Thị trường dược phẩm Việt Nam tăng trưởng 25% năm

10:09 SA @ Thứ Ba - 01 Tháng Sáu, 2010
Thị trường dược phẩm Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng nhanh với tốc độ tăng trưởng 25% mỗi năm và đạt giá trị khoảng 2 tỉ đô la vào năm 2012. Đây sẽ là những yếu tố hấp dẫn thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài rót vốn vào thị trường này.
Nội dung trên trong báo cáo của Cục Quản lý Dược vừa đưa ra nhằm đánh giá tiềm năng thu hút đầu tư của ngành dược đối với nhà đầu tư nước ngoài.

Theo thống kê của cục, tổng trị giá tiền thuốc đã sử dụng trong năm 2009 ước đạt gần 1,7 tỉ đô la Mỹ, tăng 18,9% so với năm 2008. Tiền thuốc bình quân đầu người năm 2009 đạt mức 19,77 đô la, tăng 3,32 đô la so với năm 2008, tăng 13,7 đô la so với năm 2001.

Theo Cục Quản lý Dược thì tổng chi phí cho dược phẩm tại Việt Nam sẽ đạt hơn 2 tỉ đô la vào năm 2012 và con số này sẽ tiếp tục tăng trưởng.

Chi tiêu cho dược phẩm tăng lên là do nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân ngày càng cao, trong đó nhu cầu về thực phẩm chức năng đang tăng trưởng mạnh gần 30%.

Cùng với thực phẩm chức năng thì lĩnh vực nghiên cứu vắc-xin, sinh phẩm y tế và sản xuất kháng sinh đang thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư vì đây là lĩnh vực ViệtNam khuyến khích đầu tư.

Cục Quản lý Dược cho hay đầu năm 2010 cục sẽ cấp phép cho dự án sản xuất vắc-xin dại vero đông khô, rubella, cảm thông thường, vắc xin thủy đậu với tổng mức đầu tư khoảng 20 triệu đô la Mỹ tại tỉnh Bắc Giang.

Ông Trương Quốc Cường, Cục trưởng Cục Quản lý Dược cho hay hiện đã có 39 dự án đầu tư nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực dược phẩm với tổng số vốn đăng ký là 302 triệu đô la Mỹ, trong đó có 22 dự án đầu tư sản xuất thuốc. Đây là con số còn nhỏ so với tiềm năng của thị trường.

Theo ông Cường, xu hướng đầu tư trong những năm tới sẽ thay đổi sau khi Việt Nam đã gia nhập WTO tạo điều kiện cho công ty nước ngoài tham gia thị trường, đặc biệt là trong lĩnh vực nhập khẩu và hậu cần (logistics).

“Trước đây các doanh nghiệp vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong lĩnh vực dược vào Việt Nam đầu tư nhà máy sản xuất thì nay có khoảng 70-80% doanh nghiệp FDI này chuyển dần sang lĩnh vực nhập khẩu, dịch vụ hỗ trợ kinh doanh và chuyên môn như lưu trữ, kiểm nghiệm thuốc”, ông Cường nói.

Theo cam kết của WTO, các công ty dược phẩm nước ngoài có quyền mở chi nhánh tại ViệtNam và được tham gia nhập khẩu trực tiếp dược phẩm mặc dù chưa được quyền phân phối. Thêm vào đó, Việt Nam sẽ phải giảm thuế cho sản phẩm y tế là 5% và 2,5% cho thuốc nhập khẩu trong vòng 5 năm sau khi gia nhập WTO.