩu của Trung Quốc dao động mạnh do khối lượng xuất khẩu giữa các năm có thể thay đổi nhiều. Các nhà sản xuất Mỹ có xu hướng ấn định giá hàng năm, vì vậy thường có mức giá khá ổn định trong năm, trong khi đó Trung Quốc xuất khẩu nhiều sản phẩm theo giá giao ngay trên thị trường. Tháng 8/2020, trong thời gian giữa dịch COVID-19 giá sôđa xuất khẩu của Trung Quốc ở mức trung bình 161 USD/tấn FOB, nhưng đến tháng 8/2022 đã tăng lên 420 USD/tấn FOB. Sang năm 2023, động lực giá đã thay đổi, với giá xuất khẩu giao ngay khoảng 260-290 USD/tấn FOB vào tháng 7/2023. Tuy hàng tồn kho ở các nhà sản xuất Trung Quốc hiện tương đối thấp, nhưng thị trường đang chờ đợi tác động của việc đưa vào vận hành nhà máy mới thuộc Công ty Berun ở Nội Mông.

Nguồn: