Thị trường trong nước:
Sau khi tăng trưởng mạnh mẽ trong những tháng đầu năm 2011, xuất khẩu cao su của Việt Nam đã suy giảm trong 2 tháng liên tiếp là tháng 9 và tháng 10, theo xu hướng trầm lắng của thị trường. Theo số liệu sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong tháng 10, xuất khẩu cao su của Việt Nam chỉ đạt 62,08 nghìn tấn, trị giá 231,72 triệu USD, giảm 20,9% về lượng và giảm 31,9% về trị giá.
Theo dự báo của Bộ Công Thương, với tình hình kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn như hiện nay, dự báo hai tháng còn lại của năm 2011, xuất khẩu cao su của Việt Nam khó có sự đột biến. Lượng cao su xuất khẩu trong hai tháng cuối năm 2011 ước đạt khoảng 192 nghìn tấn, trị giá đạt 806 triệu USD, tăng nhẹ 1% về lượng và tăng 12,56% về trị giá so với cùng kỳ năm 2010. Như vậy, tổng lượng cao su xuất khẩu trong cả năm 2011 ước đạt 800 nghìn tấn, trị giá 3,4 tỷ USD, tăng 2,3% về lượng và 42,75% về trị giá so với năm 2010, vượt kế hoạch 3 tỷ USD mà ngành cao su đề ra. Giá cao su xuất khẩu 10 tháng đầu năm 2011 đã tăng 50,4% so với cùng kỳ năm 2010, đạt 4.306 USD/tấn.
Ngày lấy giá | Cao su thiên nhiên sơ chế tại Bình Phước | Mủ cao su thiên nhiên tại Bình Phước |
01/11/2011 | 25.000 | 18.900 |
04/11/2011 | 24.000 | 18.000 |
08/11/2011 | 24.000 | 17.700 |
09/11/2011 | 24.000 | 17.700 |
10/11/2011 | 23.000 | 16.800 |
14/11/2011 | 18.000 | 15.300 |
16/11/2011 | 17.000 | 13.800 |
17/11/2011 | 18.000 | 15.600 |
Trên thị trường trong nước, giá cao su tiếp tục giảm so với tháng 10 trong không khí giao dịch trầm lắng, mặc dù đang vào mùa cạo mủ cao su ở ViệtNam. Nếu như cuối tháng 10, giá mủ cao su tự nhiên loại 1 tại Bình Phước là 19.200 đ/kg thì sang ngày 4/11 giá đã giảm xuống mức 17.700 đ/kg, sau đó tiếp tục giảm xuống 16.800 đ/kg vào ngày 10/11, tụt sâu xuống chỉ còn 13.800 đ/kg vào ngày 16/11, và bật tăng nhẹ trở lại 15.600 đ/kg. So với mức đỉnh của tháng 10 đạt được vào ngày 21/10 là 24500 đ/kg, giá mủ cao su đã giảm mạnh gần 5.000 đ/kg.
Giá cao su thiên nhiên đã sơ chế giảm từ 25.000 đ/kg vào đầu tháng 11 xuống còn 18.000 đ/kg vào ngày 17/11, và giảm so với 30.000 đ/kg hồi đầu tháng 10.
Tình hình xuất khẩu cao su qua cửa khẩu quốc tế Móng Cái vẫn tiếp tục đóng băng. Hiện có vài nghìn tấn cao su đang bị ách tắc tại cửa khẩu mà các doanh nghiệp xuất khẩu vẫn chưa có hướng giải quyết hữu hiệu. Những ngày này, không khí giao dịch tại cửa khẩu rất trầm lắng, khối lượng giao dịch lẻ tẻ, chỉ đạt từ 100 – 200 tấn/ngày. Các cơ quan quản lý về xuất nhập khẩu hàng hóa của Trung Quốc tiếp tục thúc ép lực lượng doanh nghiệp và thương gia phía họ chuyển sang giao dịch hệ chính ngạch khi nhập cao su thiên nhiên của Việt Nam hay bất kỳ nước nào trong khu vực chuyển tải, tạm nhập tái xuất qua cửa khẩu Móng Cái. Tình hình này ảnh hưởng khá nặng nề đối với lực lượng kinh doanh xuất khẩu cao su ViệtNam. Vì từ nhiều thập kỷ nay, phương thức xuất nhập khẩu theo cơ chế tự do và quan hệ gắn bó với đối tác Trung Quốc phần nào đã có tính truyền thống, nay không dễ gì thay đổi được.
2. Thị trường thế giới:
Bất chấp những nỗ lực nhằm cứu vớt giá lên của Thái Lan, với động thái tích cực mới đây nhất là người trồng cao su ở 14 tỉnh miền nam Thái Lan đồng ý giảm cung ít nhất 25%. Thỏa thuận này đạt được sau cuộc gặp giữa người trồng cao su, các công ty kinh doanh cao su và quan chức nông nghiệp. Trước đó, Chính phủ Thái Lan cũng đã khuyến khích người nông dân ngưng cạo mủ từ nay đến cuối năm để làm giảm nguồn cung và đẩy giá tăng lên. Chính phủ Thái có ý định chi 10 tỷ bạt để xây dựng kho dự trữ 100.000 tấn cao su nhằm vực giá khỏi mức thấp 18 tháng hiện nay. Giá cao su thế giới vẫn chìm trong xu thế giảm do khủng hoảng nợ châu Âu ngày càng chìm sâu khiến nhu cầu nguyên liệu để sản xuất lốp xe và găng tay sụt giảm. Đóng cửa phiên giao dịch 10/11, giá cao su kỳ hạn tháng 11/2011 tại Sở Giao dịch hàng hóaTokyo(Tocom) đã tụt thê thảm, xuống chỉ còn 244 yên/kg. Nhà đầu tư châu Á còn chịu ảnh hưởng bởi áp lực bán tháo trên khắp các thị trường từLondonđếnNew York. Vấn đề nợ công ở châu Âu trở nên phức tạp hơn khi thủ tướng Italia không chịu từ chức khi chưa công bố biện pháp thắt lưng buộc bụng giữa lúc kinh tế Trung Quốc đi xuống và lũ lụt ở Thái Lan làm giảm hoạt động sản xuất của ngành xe hơi đã dồn sức nén đổ lên thị trường cao su.
Sau khi bật tăng chút ít trong các ngày giao dịch tiếp theo, giá cao su Tocom lại sụt giảm mạnh vào ngày 21/11, với giá hợp đồng tháng 11/2011 đóng cửa phiên sáng ở mức 250 yên/kg, hợp đồng tháng 3/2012 giảm 3,7% xuống 263,5 yên/kg, mức thấp nhất kể từ ngày 14/11.
Như vậy, trong năm nay, giá cao su đã giảm 36%, riêng trong tháng 11 đã mất đi 13% do khủng hoảng nợ châu Âu, lũ lụt tồi tệ nhất trong lịch sử hơn 50 năm qua tại Thái Lan khiến sản lượng ô tô ở châu Á và Bắc Mỹ giảm.