Giá phân bón trên thị trường thế giới tiếp tục xu hướng tăng. Trong phiên giao dịch tuần đầu tháng 11/2010, giá Urea prill của Trung Quốc đang được chào bán với giá 335 USD/tấn (FOB), tăng nhẹ 2 USD/tấn so với tuần trước.
Các nhà cung ứng Inđônêxia cũng đã điều chỉnh tăng giá bán hợp đồng giao hàng tháng 11/2010 từ mức 340 USD/tấn (FOB) lên 350 USD/tấn (FOB). Trên thị trường Trung Đông, giá chào bán Ure có xuất xứ tại đây bán sang thị trường Nam Mỹ đứng ở mức giá tương đối cao 345 USD/tấn (FOB), tăng 5 USD/tấn so với phiên giao dịch tuần trước, hợp đồng giao hàng tháng 11/2010 đứng ở mức cao hơn đạt 360 USD/tấn (FOB). Giá chào bán Ure granular xuất xứ từ Ai Cập được điều chỉnh tăng 8 USD/tấn lên 380 USD/tấn (FOB).
Tổng quan cung cầu trên thị trường phân bón có thể thấy, giá phân bón sẽ có nhiều khả năng tiếp tục duy trì được xu hướng tăng trong thời gian tới. Đó là, nguồn cung tiếp tục hạn hẹp do Trung Quốc dự kiến áp dụng mức thuế xuất khẩu cao trong 2 năm, có thể bắt đầu từ ngày 15/11 hoặc 1/12/2010 nhằm đảm bảo nguồn cung nội địa không bị giảm xuống quá thấp, sẽ làm giảm nguồn cung Ure xuất khẩu trên toàn cầu xuống 10-15% trong quý I năm 2011. Dự đoán, trong 3 tháng đầu năm 2011, Trung Quốc sẽ xuất khẩu khoảng 1,2 triệu tấn Ure tương đương với 14% lượng cung của thế giới. Thêm vào đó, việc cắt giảm sản xuất nhằm tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường tại quốc gia này và sản lượng vẫn giảm tại Nga và Ukcraina. Ngoài ra, giá than và khí đốt được điều chỉnh tăng càng làm nguồn cung Ure hạn hẹp hơn.
Trong khi đó, nhu cầu cho vụ xuân tại các nước trên thế giới khá lớn. Trước mắt là các đơn đặt hàng từ 106-126 triệu tấn Ure từ Ấn Độ chủ yếu nhập từ thị trường Trung Quốc, với mức giá 338 USD/tấn (FOB), và các đơn hàng từ Bangladesh và các nước khác. Ngoài ra, giá các mặt hàng nông sản vẫn tiếp tục tăng. Do đó, các quốc gia đều muốn tăng sản lượng bằng cách tăng năng suất, và phân bón là điều kiện không thể thiếu. Như vậy, với những thông tin từ nguồn cung hạn chế trong khi nhu cầu lớn sẽ đẩy giá Ure trên thị trường thế giới sẽ nhiều khả năng tiếp tục xu hướng tăng cao trong thời gian tới.
Tại Việt Nam, do hiện nay vẫn phải nhập khẩu khoảng 50% nhu cầu phân đạm, 70% nhu cầu DAP, 100% Kali và SA nên xu hướng giá phân bón thế giới tăng sẽ tác động mạnh khiến giá phân bón trong nước cũng sẽ tiếp tục xu hướng tăng. Đặc biệt giá sẽ được hỗ trợ thêm từ nhu cầu lớn cho vụ lúa Đông Xuân của cả nước. Thêm vào đó, nguồn cung nhập khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam vẫn đang gặp khó do tỉ giá VND/USD tiếp tục tăng cao. Do vậy, các doanh nghiệp vẫn đang nhập khẩu dè chừng. Tuy nhiên, nếu như việc nỗ lực bình ổn thị trường của các cơ quan chức năng và các nhà máy lớn được thực hiện tốt thì nguồn cung phân bón trong nước sẽ được cải thiện, và khi đó, giá phân bón trong nước cũng sẽ dần ổn định hơn.
Nhưng trong ngắn hạn, xu hướng chính đối với thị trường phân bón trong nước và thế giới là giá sẽ có nhiều khả năng tiếp tục tăng, hoặc ít nhất cũng sẽ được duy trì ở mức cao như hiện nay.